Biết không về không xong, anh Đức lấy lý do gia đình có người phải vào viện để xin phép vắng mặt trong cuộc họp.
"Cũng may là cơ quan chồng ở không xa nhà lắm nên cũng thuận lợi. Bản thân tôi thì tầm 10 rưỡi là xin ra ngoài để đi siêu âm, nếu bác sĩ thông báo trứng rụng thì tôi về nhà đợi chồng, sau đó đầu giờ chiều đi làm lại", chị Nhiên, vợ anh Đức, kể.
Bà mẹ sống tại Ba Đình, Hà Nội này cho hay, vì chồng chị là đích tôn nên ngay khi có ý định bầu lần hai, chị đã lên mạng hỏi thăm đồng nghiệp, tư vấn bác sĩ... để "nặn" con trai. "Tôi biết chồng và gia đình anh mong có người nối dõi. Vì thế, tính sớm thì sau này đỡ phải lo", chị Nhiên giải thích.
Chồng chị hợp tác rất nhiệt tình. Vợ mua đồ bổ dưỡng gì về anh cũng cố ăn, uống dù có thích hay không. Những "ngày cao điểm", anh bố trí để không phải đi công trình xa và có thể về bất cứ khi nào chị gọi.
Quá trình canh trứng của chị Nhiên khá công phu. Chị đánh dấu lên lịch 3 ngày có khả năng trứng rụng để đi siêu âm. Nếu ngày đầu bác sĩ nói nói khả năng rơi vào 2 ngày nữa thì để chắc ăn, hôm sau chị vẫn đến soi lại. Nếu sáng nghe nói đêm trứng sẽ rụng thì tối đó chị lại đến siêu âm tiếp vì sợ bị lỡ. "Nói chung, đã tính theo thì phải cố sát sao nên bấm bụng chịu tốn, mỗi tháng cũng phải chi tới gần triệu cho việc canh này", chị Nhiên kể.
Áp lực tính giờ khiến vợ chồng chị khá căng thẳng mỗi lần "yêu". Nhưng sau 4 tháng không thành, cả hai đều nản và quyết định bỏ cuộc thì hai tháng sau lại tự nhiên có thai. "Đúng là người tính không bằng trời tính", chị Nhiên kể.
Vốn có nhu cầu cao nhưng vì rất mong con sau 2 năm cưới vẫn chưa có tin mừng, anh Thịnh (Gia Lâm, Hà Nội) cũng cố nhịn để "yêu" theo lịch vợ vạch sẵn.
Anh Thịnh cho biết, vợ chồng anh đã đi khám ở nhiều nơi nhưng đều được kết luận là bình thường. Vợ anh nghe ai mách gì đều về làm theo, từ việc xoay đầu giường sang hướng khác, tới mua đồ bổ dưỡng về cho chồng ăn, bắt anh kiêng bia rượu, tắm nước nóng. Gần đây, chị dùng tới cách tính ngày theo chu kỳ rồi đi siêu âm xác định thời điểm trứng rụng để hai vợ chồng "tác chiến" đúng lúc. Nhưng nhiều lần, cảm thấy quá áp lực, anh Thịnh gần gũi vợ cả tiếng vẫn chưa thể xuất binh. "Xong việc, cả hai vợ chồng đều mệt phờ và thấy quá oải. Chuyện ấy xưa là niềm vui, giờ biến thành gánh nặng", anh chia sẻ với bác sĩ khi đi khám nam khoa.
Muốn canh "lợn vàng" vào năm 2019 nhưng chồng lại đang đợt công tác ở Quảng Ninh, chị Loan (Từ Liêm, Hà Nội) đang giữa tuần phải xin nghỉ 2 ngày để qua chỗ chồng "trực trứng".
"Nếu bị lỡ là lại phải đợi cả tháng nên mọi việc đành gác lại để thực hiện mục tiêu", chị Loan kể. Vợ chồng chị có một cô con gái học tiểu học, chị 34 tuổi nên không muốn trì hoãn việc sinh con nữa. "Cũng tính dùng các biện pháp hỗ trợ sinh sản cho nhanh nhưng tốn tiền nên cứ để tự nhiên đã", chị nói.
Có lần, khi được bác sĩ xác định tối đó trứng rụng, trưa chị bắt xe tới chỗ chồng, tối cả hai "giao ban", tới sáng sớm chị cũng bắt anh thực hiện nhiệm vụ trước khi đưa vợ ra bến xe.
Lần khác, đến đúng ngày thì trường có đợt kiểm tra, chị không thể xin nghỉ, anh phải bỏ hết việc để về. Anh vừa phải làm việc đêm trước, hôm đó người mệt nên không làm ăn được gì. "Vậy là công cốc", chị Loan nói.
Thạc sĩ Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Phố Vọng, Hà Nội) cho biết, thường khi quá trình canh trứng mới diễn ra, quan hệ vợ chồng có chiều hướng tích cực hơn do khi đó cả hai đều có tâm thế chủ động, hướng tới cùng một mục đích lớn là thụ thai. Dù phải yêu theo lịch chứ không được tùy hứng, các ông chồng thường hợp tác tốt, nâng niu vợ hơn.
Tuy nhiên, khi quá trình này kéo dài tới vài tháng thì khiến người trong cuộc cảm thấy nản và căng thẳng, gây những xáo trộn trong cuộc sống và ảnh hưởng tới tâm lý cũng như sinh hoạt vợ chồng.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Bệnh viện vô sinh và hiếm muộn Hà Nội cho biết, siêu âm canh trứng rụng để quan hệ dễ thụ thai là biện pháp tốn tiền mà ít tác dụng. Ngoài ra, việc cố nhịn để "yêu" vào một vài thời điểm nhất định để dễ thụ thai hay sinh được con trai có thể tạo áp lực cho nam giới và gây phản tác dụng. Thực tế, ông nói, có nhiều trường hợp đến ngày vợ rụng trứng thì chồng bị tâm lý lo âu đè nặng nên không thể điều khiển cơ thể. Ngoài ra, sự căng thẳng có thể kích thích hoạt động của hệ thần kinh có chức năng điều phối hoạt động sinh tinh, dẫn tinh, kéo theo việc giảm khả năng thụ thai.
Bác sĩ Hưng cho biết, tình huống này có thể thấy rất rõ ở các cặp vợ chồng hiếm muộn. Các đôi đi khám và điều trị mà lúc nào cũng lo lắng, căng thẳng thì hiệu quả thấp hơn rõ rệt so với các đôi có tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái.
Lương y Phó Hữu Đức, Hội đông y Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết, rất nhiều đôi đến chỗ ông khám vì lâu có con cũng gặp tình cảnh dù trứng của vợ và tinh trùng chồng đều tốt nhưng "canh" mãi vẫn không đậu thai, tới khi họ nản lòng, để mặc mọi chuyện diễn ra theo tự nhiên thì lại có tin mừng. "Nam giới cũng như phụ nữ, có người tinh thần mạnh mẽ, có người dễ stress, bấn loạn. Rất nhiều anh khi vào thời khắc quan trọng là không thể làm gì khiến vợ thất vọng, kế hoạch 'săn con' không thành", lương y Đức cho biết.
Theo các chuyên gia sinh sản, để sinh con khỏe mạnh, từ trước vài tháng, hai vợ chồng cần chuẩn bị đầy đủ về tinh thần và sức khỏe (kiểm tra tổng thể, sàng lọc các bệnh lý đường tiết niệu, sinh dục). Muốn có thai tự nhiên, hai bạn nên quan hệ thường xuyên vào những thời điểm quanh ngày rụng trứng - có thể xác định đơn giản, hiệu quả bằng cách quan sát chất nhầy cổ tử cung. Không nhất thiết phải đi siêu âm canh trứng, đợi chờ "giờ yêu" vì vừa hiệu quả thấp, gây căng thẳng tâm lý và thậm chí làm mất đi cơ hội có thai.
Minh Nhi