Thanh, một khách hàng của hiệu ảnh viện áo cưới D. nổi tiếng, nằm trong hạng top tại Hà Nội, gặp chuyện dở khóc dở cười ngay ngày cưới. Anh Cường thì không quên được cảm giác khi đi đón dâu đã nhìn thấy mẹ vợ và vợ “như… kinh kịch”.
Mẹ vợ trên 50, dưới bàn tay của “chuyên gia trang điểm” đã biến thành diễn viên kịch Trung Quốc bất đắc dĩ với bộ mặt cực kỳ kịch nghệ. Còn cô dâu không kém phần ấn tượng với làn da trắng bợt, mắt xếch dữ tợn. “Vợ tôi có thể nói là khá xinh, nhưng trang điểm xong tôi chỉ còn nhận ra cô ấy 20%…”, anh Cường cười chua chát.
Đã hẹn trước với hiệu ảnh viện, áo cưới khá “nổi” ở Nam Định là KD, đúng 5 giờ sáng, Hà đã có mặt, để khỏi chen lấn. Tưởng sẽ được “nâng cấp” nhan sắc, ai dè, khi xe đón dâu vừa dừng bánh, cô dâu bước ra liền bị đám đông xì xào. Có người nói vui: “Cô dâu “má cà chua”. Hay “Trông cô dâu mặt tưng bừng như vừa đi nhậu về…”.
Hương, chủ hiệu thời trang tóc Hương Hương (phố Khương Đình, Hà Nội), vô tư: “Em đi học vẽ móng nhưng khó quá không làm được, phải bỏ. Chỉ có uốn với cắt thì dễ hơn, học nghề 3 tháng nhưng tự nhìn tự học là chính, công việc chủ yếu chỉ được gội đầu cho khách và phụ việc, rồi về mở hiệu thôi, làm gì có chứng chỉ, bằng cấp gì, anh đi hỏi xem hiệu nào chả thế”.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Trường trung cấp công nghệ và kinh tế Việt - Hàn (số 4A - X3, Thanh Trì, Hà Nội), nơi có đào tạo chuyên ngành tạo mẫu sắc đẹp, thực tế là các chuyên gia không bằng cấp đang hành nghề tràn lan ở Việt Nam. “Tôi đã đi khảo sát các cơ sở đào tạo chuyên ngành tạo mẫu sắc đẹp và các Beauty salon tại một số nước phát triển như Hàn Quốc và Australia, thì thấy đây là ngành rất được coi trọng vì nó liên quan đến thẩm mỹ cũng như sức khỏe của khách hàng. Tất cả các cơ sở làm đẹp đều bắt buộc phải đăng ký và nhân viên hành nghề phải có chứng chỉ, bằng cấp từ sơ cấp đến cử nhân. Thời gian thực hành là 70%, lý thuyết 30%”, ông Hùng nói.
Một cuộc khảo sát hơn 300 cơ sở hoạt động trong ngành tạo mẫu sắc đẹp trong nước của Trường Việt Hàn cho thấy, chiếm đa số các chuyên viên làm đẹp tại các cơ sở này không được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp, mà chủ yếu học theo kiểu truyền miệng, truyền tay, chỉ một số rất ít có qua đào tạo.
Hoàng Liên, Chủ salon thời trang tóc và trang điểm Oze (42V, Lý Thường Kiệt, Hà Nội), người đã có nhiều chứng chỉ tạo mẫu thẩm mỹ tại Mỹ, Thuỵ Sĩ, cũng ngạc nhiên không kém vì “đến nhiều tiệm thấy những ông chủ bà chủ thạo nghề chỉ chăm chăm ngồi thu tiền. Thợ làm đẹp trực tiếp cho khách thì đa số toàn học mót, không hề được đào tạo qua trường lớp”.
Chưa kể, hiện nay hệ thống đào tạo ngành tạo mẫu sắc đẹp chưa được coi trọng đúng mức về mặt chính sách. Dù số lượng các cơ sở đào tạo và hành nghề đã lên đến hàng ngàn, nhưng đến nay, nghề này chưa được Bộ GD&ĐT cấp mã ngành đào tạo như các nghề thiết kế thời trang, kiến trúc…
Hậu quả của tình trạng đào tạo thả nổi, đã có không ít người đi làm đẹp phải gánh hậu quả nặng nề, từ biến chứng, thậm chí đến mất mạng, do gặp phải những “chuyên gia” không bằng cấp.
(Theo Tiền Phong)