Theo HK01, trước khi sinh con, Zhang lo sợ chồng cũ và gia đình anh ta sẽ làm hại mình nên chuyển đến sống ở nhà người họ hàng để đảm bảo an toàn. Sau khi vượt cạn, Zhang đau khổ khi em vợ của người này thông báo con trai cô bị khuyết tật bẩm sinh.
Không có lý do gì để nghi ngờ, lại phải nằm một chỗ vì vừa sinh nở, Zhang nhờ em họ tìm bác sĩ giúp đỡ. Tuy nhiên, người phụ nữ này nói đứa bé bị liệt ở cả hai chân và khuyên Zhang nên từ bỏ ý định chạy chữa.
Người họ hàng của Zhang sau đó thông báo con trai cô qua đời do bị phơi nhiễm. Cô không mảy may nghi ngờ suốt thời gian qua.
Gần đây, sau khi tình cờ hay tin con trai vẫn còn sống và đang học ở một trường trung học, Zhang mừng rỡ và bắt đầu đi tìm cậu bé. Trong lúc tìm con, Zháng phát hiện cậu bé trông giống hệt chồng cũ của cô. Kết quả xét nghiệm ADN cũng cho thấy cậu bé thực sự là con trai cô.
Cùng lúc, Zhang sốc khi biết mẹ nuôi đứa trẻ chính là em vợ của em họ mình.
Sau khi sự thật được phát hiện, Zhang và con trai muốn sống cùng nhau, tuy nhiên vợ chồng người phụ nữ đã nhận nuôi cậu bé không đồng ý và gửi đơn kiện. Họ đòi Zhang hoàn trả khoản tiền họ đã bỏ ra để nuôi dưỡng con trai. Tuy nhiên, Zhang không đồng ý với lý do họ nhận nuôi con trai cô bất hợp pháp.
Zhang cũng mong vợ chồng người em họ sẽ bị trừng phạt vì bắt cóc con trai cô rồi giao đứa trẻ cho người khác nuôi.
Câu chuyện của Zhang sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc khiến nhiều người bất ngờ.
"Trời đất, Zhang thật tội nghiệp. Gia đình em họ cô ấy quá tồi tệ", một người bình luận. "Zhang chắc đã rất buồn và đau khổ suốt 17 năm qua vì mất con", người thứ hai viết.
Dữ liệu điều tra dân số do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hồi tháng 2 cho thấy trong năm 2021, tỷ lệ giới tính của dân số nước này vẫn nghiêng về nam giới - 723 triệu nam so với 689 triệu nữ. Trong khi đó, số lượng nam giới ở độ tuổi kết hôn truyền thống (20-40 tuổi) cũng cao hơn nữ giới 20 triệu người.
Trước mối lo ngại ngày càng tăng đối với xu hướng dân số này, năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã khởi xướng chính sách cho phép các gia đình sinh ba con, thay thế chính sách hai con được đưa ra vào năm 2016. Trước đó, chính sách sinh một con ở Trung Quốc kéo dài gần 40 năm.
Hướng Dương (Theo SCMP)