Bắc Kinh là kinh đô của nhiều đời vua Trung Quốc. Thành phố này san sát những di tích lịch sử từng một thời là cung cấm của hoàng đế và gia tộc của mình, hoặc các phủ, điện của các vị quan đại thần. Bên cạnh việc thu hút lượng du khách khổng lồ mỗi năm tới tham quan, những công trình có bề dày văn hóa này cũng ẩn chứa trong mình nhiều bí ẩn ma quái chưa được giải đáp. Tuy tất cả chỉ là đồn đoán, chưa được khoa học kiểm chứng nhưng cũng khiến nhiều du khách hoảng hồn.
Tử Cấm Thành - lời đồn về cung nữ không có mặt
Nằm giữa trung tâm thủ đô Bắc Kinh, trong suốt 600 năm, Tử Cấm Thành là hoàng cung từ triều Minh cho tới cuối nhà Thanh. Ngoài hoàng tộc, đây còn là nơi sinh sống của hàng chục nghìn phi tần, người hầu qua các đời vua. Do mâu thuẫn, tranh giành quyền lợi nên nhiều vụ hãm hại đẫm máu đã xảy ra bên trong Tử Cấm Thành, từng là đề tài cho nhiều bộ phim quen thuộc. Bởi thế, khu thành bí ẩn này không tránh khỏi việc bị đồn "có ma".
Một quân nhân làm việc trong thành kể lại, vào buổi chiều tháng 10/1995, nhóm tuần tra của anh đã gặp một người phụ nữ tóc dài vận áo choàng đen trong hoàng cung. Nghĩ là trộm, nhóm đã đuổi theo và dồn cô ra vào góc phòng bị khóa. Khi yêu cầu cô gái này quay mặt lại, họ đã bị sốc đến mức làm rơi cả đèn pin khi người hiện ra trước mặt họ không hề có mặt mà chỉ có tóc đen phủ quanh.
Năm 1992, sau một tiếng sét trong cơn mưa, bức tường đỏ trong Cố cung bất chợt hiện lên hình ảnh của cung nữ đi ngang qua. Nhiều du khách đã nhanh tay chụp lại hình này, càng củng cố thêm lời đồn ma quái.
Những lời đồn về các hồn ma vẫn không dừng lại. Chuyện xảy ra chủ yếu với những người canh cổng. Vào ban đêm, khi đang làm nhiệm vụ, họ thường nghe thấy tiếng nhạc từ đâu đó quanh cung điện và sau đó xuất hiện một số nhóm hầu gái cũng như thái giám đi ngang qua.
Vương phủ của Hòa Thân - bóng ma áo trắng của người vợ chết yểu
Ngoài Tử Cấm Thành, Cung Vương phủ của Hòa thân cũng rất bề thế và hoàng tráng. Đây cũng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng bị ma ám ở Bắc Kinh. Khu di tích nằm tại phố Liễu Ấm, quận Tây Thành.
Hòa Thân cũng có một hậu cung đông đúc với hơn 80 thê thiếp. Trong phủ có một nơi được xây dựng kỳ công mà Hòa Thân dành riêng cho một người thiếp có tên là Phùng Thị mà ông ta rất yêu chiều. Sau khi con trai Phùng Thị chết khi còn nhỏ, bà đau buồn, sinh bệnh rồi sớm qua đời.
Từ đó, dân gian bắt đầu đồn đại rằng, cung Vương phủ cũng bị "hồn ma" Phùng Thị ám. Buổi đêm, người trong phủ thường nghe thấy tiếng phụ nữ khóc, thậm chí có người còn khẳng định họ từng nhìn thấy bóng phụ nữ mặc áo trắng lướt đi trong vườn.
Thư viện của Ngô Tam Quế - linh hồn ái thiếp bị thất sủng
Tùng Pha Đồ thư quán, nằm ở ngõ Thạch Hổ số 7, quận Tây Thành. Nơi này từng được tướng Ngô Tam Quế lưu lại. Ông này vốn là quan võ dưới triều Minh, sau đó đi theo quân Thanh, lập triều đình mới.
Ngô Tam Quế có một ái thiếp là Trần Viên Viên. Sau khi có được địa vị cao dưới triều Thanh, ông dần dần quên lãng người thiếp này khiến Trần Viên Viên uất ức treo cổ tự vẫn. Kể từ đây, người ta đồn đại rằng linh hồn cô gái trẻ đã ám cả con ngõ nhỏ Thạch Hổ và dinh cơ Tùng Pha khiến cả người dân và khách du lịch đều sợ hãi.
Hội quán Hồ Quảng - ném đá vào vườn sẽ nghe tiếng chửi
Hồ Quảng Hội quán bị đồn có ma ám bởi nó được xây dựng trên một mảnh đất trước đây từng là nghĩa địa. Hội quán được xây dựng dành cho người vô gia cư đến ở, ngày nay trở thành điểm đến thường xuyên cho những ai yêu kinh kịch.
Công trình nằm ven cầu Hổ Phường, quận Tuyên Vũ. Người ta đồn rằng khi đi qua đây, thử ném một hòn đá vào trong vườn, chắc chắn sẽ có tiếng chửi vang lên dù bên trong không có người.
Người dân Bắc Kinh còn truyền tai nhau những điểm rùng rợn khác như: nhà thờ Triều Nội - nơi thường nghe thấy tiếng hét vang vọng dọc hành lang vào buổi đêm sau khi vợ của một viên chức từng sống ở đây mất trí và tự tử ngay trong nhà thờ.
Hay mộ của Viên Sùng Hoán, một vị tướng tài giỏi và trung thành với nhà Minh nhưng bị hãm hại, xử tội lăng trì. Sau khi ông chết oan uổng, người ta cho rằng, luôn có linh hồn chủ nhân vương vấn xung quanh khu mộ ở số 52 phố Hoa Thị, Sùng Văn Môn, quận Đông Thành.
SuZi Nguyễn (Theo Sina)