Ở nhiều khách sạn tại các nước Âu - Mỹ, Australia... hiếm khi du khách tìm thấy phòng mang số 420 (hay 4/20 hoặc 4:20). Thay vào đó, các khách sạn sẽ chỉ đánh số ví dụ, từ 401 đến 419, bỏ qua 420, tiếp tục từ 421 trở đi. Thậm chí, nhiều khách sạn còn tránh con số bí ẩn này bằng cách đánh số phòng 419+1 thay vì 420.
"Lời nguyền" này được cho là xuất phát từ sự việc xảy ra cách đây hơn 40 năm tại California, Mỹ, một nhóm sinh viên bắt đầu lén lún tập hút cần sa vào ngày 20/4 (viết tắt là 4.20 hay 4/20), thậm chí có tài liệu còn ghi lại thời điểm họ bắt đầu hút là khoảng 16h20 (4h20 chiều).
Từ đó, con số 420 trở thành nỗi ám ảnh với cộng đồng và trở thành nguồn gốc của ngày cần sa quốc tế. Những người hút loại chất gây nghiện này cứ đến ngày 20/4 là lại tổ chức ăn mừng, nhiều biển hiệu số phòng khách sạn mang số 420 bị lấy trộm, không chỉ số phòng khách sạn mà số nhà, số cửa hàng lưu niệm... đều bị họ lấy đi. Do vậy, các khách sạn đã bỏ hẳn số phòng này để tránh những nhiều không hay xảy ra.
Con số này sau đó đã được nhắc lại trong nhiều sản phẩm văn hóa như sách báo, phim ảnh, nhiều bộ ký hiệu đều bỏ qua con số này để tránh gợi lại ký ức không mấy tốt đẹp. Ở Colorado (Mỹ), nơi cho phép hút cần sa công khai, các khách sạn không né tránh con số kỳ lạ này mà vẫn để nguyên, có điều in hẳn lên cánh cửa để tránh bị lấy cắp, thêm vào đó là in thêm biểu tượng không hút thuốc trong căn phòng này.
Ngoài con số 420, nhiều khách sạn ở những nước phương Tây còn bỏ qua tầng 13 vì những lý do tâm linh, khiến du khách e ngại bởi những câu chuyện ma quỷ, kinh dị xoay quanh con số đen đủi này. Tầng 13 có thể được bỏ qua, đi thẳng từ tầng 12 lên 14, hoặc dùng làm tầng kỹ thuật, vận hành, hay văn phòng mà không dành cho khách nghỉ.
Khách sạn The Stanley Hotel ở Colorado (Mỹ) lại bỏ qua số phòng 217 và 418, nơi xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết kinh dị The Shining của tác giả Stephen King để tránh mang lại cảm giác rùng rợn cho khách hàng.
SuZi Nguyễn (Theo Telegraph)