Trong cơn đau, bà Liên gượng dậy kể, ngày 14/2/2002, khi phát hiện buồng trứng trái xuất hiện khối u nang bì, ngay lập tức, BVVP yêu cầu bà tiến hành phẫu thuật với lý do, càng để lâu khối u càng dễ gây ra biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng.
Ngày 19/11/2002, ca phẫu thuật khối u nang như chẩn đoán được các bác sĩ (BS) tại BV tiến hành. Bà Liên xuất viện ngày 22/11 với tấm giấy có ghi rõ: "cắt u nang buồng trứng trái".
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân Liên thấy cuộc sống của mình khó khăn hơn. Mỗi lần xoay người từ phải sang trái lại thấy bị đau quặn. Mỗi kỳ kinh, bà thấy đau dữ dội, không thể đi thẳng người. Bà Liên nghĩ, đó là hậu quả thông thường sau hậu phẫu nên cắn răng chịu đựng.
Nhưng càng về sau, những cơn đau càng dữ dội. Bà quyết định đi khám lại. Ngày 24/11/2005 bà Liên đến Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh Công nghệ Tiên tiến AMTIC (21 Phan Chu Trinh, Hà Nội) siêu âm. Kết quả, u nang bì bên trái bà tưởng mình được giải thoát cách đây ba năm vẫn tồn tại.
Lý giải cho câu chuyện trên, ông Võ Văn Bản, Phó Tổng Giám đốc BVVP, khẳng định, đây không phải là thiếu sót về chuyên môn và bác sĩ trực tiếp mổ cho bệnh nhân hoàn toàn không có lỗi. Lỗi duy nhất dẫn đến kết quả "cắt nhầm u" chỉ do sơ suất.
Theo thông tin từ ông Bản, ca phẫu thuật của bệnh nhân Liên được tiến hành bởi hai bác sĩ, trong đó người trực tiếp mổ là bác sĩ Rougier (người Pháp), BS phụ mổ là Nguyễn Thế Phương (BS này mất trong dịch SARS).
Tuy nhiên, ngày 17/02, Ban Giám đốc Bệnh viện Việt Pháp quyết định sẽ xem lại toàn bộ diễn tiến ca phẫu thuật ngày 19/11/2002 của bệnh nhân Liên vào ngày 19/2/2006.
Hiện, gia đình bệnh nhân Liên tiến hành thuê luật sư để khởi kiện BV Việt Pháp.
Bệnh nhân Liên cho biết, ngay từ đầu, trong đăng ký phẫu thuật của bà là mổ nội soi. Văn bản bà đưa cho chúng tôi xem cũng không thấy ghi có nguy cơ mổ mở. Thế nhưng, ông Bản cho biết, hợp đồng trước khi mổ ghi rõ cắt u nang buồng trứng và có nguy cơ bị mổ mở.
Và chính vì mổ mở, BS Rougier mới phát hiện u nang ở bên phải chứ không phải ở bên trái như ban đầu. Khối u được cắt đi to bằng quả cam (đường kính 7cm). "Do bất đồng về ngôn ngữ nên BS không thông báo rõ cho bệnh nhân biết là đã cắt đi buồng trứng nào", ông Bản nói.
Nếu thực sự buồng trứng phải có khối u, kích thước tới tận 7cm, tại sao hơn ba năm trước đây, kết quả siêu âm tại BVVP lại không nhìn thấy. Trong khi đó, khối trái ba năm trước chắc chắn có kích thước nhỏ hơn khối u hiện tại (kích thước 5,6x4,6cm, siêu âm tại BVVP ngày 13/12/2005) lại được không chỉ BVVP mà bốn cơ sở siêu âm khác khẳng định là có.
Trong văn bản gửi bệnh nhân Liên ngày 17/1/2006, BVVP khẳng định không hề có nhầm lẫn về chuyên môn. BV đề nghị cắt u nang buồng trứng trái cho bà Liên miễn phí nhưng không có nghĩa vụ bồi thường gì thêm cho bà.
(Theo NetNam)