![]() |
Dưới thời Riedl, Huy Hoàng (phải) và không ít tuyển thủ nhạt phai khát vọng cống hiến. |
Ông Riedl có cái lý riêng của mình, bởi ông chịu áp lực thành tích và đã mất đi "7 cầu thủ giỏi", do vụ tiêu cực SEA Games 23... Nhưng cần nhìn nhận một cách công bằng, sự cầu toàn đến cố chấp của Riedl, biểu hiện ngay ở cái bản danh sách dự tuyển tập trung cho Asian Cup 2007, đang chống lại tương lai mù mịt của ông.
Dưới thời Riedl, sau liên tiếp các giải đấu không thành công như ASIAD Doha, rồi AFF Cup 2007, trung vệ đội trưởng Nguyễn Huy Hoàng là người đầu tiên nói lời ra đi. Có nhiều nguyên do dẫn đến quyết định "không lên tuyển" của Hoàng, song chung quy là bởi anh đã gần như cạn động lực cống hiến.
Trước đó không lâu, sau SEA Games 23, một trong những "công thần" của bóng đá xứ Nghệ khác, Lê Công Vinh, cũng từng tuyên bố sẽ không quay lại, chừng nào Riedl còn tại vị. Theo cách nghĩ của tiền đạo này, thày Riedl đã không tạo ra một sự cạnh tranh công bằng trên hàng công.
Dưới thời Riedl, thủ thành được xem là ổn định và chơi hay nhất V-League trong vài mùa bóng trở lại đây, Dương Hồng Sơn, rất nhiều lần bất mãn, cáo bệnh xin rút lui, vì người ta đem anh lên tuyển để... làm cảnh. Không có một sự cạnh tranh lành mạnh nào, Sơn "Quỳnh" lại là người có cá tính mạnh, không chịu được o ép... và sự nghiệp của anh ở Olympic hay tuyển quốc gia, cho đến thời điểm này vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh.
Một thủ môn dầy dạn kinh nghiệm khác, đang khoác áo Bình Dương, Nguyễn Thế Anh, bị cho là đồ thừa. Bởi Riedl thích Quang Huy - người đã để lọt lưới đến gần 20 bàn, chỉ trong 14 trận V-League mùa này và rằng Riedl cần cho Đức Cường cơ hội cọ xát, trước mẻ đánh quyết định, SEA Games 24.
Ngoài ra, một trong những tiền đạo nội có phong độ tốt nhất V-League năm nay, Nguyễn Việt Thắng, bị bỏ quên. Thực ra, HLV Riedl đã rất nhiều lần xem Việt Thắng đá và bản thân ông cũng có cảm tình đặc biệt với cầu thủ này. Nhưng điều quan trọng mà Riedl không thể cưỡng lại được là các "sếp" của ông không thích Thắng, vì cầu thủ này từng có tỳ vết.
Và dưới thời Riedl, không bao giờ có chỗ cho "phát hiện thú vị" kiểu Phạm Thành Lương (cầu thủ chạy cánh trái rất hay của HN.ACB), cho các "thương hiệu" như: Trần Trường Giang, Trọng Lộc (2 tiền vệ trung tâm thuộc hàng hiếm của bóng đá VN vào thời điểm hiện tại), cho Ngọc Linh - tiền đạo nhỏ thó nhưng nhanh và thông minh của Nam Định.
Bây giờ, Riedl gọi lại Dũng "Củi" (trung vệ Phạm Hùng Dũng của Đà Nẵng), mà bỏ Long Giang - cầu thủ đang chơi cực hay trong màu áo Olympic. Sự rối rắm sẽ lại xảy ra khi Dương Hồng Sơn - người luôn đóng vai thế thứ 3 trong khung gỗ của đội tuyển, từ chối. Lúc đó, Riedl sẽ nhắc cái tên Thế Anh một cách bị động.
Thế Anh và Hồng Sơn quá hiểu nhau và hiểu cách dùng người của thày ở vị trí của mình. Thế Anh có lên lại không? Có, nhưng khập khiễng và lên theo nhu cầu nhiều hơn là để chơi bóng, để cống hiến, bởi có thể, ngay cả Thế Anh cũng không có... áo mặc khi phải ngồi trên khán đài làm khán giả bất đắc dĩ.
Rất nhiều thời điểm, HLV Riedl bất mãn ra mặt với lối chơi của đội do chính ông bày bố. Đơn giản thôi, các cầu thủ, phải diễn thế quá nhiều và chỉ còn lại rất ít khát khao. Ông Riedl có lẽ rất ít khi hiểu được, các học trò của ông nghĩ gì và muốn gì.
|
(Theo Lao Động)