Sáng 3/4, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, cho biết bé được đưa đến cấp cứu với phần mặt bên phải có nhiều vết rách nghiêm trọng gây chảy máu nặng; nhiều nhất là trên má và vành tai.
Do máu chảy liên tục, bệnh nhi lập tức được rửa vết thương và cắt bỏ những mảnh da rách để tránh nhiễm trùng, các bác sĩ đồng thời phải khâu những vết cắn lớn. "May mắn các vết thương không quá sâu và không trúng vào mạch máu lớn hay mắt của bé", một bác sĩ cho biết.
Sức khỏe của bé trai hiện đã ổn nhưng tâm lý chưa ổn định. Theo người nhà, bình thường chú chó rất hiền với những người trong gia đình, không hiểu sao sáng hôm đó khi bé từ nhà trong đi ra cửa thì lại bị nó tấn công. "Hung thủ" được gia đình này nuôi từ nhiều tháng nay và đã có tiêm ngừa bệnh dại đầy đủ.
Đây không phải là lần đầu tiên trẻ em ở TP HCM bị chó tấn công phải nhập viện. Cách đây không lâu, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP đã tiếp nhận một trường hợp thương tâm, nạn nhân cũng là bé trai 4 tuổi nhà ở huyện Củ Chi.
Người nhà kể, bé cùng bố mẹ sang trông hộ nhà người bà con, nhà này có nuôi một con chó becgie, những ngày đầu nó không có biểu hiện gì nhưng sau đó bất ngờ tấn công khi bé đứng gần. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện với nhiều vết thương ở mặt, ngực, mông, da đầu gần như bị bóc trần, nhiều vết răng cắm sâu vào hộp sọ. Do tổn thương quá nặng nên dù được cấp cứu tích cực bé vẫn không qua khỏi.
Hay một trường hợp khác với nạn nhân là một bé trai ở Đồng Tháp, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng mặt phù to, mắt sưng húp, vùng da đầu bị rách rất nhiều bởi các vết cào và dấu răng chó. Các bác sĩ đã phải khâu đến mũi thứ 35 mới khép được vùng da hở và phải mất gần 3 tuần nằm viện bé mới dần bình phục.
Thống kê những năm gần đây của Viện Pasteur TP HCM cho thấy, có hơn 40% trường hợp bị chó cắn là trẻ em và vết thương thường ở vùng đầu, mặt, cổ và chân tay. Nhiều bé tử vong do bị thương quá nghiêm trọng, trong đó không ít trường hợp bị chính chó nhà tấn công.
Từng điều trị không ít trường hợp trẻ em bị chó tấn công, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM khuyên những gia đình có nuôi chó nên đưa chó đi tiêm ngừa dại đầy đủ. Do người nuôi không thể biết lúc nào chó "bực bội lên cơn" nên cách tốt nhất là khớp mõm hoặc cột bằng xích.
"Nhà có trẻ cần phải hết sức cẩn thận vì trẻ tinh nghịch rất dễ khiến các chú chó 'nổi quạu' và tấn công", một bác sĩ khoa khám Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới khuyến cáo.
Thiên Chương