Sự việc xảy ra trưa 17/3, khi bé gái 5 tuổi đang vừa ngậm kẹo mút vừa nằm trên võng của gia đình ở quận 6, TP HCM. Trong lúc lim dim ngủ, bé bị ho và sặc, khiến que kẹo trong miệng vô tình "chui" thẳng vào cổ họng. Thấy bé bị hóc và mặt đỏ ửng, gia đình đã tiến hành sơ cứu cơ bản trước khi đưa qua bác sĩ gần nhà nhờ hỗ trợ, tuy nhiên bé chỉ ói ra thức ăn và nước.
Tại bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh, sau khi chụp X-quang hai lần cho bé nhưng không phát hiện vật thể lạ, các bác sĩ quyết định siêu âm. Kết quả siêu âm cho thấy hình dáng que kẹo mút trong dạ dày của trẻ. Bé gái nhanh chóng được đưa vào phòng phẫu thuật để mổ nội soi, gắp dị vật ra ngoài.
Anh Thông, 35 tuổi, bố bé gái, kể lại: "Theo chia sẻ của bác sĩ, hình ảnh siêu âm cho thấy que kẹo mút nằm ở phần phình vị. Nếu lúc đó con cố uống nước hay ăn gì thêm, chiếc que sẽ đi sâu hơn vào dạ dày, khiến tình hình càng trở nên nguy hiểm".
Ca phẫu thuật kéo dài một tiếng, bệnh nhi hiện ổn định sức khỏe và tiếp tục được theo dõi trong bệnh viện.
Sau sự việc, anh Thông thấy may mắn khi gia đình đã sớm phát hiện và đưa con tới trung tâm y tế để điều trị kịp thời. Anh cũng cảnh tỉnh các bậc phụ huynh không nên chủ quan, cần thường xuyên nhắc nhở và để mắt đến trẻ, tránh trường hợp trẻ bị hóc dị vật, dễ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Những trường hợp trẻ bị hóc dị vật xảy ra khá phổ biến, nguyên nhân chủ yếu là do trẻ được ăn nhiều loại kẹo, hạt hay đồ ăn cứng khi chưa có phản xạ nhai nuốt tốt. Dấu hiệu hóc dị vật bao gồm tím tái tức thì, nôn, ho sặc sụa dữ dội, khó thở, hoảng loạn. Một số trẻ lớn có thể ra dấu hiệu bị nghẹn ở cổ với người xung quanh.
Chia sẻ với VnExpress, ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hầu hết trường hợp hóc dị vật đều có thể xử trí an toàn nếu trẻ được đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Trường hợp dị vật lớn, chẹn toàn bộ đường thở, dễ dẫn đến suy hô hấp, dọa ngưng tim, ngưng thở, đe dọa tính mạng. Do đó, nhận biết sớm và xử trí đúng cách khi trẻ hóc dị vật rất quan trọng. Bác sĩ Hằng gợi ý một số cách sau:
- Nếu trẻ còn hồng hào, khóc, la hét và nói được, ba mẹ cần đặt trẻ ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ, sau đó đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra.
- Phụ huynh không tự can thiệp hay tự móc dị vật ra nếu không thể thấy dị vật nằm đâu trong đường thở, vì nhiều khả năng khiến dị vật thụt vào sâu hơn.
- Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu, nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành thủ thuật.
Hướng Dương