Hầu hết các bậc phụ huynh đều biết đến tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho con khi ngồi trong ô tô. Tuy nhiên, đoạn video gần đây do trường Y khoa miền Đông Virginia (Mỹ) chia sẻ vẫn khiến bạn phải "mở to mắt" về vấn đề này. Nội dung của đoạn phim kể về một cậu bé gần 10 tuổi cùng mẹ đi ra ngoài trên chiếc ô tô. Cậu bé ngồi ở ghế sau - điều mà nhiều người nghĩ rằng đã đảm bảo an toàn - nhưng cảnh quay nhanh chóng thay đổi khi chiếc xe gặp tai nạn nghiêm trọng.
Người mẹ bị va đập mạnh vào tay lái ô tô nhưng chính cậu bé mới là nạn nhân gặp nguy hiểm: bất tỉnh và phải nằm trên cáng đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ đã chẩn đoán về những tổn thương với các cơ quan trên cơ thể, thương tích ở cổ và nhiều phần khác. Họ đã hỏi người mẹ về việc cậu bé có ngồi trên ghế đỡ (booster seat) không và cô thừa nhận rằng cô chẳng nghĩ rằng điều đó là cần thiết với một đứa trẻ có độ tuổi như con trai của cô.
Các nhân viên y tế sau đó tiếp tục cung cấp một vài số liệu thống kê đáng sợ: Một đứa trẻ bị trượt tự do thậm chí ở tốc độ 48 km/h cũng sẽ phải đối mặt với hậu quả giống như khi ngã ra khỏi một cửa sổ tầng 3.

Hình trên là tư thế đúng của trẻ khi được ngồi trên ghế đỡ, đối lập với hình bên dưới.
Tiến sĩ Phillip Thomas, một chuyên gia về nhi khoa tại Trung tâm Y tế Eastern Virginia cho biết: "Rất nhiều lần, chúng tôi nhìn thấy những trẻ em bị tổn thương cơ quan nội tạng, hư hại các mạch máu lớn". Và một trong những nguyên nhân phổ biến được đưa ra là: "Dây an toàn nằm không chính xác trên cổ trẻ, gây nguy cơ tổn thương cấu trúc bên trong như khí quản, cột sống và một số mạch máu quan trọng - tất cả là do để cho trẻ sử dụng đai an toàn của người lớn mà không được ngồi trong một chiếc ghế đỡ".
Đoạn video kết thúc bằng việc giải thích cho cha mẹ những điều nên thực hiện được gọi là "kiểm tra độ phù hợp với đai an toàn" khi đưa ra quyết định con của mình có cần ghế đỡ hay không: Trước khi cho con chuyển sang sử dụng đai an toàn, con cần đảm bảo có thể ngồi tựa lưng vào ghế chắc chắn và đầu gối uốn cong ở cạnh ghế, chân đặt phẳng trên sàn nhà. Đai an toàn phải vòng qua vai và ngực, không để nó đi qua cổ hoặc khuôn mặt. Trẻ em cũng tránh đeo dây an toàn dưới lưng hoặc cánh tay vì nó có thể làm cho đai trượt xuống vùng bụng hơn là ở hông - vị trí cần thiết nếu xảy ra tai nạn. Ghế đỡ có tác dụng nâng trẻ lên để vừa vặn với dây an toàn.

Dây đai an toàn phải đi qua vai và ngực của trẻ.
Ngoài những lời khuyên này, Cục quản lý An toàn giao thông đường bộ quốc gia Mỹ cũng khuyến cáo một số điều dưới đây:
- Chọn ghế xe ô tô dựa trên độ tuổi và kích thước của con bạn, sau đó lắp ghế vào vị trí phù hợp ở xe và sử dụng mỗi lần.
- Luôn chú ý tới hướng dẫn của các nhà sản xuất xe hơi của bạn (kiểm tra chiều cao và giới hạn trọng lượng) cũng như đọc hướng dẫn về cách cài đặt ghế xe sử dụng dây an toàn hoặc neo dưới và dây buộc, nếu có.
- Để tối đa hóa sự an toàn, giữ cho trẻ ngồi trong xe càng lâu càng tốt, miễn là trẻ phù hợp với yêu cầu về chiều cao và trong trọng lượng của nhà sản xuất.
- Cho bé ngồi ghế đỡ đến khi đủ lớn để vừa với dây đai an toàn. Dây an toàn phù hợp phải nằm gọn trên đùi trên chứ không phải ở bụng. Dây đai phải nằm ngang vai và ngực, không qua cổ hoặc mặt. Hãy nhớ: Con của bạn vẫn nên ngồi ở ghế sau vì nó an toàn hơn.
- Cho con ngồi ở ghế sau ít nhất là qua 12 tuổi.