Nghệ sĩ gạo cội làng cải lương cho biết luôn bám sát đời sống âm nhạc của giới trẻ để học hỏi tư duy, kỹ thuật viết nhạc, ngôn từ và tìm kiếm chất liệu sáng tạo, đưa nghệ thuật cải lương đến gần khán giả trẻ hơn nữa. Bà quan niệm học hỏi, làm mới bản thân là trách nhiệm để làm nghề nghiêm túc hơn. Vài năm qua, bà cover hàng chục hit của nghệ sĩ trẻ sang vọng cổ, trong đó có bảy phiên bản được nghe nhiều nhất trên YouTube.
Mang tiền về cho mẹ (Đen Vâu)
Bạch Tuyết kết hợp ca trù ở đoạn đầu, giữ 95% phần lời ở bản gốc và chỉ thêm thắt vài từ để phù hợp với giai điệu vọng cổ. Theo bà, bản rap của Đen Vâu ra mắt cận Tết Nguyên đán như nói thay nỗi lòng của những người con xa xứ, luôn mong mang nhiều tiền về cho gia đình. Xuyên suốt bản rap là tâm sự của con trai với mẹ, lời yêu thương của mẹ dành cho con...
Mang tiền về cho mẹ được Đen Vâu phát hành hôm 29/12/2021, với sự góp giọng của ca sĩ Nguyên Thảo. Sau sáu ngày, MV thu hút hơn 21 triệu lượt nghe trên YouTube gần 49.000 bình luận.
Lạc trôi (Sơn Tùng M-TP)
Video Bạch Tuyết cover "Lạc trôi" trên sân khấu trực tiếp thu hút hơn 141.000 lượt xem. Bà tôn trọng nguyên tác, không lạm dụng sửa lời mà nhấn nhá ngôn từ cho hợp với lối vọng cổ.
Trên YouTube, một khán giả sống ở Australia nhận xét phần thể hiện của bà sáng tạo. "Ở tuổi ngoài 70, cô vẫn dấn thân vào những điều khó nhất để tự mình làm mới mình và cải lương. Tôi dành sự kính trọng, ngưỡng mộ cho một người nghệ sĩ đẳng cấp về cách ca diễn và tư duy làm nghệ thuật", khán giả viết.
Sơn Tùng M-TP ra mắt Lạc trôi vào ngày 1/1/2017, đạt 4 triệu lượt xem trên Youtube trong một giờ. Sau 5 năm, MV cán mốc 246 triệu lượt xem.
Em gái mưa (Mr. Siro)
Em gái mưa phiên bản vọng cổ thu hút đến 449.000 lượt xem trên YouTube. Nhiều khán giả khen Bạch Tuyết sáng tạo, khiến bản nhạc trẻ như được khoác áo mới, sâu lắng và mượt mà hơn. Trước các ý kiến phê phán, trái chiều, bà cho rằng đó là bình thường. Theo bà, cải lương cần phải đổi mới, tươi trẻ để phù hợp với hơi thở thời đại.
"Cảm ơn ca sĩ Hương Tràm và tác giả Mr Siro đã mang đến cảm hứng để tôi chuyển hit Em gái mưa thành vọng cổ. Nếu hình thức này may mắn được khán giả yêu thích, điều đó có nghĩa chúng ta vẫn đang đi theo tiêu chí của những bậc tiền nhân: Cải cách, hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh", bà nói.
Ông bà anh (Lê Thiện Hiếu)
Ca từ mới của "Ông bà anh" (sáng tác Lê Thiện Hiếu) được ca sĩ Thái Thùy Linh và thầy Nguyễn Xuân Khang - hiệu trưởng trường Marie Curie, TP HCM - viết lại nhằm nâng cao ý thức phòng chống dịch. Bạch Tuyết cải biên thêm phần lời cải lương, tạo nên bản tân cổ giao duyên. Bà nói: "Tôi dành tặng khán giả gần xa trong thời gian Covid-19 bùng phát, mong mọi người tuân thủ lời khuyên của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng".
Bạch Tuyết thay đổi giai điệu bản hit của Mỹ Tâm, biến tấu những đoạn ballad nhẹ nhàng thành lời tự sự da diết. Trên các diễn đàn, nhiều người trẻ nói hiểu thêm về vọng cổ qua các bản cover của nghệ sĩ gạo cội.
Mỹ Tâm ra mắt Đừng hỏi em vào tháng 11/2017, đến nay nhận hơn 87 triệu lượt nghe.
Người lạ ơi (Châu Đăng Khoa)
Nghệ sĩ cùng ê-kíp biến tấu giai điệu mới dựa trên phần lời gốc, kết hợp hài hòa nét truyền thống của vọng cổ và chất hiện đại trong đài từ. Trong một cuộc trò chuyện, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa cho biết bất ngờ khi Bạch Tuyết "khoác áo mới" cho hit của mình.
Người lạ ơi thuộc thể loại R&B kết hợp hip hop, tạo nên "cơn sốt" đầu năm 2018. Nếu Karik khẳng định chất giọng Rap lôi cuốn thì Orange gây ấn tượng bởi giọng hát ma mị. MV thu hút hơn 213 triệu lượt nghe trong bốn năm. Châu Đăng Khoa - tác giả ca khúc - mượn ý tưởng một ý thơ của Linh Linh trong tập Những nỗi buồn không tên(2016).
Hoa nở không màu (Hoài Lâm)
Phiên bản chống Covid-19 do Nguyễn Minh Cường biên soạn lại lời từ bản hit của Hoài Lâm nhằm động viên và kêu gọi mọi người chung sức đẩy lùi dịch. Nghệ sĩ Bạch Tuyết khoe được chất giọng cao, vang xen lẫn ngọt ngào. Bà cho biết: "Những ca từ đơn giản nhưng đầy đủ thông tin, ý nghĩa. Tôi trân trọng nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cũng như các nghệ sĩ trẻ, bên cạnh tài năng, họ còn có trái tim ấm áp".
Ca khúc gốc cũng do Nguyễn Minh Cường sáng tác, lấy cảm hứng từ bài thơ Tựa lưng vào tường và khóc trong tập Từ yêu đến thương của nhà thơ Nguyễn Phong Việt, nói về cảm xúc xót xa khi đi qua một cuộc tình. Ra mắt từ cuối tháng 6/2020, đến nay, Hoa nở không màu hút 183 triệu lượt xem trên YouTube. Trào lưu cover ca khúc được nhiều nghệ sĩ khởi xướng, tăng sức lan tỏa của bài hát.
Ngoài ra, nghệ sĩ gạo cội còn cover Lạc của Rhymastic, Túy âm (Xesi, Masew, Nhật Nguyễn), Cả một trời thương nhớ (Hồ Ngọc Hà)...
Bạch Tuyết và bạn thân - NSND Diệu Hiền, NSND Thanh Hải - vừa thực hiện show Gửi người tri kỷ 2, chỉ giới hạn 100 người xem. Với mong muốn đưa nghệ thuật cải lương đến gần nhiều khán giả, ban tổ chức biên tập chương trình, phát sóng trên nền tảng eBox của VnExpress, lúc 20h ngày 16/1.
Khán giả có thể thưởng thức nhiều vở kinh điển qua giọng ca Bạch Tuyết như Bạch Thu Hà (soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền), Trụ vương thiêu mình (Viễn Châu), trích đoạn Thái hậu Dương Vân Nga (Hoa Phượng - Thể Hà Vân - Chi Lăng). Nghệ sĩ Diệu Hiền thể hiện những bản do bà làm soạn giả, trong đó có Vu lan tìm mẹ, Công mẹ ơn thầy... NSND Thanh Hải hỗ trợ phần đàn.
Show Gửi người tri kỷ đang mở cổng bán vé, giá 399.000 đồng. Những độc giả từng mua ít nhất một số eBox khác của VnExpress được ưu đãi còn 199.000 đồng. Xem chi tiết tại đây.
Bà sinh năm 1945, vào nghề năm 16 tuổi, đoạt giải Thanh Tâm năm 1963 và 1965. Bà được báo giới thời ấy phong tặng danh hiệu "Cải lương chi bảo". Các vở nổi tiếng của bà gồm Thái hậu Dương Vân Nga (vai thái hậu), Đời cô Lựu (vai cô Lựu), Tuyệt tình ca (đóng Lê Trường An), Lục Vân Tiên (hóa Kiều Nguyệt Nga)...