Bầu Trường quyết định chia tay bóng đá với việc giải tán toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ từ cuối tháng 12/1014. Ông bầu sở hữu dàn siêu xe nổi tiếng tại Việt Nam quyết định rút lui khỏi bóng đá do “không còn có cảm hứng làm việc”.

Bầu Trường chia tay bóng đá theo kịch bản không vui và ồn ào. Ảnh: KL.
Ở đất Ninh Bình, bầu Trường và bầu Thụy giàu có nức tiếng, sở hữu dàn siêu xe khiến ai cũng phải trầm trồ. Đàn em Đức Thụy có Maybach 62S, hai chiếc Rolls-Royce… thì bầu Mạnh Trường có Rolls-Royce Ghost màu trắng, Porsche Cayenne Turbo và nhiều chiếc xe “lẻ tẻ” khác. Tiêu tiền không tiếc cho bóng đá, nhưng nay cả hai đều rút lui khỏi sân cỏ Việt theo những kịch bản không vui và rất ồn ào.
Bầu Trường từng “khét tiếng” về chi tiêu khi làm bóng đá. Trong 9 năm "lăn lộn" ở sân cỏ Việt, có nhiều người nói, ông đã tung ra 500-600 tỷ đồng đầu tư vào đội bóng. Từ năm 2008-2012 là khoảng thời gian Ninh Bình trở thành miền đất hứa với nhiều cầu thủ nhờ cách tiêu tiền không tiếc của bầu Trường khi ông còn “máu” bóng đá.
Mời siêu cò Trần Tiến Đại về làm Giám đốc điều hành, đội bóng đất Hoa Lư mang tham vọng biến mình thành đại gia V-League với hàng loạt bản hợp đồng có giá cả chục tỷ mỗi cầu thủ như Việt Thắng, Như Thành… Cầu thủ trung bình cũng có giá 3-4 tỷ đồng, ngoại binh nhập quốc tịch Việt Nam cũng có giá vài tỷ đồng. Ở mùa bóng thăng hạng 2009 và lên chơi V-League năm 2010, dự tính Ninh Bình có thể chi khoảng 100 tỷ đồng mỗi mùa cho công tác tuyển dụng cầu thủ, trả lương, thưởng…
Những mùa giải gần đây, CLB Ninh Bình không còn bạo chi trên thị trường chuyển nhượng như trước, đồng thời bầu Trường cũng rút dần vào hậu trường vì nhiều lý do. Tuy nhiên, đội bóng này vẫn biến giấc mơ tỷ phú của nhiều cầu thủ thành hiện thực. Một loạt cầu thủ tới từ Nam Định như Mạnh Dũng, Danh Ngọc, Ngọc Anh, Văn Duyệt… “đổi đời” với bản hợp đồng nhiều tỷ đồng. Lê Văn Thắng của Thanh Hóa cũng đút túi núi tiền (khi về Cần Thơ anh phải đền bù cho Ninh Bình 3 tỷ đồng), thủ môn Mạnh Dũng cũng có 7-8 tỷ đồng khi chuyển về từ Thanh Hóa…
Giấc mơ vô địch V-League của bầu Trường ngày đội mới giành quyền lên chơi giải đấu này từ mùa 2010 đến nay xem như dang dở. Tuy đầu tư hàng trăm tỷ mỗi mùa, thành tích cao nhất của đội bóng đất cố đô chỉ là hạng tư V-League 2011. Năm 2013, bầu Trường chứng kiến đội bóng giành Cup quốc gia, đồng thời nhận vé đi dự AFC Cup.
Tuy nhiên, chính mặt trận AFC Cup đã giết chết những đam mê bóng đá còn sót lại của ông chủ tập đoàn xi măng này. Ở một trận đấu của đội tại AFC Cup trên đất Malaysia, một nhóm 9 cầu thủ cùng nhau bán độ, cá độ để đút túi riêng mỗi người gần 100 triệu đồng.
Chính bầu Trường là người thực hiện việc tố giác tiêu cực của đội bóng cho cơ quan chức năng. Như lời Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng kể, ông chủ tập đoàn xi măng tư nhân lớn nhất nhì Việt Nam gặp ông Dũng và xin “tư vấn”. Với sự ủng hộ của ông Dũng, ông Trường quyết định ra tay và sự việc chấn động sau đó diễn ra. VFF ban đầu đồng ý bảo lưu suất chơi V-League cho Ninh Bình để đội làm lại từ các tuyến trẻ U13 tới U19. Nhưng cuối cùng, bầu Trường quyết định giải tán tất cả vì “không còn có cảm hứng” và không hẹn ngày trở lại bóng đá.
Bầu Trường là doanh nhân rất nhạy bén trong kinh doanh. Ngoài xi măng, ông còn đầu tư khách sạn, vận tải, khai mỏ, bất động sản, xây dựng, đầu tư khu du lịch rộng hàng nghìn ha… Năm 2012, ông cùng bầu Kiên và một số ông bầu khác tham gia sáng lập nên VPF.
Ngọc Hà