Theo nhận định của Cục ma túy, có thể người này là đầu mối để cơ quan công an tiếp tục điều tra về các đường dây ma túy.
![]() |
Công an đột kích vào vũ trường. |
Ngay sau đêm 28/4 đột kích vào New Century, bốn cô gái gồm: Lê Thị Thanh Hà, Trương Thị Thu Hiền, Lê Kim Anh, Phạm Thanh Hà đã bị bắt khẩn cấp để điều tra về nguồn cung cấp ma túy tại vũ trường. Cả bốn người này bước đầu thừa nhận hành vi tàng trữ ma túy của mình. Họ khai đã đưa "hàng" cho bạn bè sử dụng tại New Century.
Còn người quản lý vũ trường Nguyễn Đại Dương, trước đó quanh co khai báo, nhưng mới đây đã thừa nhận có vi phạm mở cửa tụ điểm này quá thời gian quy định, gây mất trật tự và để cho nhiều người lắc trong vũ trường. Trong khi đó, đại diện Công ty Hoa Phượng Thăng Long (quản lý New Century) thanh minh rằng do lượng khách tới quá đông, lực lượng bảo vệ không kiểm soát được việc có ma túy vào vũ trường.
Liên quan đến vụ này, trong báo cáo giải trình của ông Hoàng Công Khôi, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm với Thường trực Thành ủy Hà Nội về vụ việc tại vũ trường New Century vẫn khẳng định họ không có vi phạm lớn, ngoại trừ thỉnh thoảng hoạt động quá giờ quy định. Ngoài ra, Giám đốc Công an Hà Nội, Sở Văn hóa cũng được yêu cầu làm rõ trách nhiệm, xử lý người vi phạm trước 7/5.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng đã gửi thư cảm ơn Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh vì lực lượng công an đã giúp thành phố triệt phá tụ điểm tàng trữ và sử dụng ma túy lớn nhất Hà Nội.
Trong cuộc trả lời phóng vấn báo chí về vấn đề liên quan đến vũ trường New Century, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở văn hóa Hà Nội cho rằng: - Xin ông cho biết, trên thành phố hiện có bao nhiêu vũ trường, quán bar hoạt động? - Hiện nay toàn thành phố có 17 vũ trường, trong đó có cả vũ trường do Sở VHTT cấp phép và các cơ quan khác cấp, gồm cả vũ trường dạy vũ cổ điển và vũ trường kiểu New Centery. Còn quán bar có biểu diễn nghệ thuật thì ngành VHTT mới quản lý về mặt văn hoá và do các quận, huyện cấp phép. Đến 1/6/2005 theo con số thống kê của Phòng Quản lý Văn hoá là 25. - Sao vậy, thưa ông? - Những vũ trường có vốn 100% nước ngoài nằm trong các Dự án được các cấp thẩm quyền phê duyệt thì theo quy định của Luật Đầu tư họ không cần xin giấy phép kinh doanh của Sở VHTT, nhưng phải thực hiện theo các điều kiện kinh doanh vũ trường được Nghị định 11/2006/NĐ-CP ngày 18/1/2006 của Chính phủ quy định. - Về vụ New Century, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản đề nghị sở VHTT Hà Nội thu hồi Giấy phép hoạt động của vũ trường nhưng Sở đã trả lời bằng văn bản rằng đây là việc của UBND thành phố Hà Nội. Thực chất vấn đề này là thế nào? - Đúng là Viện KSND thành phố đã có văn bản số 612/KSĐT-TA ngày 19/8/2002 do đồng chí Trưởng phòng Kiểm sát điều tra án trị an ký, yêu cầu Giám đốc Sở VHTT thu hồi giấy đăng ký kinh doanh vũ trường, Karaoke của công ty trách nhiệm hữu hạn Hoa Phượng Thăng Long. Nhưng báo Lao Động đã đăng một tin không đúng là Sở, cụ thể là ông Nguyễn Đức Hoà, Phó Giám đốc “thẳng thừng đẩy trách nhiệm cho UBND thành phố”, gây hiểu lầm cho dư luận và gây bức xúc cho ông Hoà. Số là thế này: Khi Vũ trường New Century để xảy ra sự cố đánh nhau, gây chết người, Sở VHTT đã ra quyết định tạm ngừng cấp phép hoạt động để các cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự việc. Khi các cơ quan chức năng, trong đó có Sở VHTT đã tập hợp đủ hồ sơ, thành phố đã giao cho Sở chủ trì một phiên họp, trong đó có nhiều đơn vị “chức năng mạnh” khác như CA, Thanh tra VH của Bộ VHTT, Vụ pháp chế, đại diện cho chính quyền Quận, phường… Sau khi có ý kiến của công an quận Hoàn Kiếm, công an Thành phố Hà Nội trong đó thông báo không tìm thấy các bằng chứng mua bán, sử dụng, tàng trữ ma tuý, hoạt động mại dâm, Sở VHTT đã chủ trì cuộc họp nói trên và kiến nghị Thành phố xử lý theo quy định pháp luật. - Giấy phép của vũ trường New Century đã hết hạn từ 25/3, đến nay đã hơn một tháng, Sở đã có biện pháp xử lý và trách nhiệm thuộc về cấp nào? - Giấy phép của Vũ trường New Century đã hết hạn từ 25/3. Theo Nghị định 11/2006/NĐ-CP thì vũ trường phải tạm dừng hoạt động mà không được cấp phép lại. Sở dĩ New Century không chấp hành việc này, theo tôi, kinh doanh vũ trường thì lãi ít, kinh doanh rượu, bia, thuốc lá ở đó có lãi lớn. Tôi đã “đi thực tế” ở một số vũ trường nên tôi biết và đã nói điều này từ 2005 kia. Khi phát hiện ra việc vũ trường hết hạn mà vẫn hoạt động, cán bộ thanh tra của chúng tôi đã xử lý nửa vời là chỉ yêu cầu họ ngừng hoạt động mà không báo cáo lãnh đạo. Theo giải trình của đồng chí thanh tra viên thì đồng chí ấy đã đơn giản khi cho rằng sẽ có cuộc thanh tra liên ngành và khi đó sẽ xử lý trước 30/4. Chúng tôi phải trả giá cho việc này quá đắt. Trách nhiệm thì tôi đã nói ở trên rồi, xin không nói thêm. Hội đồng kỷ luật sẽ họp và xem xét mức độ theo đúng quy trình, quy định, trách nhiệm, không né tránh, không ngụy biện. - Sao ông nói về việc nhận khuyết điểm có vẻ “nhẹ nhàng” thế? - Câu hỏi của anh khiến tôi suy nghĩ nhiều. Anh bảo dễ nhận khuyết điểm ư? Chỉ có người nói dối hoặc có vấn đề về tâm thần thì mới nói ra khuyết điểm, lỗi lầm của mình một cách dễ dàng, thậm chí vui vẻ. Sáng nay, khi kiểm điểm trách nhiệm cá nhân có vài đồng chí đã nghẹn ngào khi nói đến khuyết điểm của mình. Họ đau vì do mình chủ quan, đơn giản. Mà anh biết đấy, bọn tội phạm có bao giờ bày ra cho ta bắt đâu. Chúng không từ thủ đoạn nào để đối phó. Mà thôi, tôi nói nữa thì thành thanh minh mất rồi, thanh minh vào lúc này, không thể được. - Không chỉ có New Century mà còn nhiều vũ trường, quán bar khác cũng hoạt động quá giờ quy định, là nơi dễ nảy sinh tệ nạn ma tuý, mại dâm. Theo ông, cần có phương án nào để quản lý các địa điểm nhạy cảm này trên địa bàn thành phố? - Tôi không biết anh nắm được bao nhiêu nơi như vậy hay chỉ là phỏng đoán. Theo tôi, cần có quan điểm đúng về vũ trường, bar, karaoke. Nó là nhu cầu thì không thể dùng tư duy hành chính để quản lý nó mà cần tìm cái gốc nảy sinh vấn đề tiêu cực để gỡ. Ví dụ: karaoke có thể nảy sinh mại dâm ư? Cấm sử dụng tiếp viên nữ, các cơ quan có cán bộ vi phạm nên xử lý nghiêm bằng cách buộc thôi việc hoặc xử lý hành chính, thậm chí hình sự, nếu cần. Nhiều người có nhu cầu đến bar để uống chén rượu với bạn bè, nhân dịp nào đó. Tôi cũng thỉnh thoảng đi vào bar với bạn. Vậy thì phải tìm cách khác chứ không nên cấm nó vì không quản lý được. Còn người ta đưa vào vũ trường thuốc lắc và ma tuý ư? Cần có cơ chế xử lý hình sự vì điều này gây tác hại rất lớn cho xã hội và cơ chế trách rõ ràng và thiết thực hơn. Nói thì dễ, thực ra sự việc không hề dễ dàng. Phải nghiên cứu kỹ lưỡng thì khi đề ra các chính sách mới hiệu quả. Khách nước ngoài, nhiều người dân đến vũ trường một cách lành mạnh, chỉ có một số lợi dụng hoạt động này để làm bậy thôi. Làm sao xử lý đúng kẻ lợi dụng, làm bậy để làm lành mạnh môi trường, để người lương thiện không bị đám người xấu làm mất quyền lợi chính đáng của mình là điều khó. Khó, nhưng vẫn phải nghĩ cách, phải làm. Mỗi người nghĩ một tí, mỗi người làm một chút thì chúng ta, toàn xã hội sẽ được hưởng thành quả ấy. - Từ khi Bộ Công an triển khai lực lượng vào kiểm tra đột xuất vũ trường New Century, Sở đã triển khai những gì để đưa ra các quyết định liên quan đến vụ việc này? - Chúng tôi đã làm nhiều việc, có việc Sở chủ động làm, có việc theo chỉ đạo của cấp trên. Tôi không nói cụ thể nhưng xin thông tin thế này: chúng tôi đang vào cuộc với tất cả trách nhiệm của mình, chúng tôi hiểu chúng tôi đã có lỗi lớn khi chưa làm hết trách nhiệm nên để gây ra hậu quả xấu cho Hà Nội, cho xã hội. Còn có đóng cửa hay không thì chờ đủ hồ sơ đã, chờ kết luận đầy đủ đã. Không nên đoán, nhất là vào những sự việc nhạy cảm thế này. - Ông có biết về những sai phạm như sử dụng ma tuý, mua bán dâm, đánh nhau gây án mạng… của vũ trường New Century trong những năm qua? - Tôi nguyên là một nhà giáo. Mà nhà giáo thường chỉ quan tâm đến việc dạy của mình và việc học của học trò là chính. Tôi lại là người nhà quê, lại khá cổ hủ nên dù đã học hành ở nước ngoài, đi lại cũng nhiều nên tôi không biết nhảy, không thích nghe nhạc mới và không có nhu cầu đi vũ trường nên hầu như không quan tâm đến nơi này. Trước khi về Sở VHTT (4/2005), tôi có đọc báo và có nhớ mang máng nơi này đã có vụ án mạng của tội phạm. Còn ma tuý và mua bán dâm thì không nghe. Khi về công tác ở Sở, tôi không phụ trách thanh tra nhưng cũng đã “đột kích” vào đây và vài nơi nữa. Tôi không chịu nổi tiếng nhạc, khói thuốc và giá cả ở những nơi này. Gần một năm sau khi phụ trách thanh tra, anh Hoà có nói với tôi là anh nên quan tâm đến các vũ trường vì những nơi đó có nhiều điều phức tạp lắm. Từ đó, tôi quan tâm đến vũ trường hơn. Trong các biên bản mà Sở đã lập và phạt New Century đều liên quan đến việc sử dụng ca sĩ nước ngoài, treo bandron, kinh doanh karaoke không phép thôi. Xin lỗi anh, chưa có thanh tra ở đâu bắt được ma tuý hay mại dâm cả. Không phải là anh em thiếu trách nhiệm mà là lĩnh vực ấy thuộc đơn vị chức năng khác mới làm được. - Đã rất nhiều lần xử lý các vi phạm của vũ trường này nhưng vì sao Thanh tra Sở VHTT chưa bao giờ đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động của New Century? - Theo tài liệu chúng tôi thống kê, từ năm 2000 đến tháng 3 năm 2007, trừ năm 2003, 2004 chưa tập hợp, riêng Thanh tra Sở VHTT đã kiểm tra nơi này 17 lần, xử phạt 5 lần cho các lỗi: lưu hành đĩa hát ngoài luồng, hoạt động sau 24h, có ca sĩ nước ngoài hoạt động mà không xin phép... Các lỗi ấy theo Nghị định 31 của Chính phủ thì phải xử phạt và Sở đã làm đúng chức năng của cơ quan quản lý. Chúng tôi đang tìm hiểu vì sao Thanh tra chưa kiến nghị hình thức nặng hơn. Cái gì cũng phải dựa theo quy định của pháp luật anh ạ, không thể cảm tính được. - Ông nhận thấy cá nhân ông có khuyết điểm gì trong sự việc này không? - Tất nhiên là có, nhưng xin lỗi, khuyết điểm của tôi, tôi chỉ kiểm điểm với cơ quan và trước những người có trách nhiệm nghe tôi kiểm điểm chứ tôi không đem ra để in báo được nên không thể nói với anh, mong anh thông cảm. Còn khi nào đã có quyết định rồi, báo của anh cứ việc đưa tin, khỏi cần trao đổi với tôi. - Theo ông, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này? - Câu hỏi của anh, tôi chưa thể trả lời vì tôi đâu có phải là người có quyền. |
Nhóm phóng viên