Nghề săn rắn độc đang rộ lên tại các làng quê trong tỉnh Phú Yên. Người dân bất chấp tính mạng, hủy hoại môi trường, cân bằng sinh thái, ngày đêm tận diệt loài bò sát quý hiếm này.
Câu chuyện về rắn đang trở thành tâm điểm ở hầu hết các làng quê hiện nay. Đầu làng, ngõ xóm, trong từng hộ gia đình, đâu đâu cũng bắt gặp mọi người bàn tán xôn sao về rắn. Rắn càng độc, gây nguy hiểm đến tính mạng con người thì càng có giá trị. Người ta sẵn sàng bỏ dở bữa ăn, công việc đồng áng khi nghe ai đó í ới đầu ngõ bất ngờ phát hiện rắn.
Nếu như trước đây, khi thấy rắn bò trước mặt, mọi người hốt hoảng kêu la, bỏ chạy, thì nay họ bất chấp hiểm nguy, thậm chí nhiều người xem như nhặt được vàng, nhất là đối với những người chuyên bắt rắn.
Anh Tú (ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), một trong những người được xem là “sư phụ” săn rắn cho biết, chỉ cần một sợi dây thòng lọng bằng ruột thắng xe đạp, hoặc dùng một sợi dây thép có đường kính khoảng 3 mm uốn cong hình móc câu rồi buộc vào đầu một cây gậy nhỏ dài hơn 1 m là có thể “hành nghề”. Rắn thường bò ra khỏi hang vào ban đêm để bắt mồi nên phải dùng đèn pin rọi mới phát hiện được.
Có thể bắt gặp rắn ở bất cứ nơi nào như trong bụi rậm, cành cây, hay bờ ruộng cạn. Nếu rắn ở dưới mặt đất, muốn bắt chỉ cần cần nhẹ nhàng đưa dây thòng lọng vào cổ rồi siết lại, còn rắn ở trên cành cây cao thì dùng móc sắt hình lưỡi câu khều xuống đất, rồi dùng nạng gỗ hình chữ V đè cổ, bỏ vào bao tải là xong.
Người dân bắt rắn bất chấp việc rắn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. |
Anh Tú kể: “Tôi từng tham gia hàng trăm vụ bắt rắn. Ban đầu chỉ để nhậu lai rai với bạn bè, nhưng sau đó nghe nhiều người mua với giá cao, “tiền tươi” nên lùng bắt đem bán kiếm thêm thu nhập. Do ngày càng có nhiều người hành nghề này nên hiện nay các loài rắn độc không còn nhiều, chỉ còn sót lại một số loài thông thường, giá rẻ như rắn lãi, rắn nước.
Trên thực tế, để bắt được các loại rắn cực độc như hổ chúa, hổ trâu, mái gầm, cạp nong, cạp nia… không hề đơn giản và vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Anh Hòa (ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) cho hay, cách đây vài năm có một người trên đường làm rẫy về bắt gặp một con rắn hổ chúa dài hơn 1 m, nặng gần 3 kg bò ngang trước mặt, liền nảy sinh lòng tham, dùng tay vồ nhưng không may bị rắn cắn nhiều nhát, dẫn đến tử vong trên đường về nhà.
Theo nhiều người dân, hiện nay ở hầu hết các làng quê đều có đầu nậu chuyên thu gom rắn và các loài động vật rừng khác. Rắn càng độc, kích cỡ càng lớn càng có giá trị cao. Tùy theo loài, mỗi kg rắn có giá từ 150.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng, có bao nhiêu, đầu nậu mua hết bấy nhiêu, gom cho đủ chuyến rồi xuất đi Trung Quốc hoặc các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh. Trong đó, giá trị nhất là rắn hổ chúa có giá 1-1,5 triệu đồng mỗi kg. Vì lợi nhuận cao nên vài năm trở lại đây có rất nhiều người tham gia bắt rắn, kể cả những người dân bình thường.
Có dịp chứng kiến một nhóm thanh niên gồm 3 người đang thực hiện “phi vụ” săn lùng rắn vào buổi trưa tại một mô đất nằm gần ruộng mía của người dân ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân mới thấy hãi hùng. Lúc đầu, họ bắt gặp dấu vết rắn bò ngang bờ ruộng, rồi chia nhau lần mò theo cách xa địa điểm ban đầu hàng chục mét.
Bất ngờ, một người trong số họ phát hiện nhiều hang chuột đồng gần khu vực trên và tri hô. Xác định rắn đang ẩn náu bên trong, cả nhóm dùng cuốc, xẻng chặn các ngách phụ rồi thi nhau hì hục đào mới, thậm chí thọc cả cánh tay vào hang để móc đất mà không chút lo ngại hiểm nguy có thể ập đến bất cứ lúc nào khi không may bàn tay chạm phải đầu rắn.
Sau gần một giờ đồng nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng họ đành “bó tay”, tuyệt vọng vì mất tín hiệu. Rắn đâu không thấy mà cả một khu đất, bờ ruộng của người dân bị cày xới, lật tung, để lại nhiều hầm hố loang lổ, gây huy hiểm cho người qua lại, nhất là đối với trẻ em.
Vừa tham gia một vụ bắt rắn thâu đêm suốt sáng trở về, anh Quân (24 tuổi, trú ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) cho biết, khoảng thời gian bắt rắn hiệu quả nhất là từ 20h đến mờ sáng. Chuyến đi này bốn anh em lặn lội hàng chục km, chui rúc khắp bụi bờ, đạp sình lún trong đêm đến 2h sáng mới về đến nhà, nhưng cũng chỉ bắt được hơn 1kg rắn lãi, bán được gần 200.000 đồng, chưa đủ ngày công lao động”. Anh Quân nói, do trời tối nên rất dễ đụng, đạp phải rắn trên đường đi, nguy hiểm đến tính mạng do đường xa, không được cấp cứu kịp thời.
Theo các nhà khoa học, nước ta hiện nay có 193 loài rắn, trong đó có 53 loài rắn độc. Loài vừa có độc, nguy cơ gây chết người cao, vừa có ngoại hình rất ấn tượng là rắn hổ chúa, hổ trâu, cạp nong, cạp nia, lục đầu bạc và rắn biển. Việc người dân tự ý vây bắt những loài rắn độc này mà không được trang bị đủ kiến thức về rắn là cực kỳ nguy hiểm.
Theo An Ninh Thủ Đô