Ảnh vệ tinh bão Utor. |
Bão giữ nguyên cường độ cấp 12-13, giật trên cấp 13, với vị trí tâm bão hồi 16 giờ vào khoảng 12,7 độ vĩ bắc-119,8 độ kinh đông. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 16h ngày 12/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14 độ vĩ bắc - 113,7 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360 km về phía nam đông nam.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông biển Đông có gió bão mạnh cấp 11-12, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật trên cấp 14, sóng biển cao 8-10 mét. Biển động dữ dội.
Cường độ bão Utor, theo dự báo của các trung tâm khí tượng thế giới, là sẽ mạnh lên khi hoạt động trên biển Đông trong những ngày tới và mạnh hơn bão Durian vừa qua.
Trung Quốc tối qua dự báo đến 19h hôm nay (11/12) bão mạnh đến cuối cấp 13 và sẽ giữ cường độ như vậy đến 19 giờ ngày 12/12, rồi giảm còn cấp 12 vào 19 giờ ngày 13/12.
Hàn Quốc dự báo trong 2 ngày 11 và 12/12 gió bão mạnh 148 km/h (cuối cấp 13); đến 13 giờ ngày 13/12 giảm còn 126 km/h (cấp 12). Nhật Bản dự báo bão mạnh cuối cấp 13 trong 2 ngày 11 và 12/12, rồi yếu bớt một ít, cấp 13 vào 19h ngày 13/12. Hong Kong dự báo trong 3 ngày 11-13/12, gió bão mạnh khoảng 148 km/h (cấp 13).
Bản đồ dự báo của Đại học London và Nhật Bản. |
Riêng Hải quân Mỹ và Đại học London lúc nào cũng dự báo cường độ bão mạnh hơn các trung tâm dự báo khác. Theo đó, ngày 10/12 bão mạnh cấp 17 (202-220 km/h); các ngày 11-14/12 bão mạnh thành siêu bão, với sức gió trên 220 km/giờ (trên cấp 17) và đến ngày 15/12 giảm còn cấp 16 (184-201 km/h).
Bão Utor có đổ bộ vào nước ta hay không là điều đang được rất nhiều người quan tâm. Cho tới chiều tối qua, có nhiều dự báo khác nhau về đường đi của bão.
Trung Quốc dự báo đến 19h ngày 13/12, bão sẽ vào vị trí 15,6 độ vĩ bắc-110,8 độ kinh đông. Nhật Bản thì cho bão vào 14,8 độ vĩ bắc-112,7 độ kinh đông. Hong Kong là 15,3 độ vĩ bắc-111,1 độ kinh đông (gần bờ biển từ Quảng Trị đến Nha Trang). Dự báo của Hải quân Mỹ và Đại học London cho là bão Utor sẽ không đi thẳng vào miền Trung, mà chuyển hướng đi lên phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan ở Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: So với bão Durian vừa qua, thì cơn bão này có nhiều điểm rất khác: Vị trí hình thành thấp hơn, di chuyển nhanh hơn, vẫn giữ nguyên cường độ khi vượt qua Philippines (trong khi bão Durian suy yếu khi vào biển Đông). Hoàn lưu của bão Utor rất rộng, bán kính khoảng trên 500 km (tính từ tâm bão ra các phía), trong khi bão Durian bán kính chỉ khoảng trên 300 km. Điểm khác nữa là Utor khi vào biển Đông thì không khí lạnh đã về trước, trong khi bão Durian sau khi vào đến biển Đông không khí lạnh mới tràn về.
Hiện nay, không khí lạnh đã về đến đèo Hải Vân và đang hơi suy yếu, nhưng khoảng ngày 13/12 tới sẽ có một đợt không khí lạnh nữa tăng cường. Nếu như vậy, có thể sẽ tác động đến hướng di chuyển của bão (như trường hợp bão Durian vừa qua đã bị không khí lạnh đẩy đi xuống phía nam).
Hiện còn quá sớm để dự báo chính xác bão Utor sẽ đi đâu, vào đâu. Nhưng theo số liệu thống kê trong nhiều năm, những cơn bão xuất hiện vào cuối năm thường có khuynh hướng đi vào các tỉnh từ miền Trung trở xuống. Tuy nhiên, các tỉnh miền Bắc cũng không nên chủ quan, vì diễn biến của bão rất phức tạp. Hơn nữa, hoàn lưu của cơn bão này rất rộng, nên vùng ảnh hưởng của bão sẽ ở trên phạm vi cả nước.
Về hiện tượng mưa xảy ra vào chiều và tối qua ở khu vực Nam Bộ, theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, không phải do ảnh hưởng của bão, mà do khối không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống kích động không khí nóng ở phía nam, làm cho mây đối lưu phát triển, gây mưa.
(Theo Thanh Niên)