Toàn bộ căn hộ của Maryellis Bunn được trang trí gam hồng, cũng là màu chủ đạo ở nơi cô làm việc: Bảo tàng kem. Với chủ đề về kem, đây là chuỗi không gian tương tác thời vụ trở thành hiện tượng tại Mỹ từ năm 2016. Thậm chí, nó đang được mệnh danh là thiên đường chụp hình Instagram của đất nước này. Katy Perry, Kim Kardashian, Jay-Z, Beyoncé hay cha con David Beckham đều đã ghé qua "check in".
Bảo tàng đứng sau vô số bức selfie phủ sóng các mạng xã hội, và vừa sở hữu địa điểm cố định đầu tiên có tên The Pint Shop, nằm tại khu Manhattan, thành phố New York.
Tuy nhiên, động lực của cô gái 26 tuổi Maryellis Bunn không chỉ là tạo nên một "cơn sốt" Instagram.
Hồi mới chuyển từ California đến New York, Bunn dù sống trong thành phố 8 triệu người, vẫn thấy cô đơn. Cô sớm nhận ra không chỉ với bản thân hay bạn bè mà điều này xảy ra khắp nơi.
"Mọi người đều khao khát kết nối. Ai cũng dán mắt vào điện thoại. Nơi nào dành cho họ?", cô gái trẻ khi ấy tự hỏi.
Thế giới của trí tưởng tượng tại Bảo tàng kem.
Bunn cho rằng New York đã hết chỗ chơi mới mẻ và thú vị cho mọi người. Cô quyết định tạo điểm đến cho giới trẻ bằng một dự án nghệ thuật lấy chủ đề kem, thứ Bunn cho rằng hấp dẫn bất cứ ai. Năm 2016, cô gái tốt nghiệp hai chuyên ngành thiết kế và kinh doanh này lập nên không gian đương đại đầu tiên tại Manhattan, rộng khoảng 500 m2 và mở cửa trong 45 ngày.
Bảo tàng gồm các căn phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật tương tác do Bunn tự thiết kế và biến tấu với màu sắc, từ triển lãm treo chuối lơ lửng, những bức tượng kem khổng lồ đang tan chảy tới bể bơi ngập kẹo dẻo cầu vồng. Nhiều ý tưởng tái hiện những giấc mơ hồi bé của chính cô. Bên cạnh đó, kem từ những hãng tên tuổi cũng góp mặt để khách tham quan bảo tàng thưởng thức.
Bảo tàng kem đầu tiên hút khách đến mức bán 30.000 vé trong 3 ngày, với giá trung bình 12-18 USD, giúp cô gái trẻ thu về nửa triệu USD.
Bunn quyết định mang không gian tới những địa điểm khác, từ Los Angeles đến Miami, và hiện đặt tại San Francisco cho đến tháng 9 năm nay. Theo Forbes, tới tháng 5/2017, doanh thu vé của bảo tàng đạt 6 triệu USD. Toàn bộ vé trong năm đó cũng bán hết sạch.
Từ khi ra đời, Bảo tàng kem đã có 394.000 người theo dõi trên Instagram. Không gian thu hút được đông đảo người mến mộ nhờ Bunn biết nắm bắt hơi thở văn hóa.
Cô lý giải lý do chọn kem làm chủ đề: "Đồ ăn là thứ ngôn ngữ dành cho tất cả, như chiếc kem có thể mang tới niềm vui và gắn kết mọi người một cách không ngờ".
"Tôi đặc biệt hứng thú với tâm lý học về sắc màu. Chẳng hạn với phụ nữ, màu hồng đem lại niềm vui và suy nghĩ tích cực", doanh nhân 26 tuổi nói về màu chủ đạo phủ kín những bức tường của Pint Shop, địa điểm cố định đầu tiên thuộc dự án được bài trí dạng bách hóa.
Cô gái nhỏ nhắn giữ vai trò CEO và giám đốc sáng tạo của chuỗi bảo tàng chia sẻ triết lý thiết kế: biến đổi không ngừng theo hơi thở thời đại. Bunn dành nhiều thời gian hòa nhập vào dòng chảy văn hóa của thành phố, nắm bắt nhịp sống của con người và phong cách đương đại để thổi hồn vào các tác phẩm của mình.
Dù phục vụ kem là phần thiết yếu của mô hình, điều lớn hơn Bunn hướng tới là thiết kế trải nghiệm cho khách tham quan, tạo ra không gian truyền cảm hứng tưởng tượng và sáng tạo. Chính đam mê đó giúp CEO 26 tuổi có động lực làm việc 20 giờ mỗi ngày.
Một số bảo tàng tương tự mọc lên tràn lan sao chép mô hình của Bunn, thay kem bằng đồ ăn khác như trứng, kẹo, pizza hay trái cây. Việc này khiến cô gái trẻ chịu tiếng chung là tạo ra loạt địa điểm phục vụ selfie và check in "sống ảo". Nhưng Bunn khẳng định những người bắt chước mới chỉ nắm bắt được bề mặt chứ chưa hiểu gốc rễ mô hình cô sáng lập.
"Điều cốt lõi là gắn kết con người, tạo thêm hoạt động hợp thời cho họ trong thành phố. Vừa có thể là nơi ông bà chơi với các cháu, vừa là chỗ hẹn hò cho các đôi uyên ương. Bởi kem là thứ ai cũng thích", Bunn giãi bày việc dùng trí tưởng tượng thực hiện sứ mệnh kết nối.
Quốc Việt
Theo CNBC