Ngoài ra, bộ phim được ban giám khảo của Liên hoan phim tài liệu Amsterdam (IDFA) đề cập đặc biệt trong hạng mục phim đầu tay. Đây là lần đầu tiên tác phẩm của đạo diễn Hà Lệ Diễm trình chiếu.
Theo phong tục, các nam thiếu niên người H'Mong được "kéo vợ" mỗi dịp Tết Nguyên đán, nói cách khác là bắt cóc cô bé mình để mắt về làm vợ. Tục lệ này khiến hiện tượng tảo hôn trở nên phổ biến ở các địa phương vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Phim Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) đề cập câu chuyện của cô bé Di 14 tuổi được cậu bé Vang trạc tuổi chọn làm vợ. Di cố gắng chống lại sự sắp đặt theo truyền thống, mẹ của em mâu thuẫn giữa việc tôn trọng tục lệ hay bảo vệ hạnh phúc của con; trong khi bà nội, bố và những người thân khác ép cô bé sớm trưởng thành.
Nhà báo Guy Lodge gọi nhân vật Di là "người hùng của phim, người phải chứng minh mình trưởng thành về nhận thức để trở lại là một đứa trẻ". Anh ghi nhận đây không nói về những kẻ ác và nạn nhân, bởi đạo diễn tìm thấy thước đo cảm thông cho tất cả các bên trong câu chuyện. Không chỉ Di muốn sống đúng tuổi và chưa sẵn sàng trở thành phụ nữ của gia đình, Vang cũng đứng giữa lựa chọn tiếp tục đi học hay làm chồng, làm cha.
Trên tạp chí Variety, Guy Lodge đánh giá Những đứa trẻ trong sương là phim tài liệu đầu tay thông minh, khai thác vấn đề thẳng thắn nhưng tế nhị. Sự khéo léo này rất quan trọng trong bộ phim vừa khắc họa chân dung một nhân vật cụ thể, vừa mang đến cái nhìn chuyên sâu về một dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Bộ phim cho thấy nạn tảo hôn dẫn đến hệ lụy xâm hại tình dục và buôn bán phụ nữ. "Họ sống rất gần biên giới Trung Quốc nên những chuyện như vậy càng dễ dàng. Di biết nhiều bé gái bị cưỡng hiếp và bán qua biên giới trên đường đến trường", đạo diễn chia sẻ.
Cây bút Nikki Baughan của trang Screen Daily thích cách đạo diễn Hà Lệ Diễm tiếp xúc gần gũi và coi nhân vật là bạn bè, người thân, cũng như cách cô tiếp cận câu chuyện đầy nhạy bén. Hai yếu tố này cộng hưởng với lối cắt dựng tinh tường của đạo diễn Swann Dubus tạo nên "một bộ phim hấp dẫn".
Đạo diễn trực tiếp cầm máy ghi hình. Nhà báo Nikki Baughan nhận xét Diễm chắc tay máy trong mọi cuộc tranh luận của các nhân vật. Tác giả Guy Lodge khen phim không sa vào quảng bá du lịch, ghi lại vẻ đẹp thanh bình, trầm mặc.
Nikki Gaughan cho rằng Những đứa trẻ trong sương xứng đáng chiếu rạp và chắc chắn thu hút chú ý sau IDFA. Guy Lodge có cùng suy nghĩ: "Tác phẩm Việt Nam có quy mô khiêm tốn nhưng được thực hiện đẹp mắt, phù hợp các triển lãm, sự kiện về nhân quyền và văn hóa truyền thống".
Trò chuyện với tạp chí Variety, đạo diễn Hà Lệ Diễm kể thêm chuyện phía sau màn ảnh của Những đứa trẻ trong sương. Là người dân tộc Tày, Diễm chứng kiến một trong ba người bạn thân thuở nhỏ bị ép lấy chồng khi còn rất ít tuổi. Lên đại học, cô có dịp tìm hiểu về tục "kéo vợ" của người H'Mong. Những điều này thôi thúc cô theo đuổi đề tài tảo hôn trong phim tài liệu dài đầu tay.
Ba năm làm Những đứa trẻ trong sương, đạo diễn di chuyển liên tục giữa Hà Nội - Sa Pa, sống cùng gia đình nhân vật Di. Mẹ và chị gái Di đều lấy chồng từ lúc ít tuổi. Khi mẹ Di được bố Di chọn, mẹ Di đã có người yêu. Sau ngày mẹ Di cưới, người yêu của mẹ cô đã tự tử.
Thời gian đồng hành với Di, đạo diễn luôn lo sợ những điều xấu xảy đến với cô bé trong tương lai. Diễm nói: "Di hỏi tôi: 'Liệu phim của chị có thể đưa em trở lại tuổi thơ không?'. Đó không phải điều mà đứa trẻ ở độ tuổi đó nên nói". Nhưng giống mẹ và chị mình, Di cuối cùng đã cưới và làm mẹ ở tuổi vị thành niên.
Hà Lệ Diễm sinh năm 1992 tại Bắc Kạn. Cô tốt nghiệp ngành Báo chí tại Đại học Khoa học - Xã hội & Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, theo học phim tài liệu tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) và tham gia chương trình làm phim tài liệu của Varan Vietnam. Cô có thời gian làm việc tại báo điện tử VnExpress.
Trước Những đứa trẻ trong sương, Diễm có ba phim tài liệu ngắn: Nga Xà Beng (2012), Con đi trường học (2013) và Giường xinh (2016). Trong đó, phim Con đi trường học thắng giải Cánh Diều Bạc cho phim tài liệu tại giải Cánh Diều năm 2013. Năm đó, hạng mục trống giải Cánh Diều Vàng.
Phong Kiều (Theo Variety, Screen Daily)