Đứng chật cứng cả hội trường, những người dự khán tỏ ra bức xúc với hành vi của bảo mẫu Lê Vy. Đám đông lúc lặng yên trước cái chết thương tâm của bé Bảo Trân và nỗi đau của gia đình bé, lúc lại ồ lên khi nghe nhắc lại hành vi lạnh lùng của bị cáo.
Trước vành móng ngựa, bị cáo Lê Vy đứng co ro, sợ sệt, như không dám ngẩng đầu lên nhìn mọi người xung quanh. Có lẽ, trình độ học vấn lớp 5/12 khiến cô không thể trả lời những câu hỏi trước tòa một cách trôi chảy, mỗi lần nghe tòa hỏi, đôi vai gầy guộc lại run lên. Phía dưới, cha mẹ của bé Bảo Trân cũng có mặt, họ ngồi yên lặng, mắt đỏ hoe.
Trước tòa, bị cáo Vy đã thành khẩn nhận ra sai sót của mình và tỏ ra ân hận với hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến cái chết thương tâm cho bé Bảo Trân, cũng chính là con của bạn đồng nghiệp, chị Nguyễn Đan Thùy.
![]() |
Bị cáo Vy trước tòa. Ảnh: X.H. |
"Bị cáo không biết nói gì. Bị cáo hối lỗi. Bị cáo sai, và không biết tại sao lúc đó mình lại làm vậy. Thời gian qua, bị cáo luôn trong tình trạng lo sợ, thất thần không nghĩ được gì cả, mong nhận được sự cảm thông của cha mẹ bé Bảo Trân và mọi người", những câu nói ấy được nói nhát gừng, lặp lại nhiều lần nhưng không lần nào cô bảo mẫu diễn đạt được trọn vẹn.
Bé Đỗ Ngọc Bảo Trân được gửi vào học nhóm nhà trẻ dành cho các bé từ 6 đến 18 tháng tuổi tại lớp mầm non tư thục Thiên Thơ (phường 12, quận Phú Nhuận, TP HCM), do cô Nguyễn Thị Hồng Hà phụ trách và Lê Vy làm bảo mẫu. Khoảng 9 giờ sáng 30/11/2007, khi thấy bé Bảo Trân khóc nhiều, bảo mẫu Vy dùng băng keo dán vào miệng bé, đến lúc phát hiện ra tình huống xấu thì da mặt bé đã tím tái, tim ngừng đập. Bé Bảo Trân được đưa vào viện cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong.
Nhà trẻ tư thục Thiên Thơ do bà Lê Thị Bích Hạnh đứng tên xin cấp phép hoạt động, tuy nhiên sau đó bà này đã làm thủ tục "sang tay" cho chị dâu của mình là bà Phan Thị Xuân Thu toàn quyền quản lý.
![]() |
Bố mẹ bé Bảo Trân vẫn còn rất đau buồn trước cái chết thương tâm của con. Ảnh: X.H. |
Sáng nay, cả bà Hạnh và bà Thu đều có mặt tại phiên tòa. Bà Thu khai nhận, mình là người "mới học dở chưa xong một lớp nghiệp vụ nuôi dạy trẻ", thế nhưng lại đứng ra quản lý cả một nhà trẻ với hơn 40 cháu từ 6 đến 30 tháng tuổi, những cháu được nuôi ở chế độ ăn cơm nát. Thậm chí, nhà trẻ này cũng nhận giữ cả những cháu 4-5 tháng tuổi. Và các "giáo viên", bảo mẫu ở đây cũng chỉ có giấy viết tay thỏa thuận giữa hai bên khi vào làm việc chứ không hề có hợp đồng lao động và cũng chẳng quan tâm đến việc có trình độ nghiệp vụ hay không.
Đến dự phiên tòa, cha mẹ của bé Bảo Trân không nguôi bức xúc trước hành vi của người đồng nghiệp khiến mình mãi mãi mất đi đứa con bé bỏng, nhưng anh chị rộng lòng khi xin tòa xem xét dành một mức án tháp nhất cho bảo mẫu Lê Vy. Trước phiên xử này, vợ chồng chị Thùy cũng đã có đơn xin bãi nại cho cô bảo mẫu.
Chị Thùy, nói trong nước mắt: "Tôi với bị cáo là đồng nghiệp, chị em cùng làm tại nhà trẻ Thiên Thơ. Cháu Bảo Trân lúc đó còn nhỏ, nhiều lúc không yên tâm để cháu ở nhà trẻ, dù đó là nơi mình làm việc. Nhưng rồi cũng đành vậy vì phải làm để có tiền nuôi con. Thế mà, ai ngờ sự việc lại xảy ra với chính con mình. Nhưng tôi cũng xin tòa giảm tội cho bị cáo, tùy vào sự công tâm của pháp luật".
Tại phiên xử, những người đến dự thỉnh thoảng lại ồ lên giận dữ khi nghe tòa nhắc lại hành vi vô trách nhiệm, "nhẫn tâm" của bị cáo song cũng có lúc lặng yên cảm thông như chính cha mẹ nạn nhân. Cô bảo mẫu mới học chưa hết lớp 5, không nhận thức hậu quả của việc mình làm. Vợ chồng nghèo từ Bình Thuận vào, chồng làm tạp vụ lặt vặt, vợ làm lương thấp (theo bị cáo là 500-700 nghìn đồng/tháng). Khi sự việc xảy ra, Vy cũng đã trải qua những tháng ngày sống thất thần, suy sụp trong trại tạm giam.
![]() |
Đông đảo người dân tham dự phiên tòa. Ảnh: X.H. |
Chủ tọa phiên tòa cũng nêu lên trách nhiệm của bà Hạnh và bà Thu, những người liên quan trực tiếp trong vụ việc này trong việc quản lý cơ sở nuôi dạy trẻ sai nguyên tắc, sử dụng bảo mẫu không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Theo nhận định tòa tòa, dù bị cáo và những người quản lý nhà trẻ Thiên Thơ có thể viện dẫn những lý do gì đi nữa, và mọi người có thể có chút thông cảm cho những hành vi nhất thời của họ, nhưng không gì có thể bù đắp cho sự đau thương, mất mát trước cái chết của bé Bảo Trân và nỗi đau của gia đình. "Có thể nào cảm thông được khi việc làm của bị cáo gây nên một nỗi bức xúc, hoang mang cho những người cha, người mẹ có con nhỏ hàng ngày được gửi gắm, trao hết niềm tin cho những người bảo mẫu", vị nữ thẩm phán nhấn mạnh.
Phiên tòa kết thúc, bị cáo Lê Thị Lê Vy nhận mức án 3 năm tù vì tội "vô ý làm chết người do vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp", dù trước đó Viện kiểm sát chỉ đề nghị từ 18-24 tháng. Hội đồng xét xử đã xem xét những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo nhưng cũng giữ quan điểm cần phải có sự nghiêm khắc để làm gương cho những người khác đang hàng ngày làm công việc chăm sóc trẻ thơ, nhắc nhở họ cần phải giữ được lòng yêu trẻ khi đến với nghề.
Xuân Hoàng