Làng hương Quảng Phú Cầu là điểm đến không xa lạ với các tín đồ check in Hà Nội. Có truyền thống làm tăm hương hơn 100 năm, ngôi làng sản xuất hàng hóa bán ra nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia... Những năm gần đây, Quảng Phú Cầu phát triển du lịch, trở thành địa điểm chụp ảnh nổi tiếng. Ngôi làng từng xuất hiện trên một số trang báo, hãng tin quốc tế như AFP của Pháp hay South China Morning Post của Trung Quốc. Làng hương Quảng Phú Cầu nằm ở thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Tây cũ, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Nơi đây được yêu thích bởi background sặc sỡ của những bó hương đủ màu đỏ, hồng, xanh, vàng, xếp thành từng búi như những khóm hoa. Một số gia đình mở cửa đón khách tới tham quan, chụp hình và bán vé. Để thu hút khách du lịch, một cơ sở dùng những khóm tăm hượng tạo thành hình bản đồ Việt Nam với lá quốc kỳ cờ đỏ sao vàng. Những ngày đầu năm nay, địa điểm này trở nên hot hit trên mạng xã hội khi được nhiều travel blogger và reviewer đến check in. Bạn Bùi Ngọc Công (chủ nhân trang Blog của Rọt, sinh năm 1998, quê Quảng Nam) cho biết: 'Tôi khá ấn tượng với cách sắp xếp tăm hương để tạo ra một bản đồ hình chữ S, tượng trưng cho đất nước Việt Nam. Ngoài ra, họ còn chuẩn bị những chiếc nón lá để du khách có thể mượn để chụp ảnh. Sự kết hợp của những màu sắc, sản phẩm làng nghề và những chiếc nón lá góp phần tô thêm vẻ đẹp của văn hóa Việt'. Bản đồ Việt Nam tạo thành từ những bó tăm hương nhìn từ trên cao. Thủ đô Hà Nội được tạo hình bông hoa, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được làm nổi bật bằng những khóm tăm hương màu vàng. Bản đồ Việt Nam tạo thành từ những bó tăm hương nhìn từ trên cao. Thủ đô Hà Nội được tạo hình bông hoa, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được làm nổi bật bằng những khóm tăm hương màu vàng. Bùi Ngọc Công cho biết trong chuyến tham quan, anh đến nhà ông Nguyễn Hữu Long, một gia đình làm hương đã hơn 100 năm. Đây là đời thứ ba của gia đình gắn với nghề truyền thống này, chỉ tính đời của ông Long đã hơn 40 năm. Dạo quanh các hộ dân trong làng, đâu đâu cũng thấy những bó tre, vầu được xếp quanh ngõ xóm. Không chỉ nhà ông Long, rất nhiều hộ dân khác cũng sống bằng nghề làm hương truyền thống. Để vào tham quan, tìm hiểu và chụp hình trong cơ sở sản xuất tăm hương, du khách phải bỏ ra 100.000 đồng. Đây là chi phí khá cao, tuy nhiên theo Công, mức giá này có thể hiểu vì các cô chú làng nghề phải bỏ công sắp xếp tăm hương thành background kỳ công, sáng xếp ra, chiều lại dọn vào, ngày nào cũng phải lặp đi lặp lại. Ngoài ra, chủ cơ sở này cũng xây dựng thêm nhiều bậc thang dành cho khách muốn khai thác góc chụp đẹp từ trên cao. Tuy nhiên, làng nghề vẫn chú trọng sản xuất nên những ngày mưa, tăm hương không được mang ra phơi. Du khách cần chọn những ngày nắng ráo để tham quan, tránh tới nơi lại phải quay về vô ích. Tăm hương thường được làm từ vầu hoặc tre. Sau khi chẻ, vầu được làm khô 5-7 ngày rồi đưa vào máy chẻ thành tăm. Qua quá trình mài dũa, chọn lựa kỹ lưỡng, các cây tăm này được đem đi nhuộm chân và cột thành từng bó rồi tiếp tục phơi khô dưới ánh nắng mặt trời và vận chuyển đến nơi sản xuất hương. So với trăm năm trước, hiện nay ở Quảng Phú Cầu, người dân đã sử dụng máy móc thay vì làm thủ công hoàn toàn, đỡ vất vả hơn và sản phẩm cũng đẹp hơn. AFP từng miêu tả đây là một truyền thống 'cổ xưa và chói sáng' của người Việt. Dù nằm ở ngoại thành và không gần các điểm tham quan nổi tiếng, Quảng Phú Cầu vẫn hút một lượng khách nước ngoài đáng kể bởi nét văn hóa đặc trưng. 'Nghề làm tăm hương là một nghề truyền thống, hy vọng các thế hệ tiếp theo ở làng sẽ tiếp nối các giá trị của ông cha để bảo tồn, gìn giữ, phát huy hơn nữa. Văn hóa Việt Nam đa dạng, chính vì sự hấp dẫn của nét đẹp truyền thống là yếu tố giúp du lịch bền vững. Tôi nghĩ đây là một nơi rất đáng để đi. Ngoài việc tham quan, tìm hiểu về làng nghề truyền thống, bạn sẽ tha hồ check in với những góc ảnh xinh đẹp', Bùi Ngọc Công nói. Quảng Phú Cầu cách trung tâm thành phố khoảng 35 km, bạn có thể đi xe máy, ôtô hay bus. Ngoài ra, làng hương cũng khá gần với thị trấn Vân Đình, nơi nổi tiếng với món vịt cỏ, giá thành bình dân, bạn có thể kết hợp thưởng thức trong cùng một chuyến đi. Ảnh: Bùi Ngọc Công Nguyên Chi