Mặc dù việc mang bầu, sinh con và chăm sóc, nuôi nấng con được coi là bản năng của người mẹ nhưng từ tưởng tượng tới thực tế là một khoảng cách khá xa. Không ít người sau khi sinh bị rơi vào tình trạng căng thẳng tới mức trầm cảm. Cũng giống như bao bà mẹ khác, chị Nguyễn Trần Thu Hà (Đồng Nai) vẫn còn nhớ như in những ngày đầu làm mẹ "thật không dễ dàng".
Chị Thu Hà chia sẻ: "Nuôi con mới biết lòng cha mẹ - câu nói mà tôi đã nghe rất nhiều nhưng mãi đến khi có con rồi, tôi mới thấu hiểu điều ấy. Tôi chào đón con gái đầu lòng với biết bao niềm vui cùng nhiều bỡ ngỡ. Đối với tôi khi ấy, việc chăm sóc con quả thực rất khó khăn khi vừa trải qua ca sinh nở đau đớn, vất vả, lại chưa kịp quen với việc chăm sóc một em bé đỏ hỏn, từ việc bế con, cho con bú… Các công việc tưởng chừng như nhỏ nhặt, đơn giản ấy lại vô cùng mới lạ đối với tôi.
Những đêm con thức không ngủ mà chỉ đòi mẹ bế trên tay, cứ đặt con xuống là con lại khóc ré lên… cùng với cảm xúc thay đổi sau khi sinh khiến tôi trở nên dễ cáu gắt, khó chịu với mọi người xung quanh, kể cả mẹ, người đã tận tình chăm sóc tôi. Và tất nhiên, ngay cả đứa con gái bé bỏng cũng không phải ngoại lệ. Đôi khi, tôi quát mắng cả con, mặc dù biết rằng con còn quá bé để có thể hiểu và thông cảm được với những cảm xúc trái gió trở trời của tôi. Tôi gần như bị trầm cảm sau sinh một thời gian ngắn. Cũng may mắn là tôi còn gia đình bên cạnh luôn động viên, nói chuyện, kể những câu chuyện cười, phụ giúp tôi trong việc chăm sóc bé. Từ đấy, dần dần tôi cũng ổn định và cân bằng được cảm xúc.
Tự nhận mình là một người nóng tính nên việc học cách kiềm chế cảm xúc của chị Hà để không gây ảnh hưởng đến tâm hồn của "cô con gái bé bỏng" cũng trải qua nhiều giai đoạn. Chị tâm sự: "Cha mẹ nào mà chẳng yêu thương con. Nhưng mỗi khi mệt nhọc, buồn bực vì một chuyện gì đó, tôi không kiềm chế được cảm xúc của mình. Tôi la mắng con khi con quấy khóc, không chịu ăn. Tôi chẳng khác gì đang 'giận cá chém thớt' mà cái 'thớt' khi ấy chính là con gái bé bỏng - người tôi yêu thương nhất.
Nhưng mỗi khi la mắng con xong, tôi lại thấy mình chẳng ra gì. Nhìn khuôn mặt ngây thơ, ngơ ngác và đôi chút sợ hãi của con, tôi thấy mình có lỗi vô cùng. Tôi lại ôm con vào lòng, xin lỗi con và thì thầm với con rằng: 'Mẹ yêu con nhất đời'. Đã có lúc, tôi thấy mình thật không xứng đáng làm mẹ.
Rồi tôi học cách kiềm chế cảm xúc của mình, nhất là đối với con yêu. Vì tôi hiều rằng, con còn quá bé, tâm hồn non nớt của con ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của cha mẹ. Từ đó, mỗi lần con khóc quấy hay mè nheo, đòi hỏi gì không phải, tôi đều cố gắng không để những bực dọc của bản thân làm ảnh hưởng đến cách cư xử với con.
Khi nóng giận, tôi cố gắng thật bình tĩnh, hút thở sâu, tự nhắc nhở mình không được la mắng, không được làm con sợ. Tôi không muốn mình lại cảm thấy ân hận về thái độ cư xử của mình nữa. Tôi ôm con vào lòng, giải thích nhẹ nhàng cho con hiểu hoặc bày trò cho con con chơi, thu hút sự chú ý của con để con không quấy khóc, đòi hỏi nữa".
Cô con gái Rio - Vũ Hà Anh xinh xắn, đáng yêu giờ đã hơn một tuổi cũng đồng nghĩa với ngần ấy thời gian chị Thu Hà học cách làm mẹ, làm bạn với con mà mỗi giai đoạn lại có nhiều kỷ niệm. "Có một thời gian con hay quấy khóc vào ban đêm, khi bé gần một tuổi. Bình thường, con tôi ngủ một giấc ngon lành từ sáng đến tối, vậy mà, có mấy đêm đang ngủ thì con bật dậy khóc la rất nhiều. Tôi càng ra sức dỗ dành thì còn càng khóc. Tôi vừa lo vừa không biết làm thể nào, chỉ nghĩ chắc con mơ ngủ thấy gì sợ nên tôi cố gắng gọi con thức dậy cho tỉnh ngủ, để con thôi không khóc nữa. Nhưng chẳng ăn thua, con vẫn khóc mãi không thôi. Thấy con như vậy, chẳng hiểu vì sao tôi cũng khóc theo con và miệng thì cứ nói: 'Ai làm gì mà con khóc? Mẹ xin con đó, con đừng khóc nữa, con ngủ đi". Càng làm thế, con lại càng khóc to.
Sau tối hôm ấy, tôi tìm hiểu thì mới biết có thể khi ngủ, con nằm mơ thấy điều gì làm con sợ hoặc do ban ngày, con gặp chuyện gì đó khiến con sợ và nó đi vào giấc ngủ làm con giật mình. Ngày sau đó, con vẫn tiếp tục khóc như vậy nhưng lần này, tôi nhẹ nhàng ôm con vào lòng vỗ vễ: 'Con gái yêu, có mẹ đây, con đừng sợ, con ngủ ngoan nhé'. Tôi cứ ôm chặt con một lúc để con cảm thấy thật dễ chịu, bình yên thì con thôi không khóc nữa và lại ngủ thật ngon".
Từ kinh nghiệm của mình, mẹ Rio nhận thấy, nuôi con là cả một hành trình từ học hỏi, tìm hiểu những cảm xúc của con để làm sao điều hòa được với cảm xúc của cha mẹ, giúp con vượt qua được những khó khăn mới chính là điều khó. Cha mẹ không thể cứ áp đặt cảm xúc của mình cho con là được. Với một đứa trẻ, việc hình thành, nuôi dưỡng cảm xúc rất quan trọng, ngay từ những ngày đầu non nớt bởi đó chính là cội rễ để xây dựng tâm hồn cho bé sau này.
Song Giang
Hãy gửi bài viết về kinh nghiệm nuôi dạy con cái của mình về nguyengiang@vnexpress.net để đóng góp cho chuyên mục và tạo diễn đàn chia sẻ với các bậc cha mẹ khác. |