Chị Thu Hòa đã đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn chớm tự kỷ, từ một cậu bé biệt lập, không hòa đồng để trở thành cậu bé nhanh nhẹn, chịu chia sẻ và biết quan tâm đến mọi người. Chị kể: "Đến giờ trong sâu thẳm, tôi vẫn biết ơn cô giáo Mai - Quản lý trường mầm non của con tôi, người đã kiên trì khuyên nhủ tôi đưa bé đi khám và quan tâm chăm sóc bé. Con trai tôi hay ở trạng thái thăng, biệt lập với các bạn, giao tiếp chậm và ăn uống mọi thứ đều khó. Cháu sẵn sàng lấy đồ chơi của các bạn, đẩy và làm tổn thương người khác để thỏa mãn cái cháu muốn. Khi tôi nhận thức ra, lúc đó gia đình tôi đã xảy ra nhiều biến cố mà hầu hết lỗi lầm đều xuất phát từ bản thân tôi. Vì vậy, cái đầu tiên tôi nghĩ là chính ý thức và nhận thức của những người làm cha, làm mẹ đã hình thành nên những tính cách đó ở bé.
Từ đó, tôi để ý hơn trong mọi việc, kiên trì làm gương cho con, dạy con biết chia sẻ bằng việc bản thân tôi là người biết sẻ chia, tạo môi trường cho cháu thực hành và khích lệ những hành động đẹp. Ví dụ, khi con chơi với bạn, bạn khác mượn đồ chơi, cháu nhất định không cho thì tôi đã gọi mấy đứa trẻ lại, dẫn ra chỗ con tôi và nói: 'Con nên chia sẻ' - Cháu bảo: 'Không'. Tôi chiều theo ý cháu và đưa ra thỏa thuận: 'Được rồi, con lựa chọn món đồ này, không chia sẻ cho các bạn phải không, không hối hận chứ?'. Sau khi con tôi đồng ý, tôi ra chơi với mấy bạn nhỏ kia, thậm chí mua bim bim, làm toa tàu, chơi nhiều trò chơi tập thể hấp dẫn, trong khi con tôi ngồi một mình. Lúc đầu, cháu vẫn không thay đổi ý định, rồi dần dần thấy các bạn chơi vui quá thì đòi chơi cùng.
Tôi chưa vội đồng ý ngay để kích thích cháu, tới khi cảm thấy con thực sự muốn chơi, tôi mới khuyên cháu nên chia sẻ đồ chơi cho các bạn, các bạn cùng chơi sẽ vui hơn. Vậy là cháu ra lấy hết đồ chơi cho các bạn, chơi vui vẻ mà mẹ chẳng cần đánh mắng hay la hét. Tôi dạy con bằng hành động khi không thể khuyên. Hàng ngày, hàng giờ, khi đi đâu, gặp ai, tôi đều chào hỏi, chào từ đứa trẻ con cho tới người già, chào từ cô rao bán đồng nát tới bác bảo vệ... dần dần, cháu thấy và được mẹ động viên nên ngoan ngoãn chào hỏi mỏi người, không phớt lờ như trước. Trước khi đứa trẻ là một người biết quan tâm tới người khác thì cha mẹ cần dạy cho con biết sẻ chia, kính trọng và biết ơn với mọi thứ xung quanh".
Một kinh nghiệm khác của chị Thu Hòa là luôn gọi con bằng "Bạn" khi chỉ dạy hay hướng dẫn cho con một điều gì đó. "Trong ý của từ đó, tôi cũng đã có sự tôn trọng con tôi. Những lúc cháu làm sai, tôi thường gọi con lại và phân tích trước để cháu hiểu về lỗi của mình gây ra như thế nào, tương lai lỗi đó được lặp lại như thế nào. Rồi động viên con nói lời xin lỗi, ôm hôn hoặc bắt tay làm lành. Còn khi khó bảo, tôi vẫn có hình phạt cho các cháu, nhẹ thì đứng góc, biệt lập hoặc không được chơi một món đồ chơi nào đó. Nặng thì đánh đòn".
Bên cạnh việc chia sẻ những kinh nghiệm của riêng mình, từ công việc liên quan đến các hoạt động cộng đồng, chị Thu Hòa còn cho rằng trẻ con bây giờ vô tâm hơn. Mặc dù cha mẹ vẫn chú trọng việc dạy dỗ con cái nhưng có lẽ vì phương pháp chưa phù hợp nên hiệu quả đạt được không nhiều. "Theo quan sát của mình, tôi thấy mỗi nhóm tuổi, các bậc phụ huynh có sự ưu tiên khác nhau với nội dung dạy dỗ cho con. Khi con 0-3 tuổi, cha mẹ rất xem trọng về mặt thể chất của con như cân nặng bao nhiêu, ăn uống, mua sắm... Và vô tình, trong giai đoạn này, cha mẹ trở thành 'nô lệ' của con cái, chiều theo mọi sở thích của con mà không biết rằng những điều này đã 'gieo' hạt giống của sự 'đòi hỏi' ngay từ thủa lọt lòng. Trong khi ở các nước phát triển, cả gia đình và xã hội đều chú trọng giáo dục trẻ trong giai đoạn này thì phụ huynh ở Việt Nam lại động viên nhau 'đợi con qua 3 tuổi sẽ bớt vất vả hơn'.
Trẻ trong độ tuổi 3-6 tuổi hầu hết đã được đi học ở trường mầm non thì cũng là lúc phụ huynh lơ là việc chăm sóc hơn so với lúc các con còn bé. Trong khi đây lại là lúc gia đình cần vào cuộc nhất, cần dạy bảo cho con nhất bởi con đã hiểu, đã có nhận thức tốt và biết lắng nghe. Còn phụ huynh hầu hết đã ăn sâu tư tưởng 'Trăm sự nhờ thầy' nhưng lại theo một nghĩa khác, không còn ở nghĩa gốc ban đầu nữa.
Câu nói này của các cụ ngày xưa, khi đó, các thầy cô giáo rất nghiêm khắc với học trò của mình, gia đình hết mực tin tưởng, kính trọng thầy cô nên đều đồng tình ủng hộ, thậm chí phụ huynh còn nhờ thầy đánh mắng con của mình để con ngoan, bởi các cụ chữ ít hơn thầy. Còn nghĩa của 'Trăm sự nhờ thầy' ngày nay đa phần khác hoàn toàn. Nhiều phụ huynh đã quên đi mất bổn phận của mình và hầu hết giao phó cho nhà trường, coi thầy cô là nơi phục vụ trông coi thông qua 'các khoản phí', gia đình và nhà trường không còn phối hợp mà quay ra dò xét nhau. Nhà trường sợ phụ huynh kiện cáo, phụ huynh sợ con mình bị thầy cô và các bạn bắt nạt. Những câu hỏi khi con đi học về như 'Con hôm nay ăn gì, uống gì, cô và các bạn có làm gì con không?' vô tình lại hình thành thói quen 'tìm lỗi' cho bé. Thói quen 'tìm lỗi' đã hình thành cộng với thói quen 'đòi hỏi' khi con bé khiến đứa trẻ trở nên khó nuôi, khó dạy bảo.
Khi con lớn hơn và chính thức đi học (từ 7 tuổi đến 22 tuổi), cha mẹ lại quan tâm hơn tới điểm số của con. Tôi vẫn nhớ lời nói mà người thầy đáng kính của tôi 'Tiên học lễ, hậu học văn' - học đầu tiên để làm người, sau mới để làm việc. Chỉ 'học văn' mà không 'học lễ' thì không tạo được mối quan hệ tốt với bạn bè, không biết cư xử phải phép với mọi người thì họ sẽ không nhận được sự yêu mến, đồng cảm của những người xung quanh. Phụ huynh chỉ quan tâm tới điểm số của con không khác gì việc đáng hướng con tới con đường danh lợi, không bền vững".
Tuy vậy, dù với phương pháp dạy nào thì theo chị Thu Hòa, chính cha mẹ cần có nhận thức đúng đắn về hành động của mình và niềm tin rằng mình sẽ làm được, niềm tin ở con. Có nhiều người luôn nói biết quan tâm đến người khác nhưng thực tế chưa hẳn là vậy. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, đặc biệt là trong 'giai đoạn vàng" hình thành nhân cách của trẻ từ 0-6 tuổi thì càng cần chú trọng đặc biệt. Và trước khi dạy trẻ cái gì, người lớn chúng ta cần thực hiện "Lời nói đi đôi với việc làm".
Song Giang