Bác sĩ Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim mạch, bệnh viện FV - cho biết bệnh nhân nhập viện lúc 1h ngày 18/3, bất tỉnh, thủng vách tim. Cách đó một tiếng, ông đau tức ngực dữ dội, khó thở nặng, gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất. Một tuần trước, ông Trung bị nhồi máu cơ tim, dẫn đến phù phổi, suy tim.
"Trường hợp này rất hiếm gặp với tỷ lệ 0,2% trên thế giới, tức trong 500-700 ca nhồi máu cơ tim mới có một người bị thủng vách tim. Tỷ lệ tử vong 94-98%, thậm chí có nghiên cứu báo cáo đến 99%", bác sĩ nói.
Bác sĩ lý giải bệnh nhân cao tuổi, bị thủng tim, phù phổi nặng kèm nhiều bệnh nền (tiểu đường, tăng huyết áp), do đó rủi ro cao khi can thiệp tim mạch. Với tinh thần "chỉ 2% cơ hội sống vẫn còn hy vọng", êkíp lập tức lên phương án điều trị.
Đầu tiên, các bác sĩ xử lý vấn đề nhồi máu cơ tim, tiến hành đặt stent để lưu thông dòng máu, giúp cơ tim sống lại. Quá trình này phải nhanh 5-7 phút), bởi nếu càng chậm, cơ tim càng mau chết.
Vì mạch máu tim bị nghẽn, bác sĩ phải dùng ống thông nhỏ luồn qua mạch máu tay theo đường động mạch ngoại biên. Sau khi xác định tổn thương, êkíp tái thông đoạn hẹp bằng các stent để đảm bảo mạch máu tim lưu thông tốt.
Sau 12 ngày, máu lưu thông ổn định, bệnh nhân được chỉ định vá lỗ thủng tim. Theo bác sĩ Hồ Minh Tuấn, so với trường hợp thủng tim bẩm sinh, vá lỗ thủng cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim biến chứng khó khăn hơn nhiều.
"Kỹ thuật này khó, đòi hỏi tay nghề, kinh nghiệm bác sĩ và thiết bị hỗ trợ hiện đại. Sau một giờ cân não, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng các chuyên khoa, ca phẫu thuật đã thành công", bác sĩ nói.
Sau ca mổ, bệnh nhân không còn khó thở khi ngủ, ăn uống, đi lại bình thường. Sức bóp cơ tim tốt, tăng từ 30% lên 50%. Ông Lê Quang Trung đã xuất viện hôm 3/4.
"Hiện sức khỏe tôi tốt, thật may mắn khi được bác sĩ cứu sống. Trước đó, tôi đau đến mức tưởng không qua khỏi", ông Trung nói.
Bác sĩ Tuấn cũng khuyến cáo các cá nhân, gia đình cần lưu tâm vấn đề tim mạch. Khi bị nhồi máu cơ tim, mạch máu nuôi tim bị nghẽn lại, giai đoạn đầu bóp yếu hoặc không bóp. Nếu nhập viện muộn, vùng cơ tim bị hoại tử, dễ ảnh hưởng tính mạng.
"Như trường hợp bệnh nhân Quang Trung, nếu ấp cứu trễ khoảng 10-20 phút, ông có nguy cơ tử vong cao", bác sĩ nói. Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá - yếu tố tăng nguy cơ hẹp mạch vành, dẫn đến biến chứng tim mạch, cần kiểm soát tốt để tránh nguy cơ bị lại.
"Với người bệnh có yếu tố nguy cơ nhồi máu cơ tim, khi thấy triệu chứng nghi ngờ (tức ngực, khó thở, ngất, choáng váng), cần đến bệnh viện chuyên khoa thăm khám sớm, tránh biến chứng cơ học như thủng tim, có thể gây tử vong", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Liên hệ số (028) 54 11 33 33 để được tư vấn chi tiết bệnh lý tim mạch.
Yến Lê
Ảnh, video: FV