Từ năm 2007 đến 2011, ông Bùi Tiến Dũng (cựu tổng giám đốc PMU 18) đã 3 lần phải hầu tòa với các cáo buộc đưa hối lộ và đánh bạc, cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế và tham ô tài sản.
Dường như đã quá quen với việc ra tòa và biết được sẽ có ngày mình phải "đền tội" nên lần thứ 3 hầu tòa với cáo buộc tham ô tiền nhà nước trong dự án cầu Bãi Cháy, vào tháng 6 vị cựu tổng giám đốc tỏ ra bình thản đứng trước vành móng ngựa. Vẫn áo sơ mi lịch lãm, ông Tổng PMU 18 thản nhiên nói chuyện với những người từng là thuộc cấp của mình, thỉnh thoảng quay xuống cười nói với người thân trong giờ nghị án.
![]() |
Bị cáo Bùi Tiến Dũng đang thụ án 16 năm tù về các tội đánh bạc, đưa hối lộ và cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế. Ảnh: Anh Thư |
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, dự án cầu Bãi Cháy được Thủ tướng phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 1.380 tỷ đồng. Ban quản lý các dự án 18 (PMU18) được giao quản lý và thi công dự án. Lợi dụng vai trò là quản lý, khi triển khai công việc được giao, Phạm Tiến Dũng (Trưởng phòng triển khai dự án 6, PID6 của PMU18) phát hiện thấy có sơ hở trong việc quản lý và chi trả lương cho các nhân viên tại các gói thầu nên đã chiếm đoạt tiền nhà nước bằng việc lập khống danh sách nhân viên tư vấn. Từ tháng 3/2003 đến 2/2007, bằng cách làm này, họ đã rút được hơn 3,4 tỷ đồng tiền lương.
Trong số tiền lương khống được duyệt, ông Bùi Tiến Dũng trực tiếp ký duyệt hơn 2,7 tỷ đồng lương, tạo điều kiện cho nhóm của Phạm Tiến Dũng chiếm hưởng gần 1,6 tỷ đồng. VKS cáo buộc, trong số tiền tham ô nêu trên, Tổng giám đốc PMU18 được hưởng lợi thông qua việc chỉ đạo thuộc cấp lấy 500 triệu đồng làm "quà nghỉ hưu" cho ông Đỗ Kim Quý (Phó tổng giám đốc) và dùng 100 triệu đồng để tiếp đãi bạn học.
Sau 4 ngày thẩm vấn, đại diện VKSND Hà Nội bất ngờ thông báo đổi tội danh truy tố với ông Bùi Tiến Dũng (nguyên tổng giám đốc PMU 18) từ tham ô tài sản sang lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Dũng bị kết án 7 năm tù. Tổng cộng qua 3 vụ án, cựu tổng giám đốc PMU 18 phải nhận án phạt 23 năm tù về 4 tội danh.
Cũng trong năm 2011, một vị cựu tổng giám đốc Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp từng gây xôn xao dư luận bởi cáo buộc bòn rút tiền của nhà nước, dùng gần 2 tỷ đồng ngân sách nhà nước mua xe Mercedes chỉ để đi hơn 2.200 km. Nhiều tờ báo gọi ông là "tổng giám đốc xài sang".
Là bị cáo được tại ngoại, nên khi ra tòa, ông Khánh vẫn comple lịch sự, trong lời nói sau cùng, ông còn tuyên bố "Tôi làm đúng và không có gì phải hổ thẹn với lương tâm" và cho rằng ông không phạm tội như cáo buộc của VKS truy tố.
Cơ quan công tố cáo buộc, vì động cơ vụ lợi trong hai năm (2003-2004), tổng giám đốc Khánh đã thông đồng với giám đốc Nguyễn Văn Hiếu trong việc mua bán phân urea và hợp đồng thuê ôtô Mercedes nhằm rút tiền công quỹ chiếm hưởng cá nhân.
![]() |
Bị cáo Trần Văn Khánh. |
Cụ thể, bằng thủ đoạn gian dối về số lượng nhập mua gần 6.000 tấn phân urea trong hợp đồng ngày 15/8/2003 và ghi lùi thời gian mua, bán hàng hóa trong hợp đồng để tạo chênh lệnh giá, bị cáo Khánh và Hiếu đã bòn rút hơn 1,6 tỷ đồng của nhà nước. Trong số này, ông Khánh chiếm hưởng hơn 1,5 tỷ đồng, ông Hiếu được 45 triệu.
Năm 2004 lợi dụng chức vụ ông Khánh đã dùng vốn của Tổng công ty mua ôtô Mercedes S420 giá 100.000 USD.
Tổng giám đốc Khánh chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục để ông thuê lại chính chiếc xe này, với chi phí hàng tháng phải trả cao hơn nhiều tiêu chuẩn của tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước... Theo VKS, trong phi vụ này ông Khánh đã chiếm hưởng cá nhân hơn 1,1 tỷ đồng. Xác định hành vi của ông Khánh phạm vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, HĐXX tuyên phạt 5 năm tù.
Tháng 9 vừa qua, TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận đơn kháng cáo của ông Huỳnh Ngọc Sĩ - người từng đứng đầu Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây.
Theo HĐXX, vụ án tham nhũng của Huỳnh Ngọc Sĩ được phát hiện từ tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp và những chứng cứ điều tra khách quan của Bộ Công an.
Theo đó, khi biết Nhật Bản sẽ tài trợ vốn ODA cho dự án này, các quan chức PCI tìm cách tiếp cận ông Huỳnh Ngọc Sĩ (giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây, là người có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến dự án) để thỏa thuận "chung chi" kèm theo những yêu cầu: Được "dễ dãi" khi đấu thầu, hưởng mức lương chuyên gia tư vấn nước ngoài cao hơn quy định; được chỉ định thầu, thanh toán tiền nhanh. PCI chấp nhận "lót tay" cho ông Sĩ 10% giá trị hợp đồng lần thứ nhất (tương đương 900.000 USD) và 11% hợp đồng lần 2 (tương đương 1,7 tỷ USD).
![]() |
Ông Sĩ đã thoải mái hơn nhiều sau phiên tòa phúc thẩm được giảm án. Ảnh: Vũ Mai. |
Theo tòa, PCI tổng cộng đã 7 lần đưa tiền cho Huỳnh Ngọc Sĩ và cơ quan điều tra chỉ chứng minh được một lần. Mọi căn cứ có trong vụ án, lời khai những người liên quan, nhân chứng đều khai rất rõ về lần "đi đêm" này. Những lời khai phù hợp về thời gian, địa điểm, số tiền rút từ ngân hàng (140.000 USD mang từ ngân hàng về, 40.000 USD đổi từ tiền Việt Nam, 80.000 USD mang từ Nhật sang), họ cũng nhận diện được ông Sĩ qua ảnh và mô phỏng phòng làm việc của "cựu" giám đốc dù chỉ qua Việt Nam một lần…
Theo Tòa phúc thẩm, tội danh mà ông Sĩ phạm phải là tội nguy hiểm nhất trong các tội tham nhũng, gián tiếp xâm hại lợi ích của nhân dân, gây bất bình dư luận, số tiền phạm tội là đặc biệt lớn (262.000 USD tương đương hơn 5 tỷ đồng)... nên mức phạt tù chung thân là thỏa đáng.
Tuy nhiên, gia đình ông Sĩ đã nộp 3 tỷ đồng thu lợi bất chính. Từ đó, HĐXX cho rằng chỉ cần áp dụng mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn đối với ông Sĩ, tuyên từ chung thân xuống 20 năm tù giam.
Nguyên Anh