Hươu Ú
(Cuốn sách của tôi)
Có lẽ đó là vì cái ấn tượng từ hồi học văn học phổ thông, các tác phẩm trong đó không gây cho tôi một tình cảm đặc biệt nào hết. Sau này, tôi cũng đã cố đọc các truyện của Việt Nam nhưng rồi thất vọng nhiều hơn là hài lòng. Bởi lẽ tôi cảm giác các tác giả viết văn theo kiểu ngồi trong nhà, nhắm mắt, mở cửa sổ và tưởng tượng, chứ tuyệt nhiên không hề thấy có hơi thở của cuộc sống thực, trải nghiệm thực trong đó. Mang theo một mối ác cảm dai dẳng như vậy, tôi gần như không đụng đến truyện Việt Nam. Mà thêm nữa, riêng đọc các tác phẩm Văn học nước ngoài cũng đủ không còn thời gian rồi.
Tình hình bắt đầu thay đổi với cuốn tiểu thuyết đầu tiên là Phố của Chu Lai. Èo, tôi vẫn ấn tượng các tác giả Việt Nam hay viết với giọng cay nghiệt. Mà tôi thì ghét cay ghét đắng cái giọng văn cay nghiệt. Nhưng trong Phố, Chu Lai hoàn toàn khác. Buồn bã và hiền hòa. Thế là tôi bắt đầu có cảm tình với ngòi bút của Chu Lai. Lượn qua Nguyễn Xí, tôi chọn bừa quyển 3 lần và 1 lần của Chu Lai, chẳng có ai rào đón trước.
Cũng mãi đến gần đây tôi mới giở quyển truyện này ra được và tôi bị hút vào ngay từ những trang viết đầu tiên.
Chu Lai là một nhà văn quân đội từng thực sự sống qua những ngày tháng ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam. Những trang miêu tả của ông về chiến tranh, về sự tàn khốc của chiến tranh chẳng thể bao giờ dựng lại trên màn hình. Những bộ phim tài liệu, có lẽ cũng không dám đưa những thước phim tàn khốc và đau đớn đến thế. Ấy là vì Chu Lai đã thực sự đi, thực sự nếm, thực sự sống qua những thời khắc và thực sự chịu những mất mát tưởng chừng không thể chịu nổi của những người lính ấy.
Xuyên suốt câu chuyện là cuộc đời nhân vật Sáu Nguyện, bắt đầu từ một đại ý quân báo xuất quỷ nhập thần của những năm 70 cho đến một phạm nhân nhàu nát, già nua, bất cần và lạnh lẽo hơn 20 năm sau chiến tranh. Cuộc đời của ông chỉ xoay quanh những ngã rẽ bất ngờ của 3 lần tha thứ, giúp đỡ và 1 lần không thể tha thứ, xoay quanh những nỗi niềm thời hậu chiến của những người lính ngày xưa, xoay quanh sự phản trắc của một người đồng đội thân thiết nhất và nỗi ám ảnh khôn nguôi về một người đàn bà bội bạc.
Lần tha thứ đầu tiên, ông tha thứ cho chính người đồng chí thân thiết nhưng phản bội.
Lần tha thứ thứ hai, ông tha thứ cho người đã suýt hại chết mình. Sau đó, chính người này đã giúp ông khỏi chết đói vật vờ khi ngơ ngác bước ra từ thời chiến và chóng mặt với sự tráo trở và thối nát của thương trường Việt Nam những năm cuối 80.
Lần thứ ba, ông cứu sống một người phụ nữ có chồng đi cải tạo và rồi cũng chính người này đã để lại cho ông một gia sản khổng lồ.
Và lần không tha thứ duy nhất, vẫn là kẻ phản trắc mà ông đã tha cho hơn 20 năm trước, một phút nhu nhược, không hoàn thành chủ đích, ông dính vào vòng tù tội và rồi chết tức tưởi khi mọi thứ đều vẫn đang bung bét.
Một câu chuyện buồn, rất buồn, mất mát và ai oán. Giọng văn của Chu Lai, vẫn không hề cay nghiệt nhưng chua chát quá đỗi. Khi cuộc đời trở nên quá nhầu nhĩ, người ta sẽ chỉ còn chua chát chứ không đủ sức để cay nghiệt. Qua giọng văn từng trải của mình, Chu Lai miêu tả tâm trạng của từng nhân vật trong những hoàn cảnh ngược ngạo như rút gan rút ruột mình phơi bày lên trang giấy khiến người đọc nhiều lúc cũng cảm thấy tức thở với khối tâm trạng nặng nề và u uất của Sáu Nguyện.
Nếu như có một điều gì đó mà tôi cảm thấy tiếc trong truyện của Chu Lai thì đó là cách xử lý cuối cùng của tác giả. Cũng giống như trong Phố, nhân vật chính của ông lại kết thúc bi thảm trong cái chết. Dường như Chu Lai không tìm ra được một sự giải thoát nào yên ổn cho nhân vật của mình ngoài cái chết. Nhưng ngẫm lại, nếu để họ tiếp tục sống, có lẽ họ cũng sẽ chẳng sung sướng gì. Nhưng kết thúc bằng cái chết, dù là tai nạn, cũng đều bế tắc.
Chắc là tôi sẽ tiếp tục tìm đọc các tác phẩm của Chu Lai. Nghe đâu 3 lần và 1 lần đã được chuyển thể thành phim Mùi rừng. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì cái tên này hợp với truyện hơn. Đây thực sự là một cuốn tiểu thuyết rất đáng tìm đọc.
Vài nét về tác giả bài viết:
Một chút mặt trời trong nước lạnh - Hươu Ú.
Bài đã đăng: Suối nguồn và con người, Vẻ đẹp của Toán học, Nơi cuối cầu vồng.