
Ở chốn công sở, bạn nên chọn chủ đề phù hợp để nói với sếp. Ảnh: Pinterest
Ở nơi làm việc, trao đổi trực tiếp điều gì đó với sếp là cơ hội để cải thiện ấn tượng của bạn, nhưng những chủ đề không phù hợp sẽ làm hỏng hình ảnh của bạn và còn gây rắc rối, ví dụ như các đề tài dưới đây.
1. Phàn nàn công việc quá khó khăn
Rất khó để tìm được một công việc ưng ý và dễ dàng. Chúng ta thường "đứng núi này, trông núi nọ" nhưng khi lên đến một ngọn núi cao, ta sẽ thấy còn có một ngọn núi cao hơn.
Khi khó khăn ập đến, có người dốc sức chống đỡ và vượt qua, có người kêu ca không ngớt, mong nhận được sự đồng cảm của người khác. Nhưng bạn đừng nên làm kiểu người thứ hai, luôn phàn nàn công việc quá khó khăn vì như vậy khiến sếp đánh giá bạn thiếu năng lực.
Nghĩ theo cách khác, một ông chủ bận rộn cả ngày và muốn biết tình hình công việc của cấp dưới, còn bạn thì sao? Nếu bạn phàn nàn ngay khi mở miệng, sếp bạn có cảm thấy khó chịu không?
Điều gì bạn không thích, hãy thay đổi nó. Nếu việc đã định là không thể thay đổi, hãy đổi mới thái độ của bạn. Phàn nàn là không cần thiết. Khi bạn ngừng phàn nàn, tâm trạng của bạn sẽ trở nên tốt hơn, bạn cũng có thể xây dựng một hình ảnh đáng tin và bình tĩnh.
Nếu một nhân viên ở trạng thái không tốt, ông chủ sẽ nhìn thấy, nhưng ông ta không thích và lặng lẽ quan sát. Nếu một nhân viên ở trạng thái tốt, ông chủ cũng sẽ nhìn thấy, và chủ động thể hiện sự ưu ái của mình. Một công việc không có lời phàn nàn giống như cơn gió xuân, khiến bạn hạnh phúc và sếp của bạn cũng vui vẻ.
Nếu bạn luôn càu nhàu về công việc của mình, sếp sẽ nghĩ bạn không phù hợp với công việc và không thể thích nghi với môi trường làm việc. Khi bạn vẫn kêu ca sau khi thay đổi công việc một vài lần, bạn có thể là người tiếp theo bị sa thải.
2. Nói xấu đồng nghiệp với sếp
Một vài người đến gặp sếp để mách lẻo và khiến sếp có ấn tượng xấu về một nhân viên nào đó. Sau đó, họ có thể trở thành người bạn tâm giao của sếp. Nhưng những lời coi thường, nói xấu này của bạn sẽ đi một vòng rồi sẽ đến tai đương sự. Người bị bạn nói xấu cũng có thể sẽ coi thường bạn trước mặt sếp.
Mọi người đều có nhận thức riêng của họ. Các ông chủ có ý kiến riêng về cấp dưới. Nhưng nếu bạn dùng đủ loại lời lẽ hằn học để hạ thấp ai đó, sếp chẳng những không cho rằng bạn có năng lực, mà còn nghĩ bạn ba hoa.
Ví dụ, bạn đi công tác với một đồng nghiệp nào đó, khi trở lại làm việc, bạn đã ngay lập tức báo cáo với sếp rằng đồng nghiệp đối xử không tốt với người khác. Nhưng sếp không tin lời nói của bạn mà chỉ nhìn vào hiệu quả thực tế của chuyến công tác.
Kẻ mạnh nâng đỡ nhau, kẻ yếu giẫm nát nhau. Nếu bạn muốn đi đến một nơi cao hơn, đừng giẫm đạp lên người khác mà hãy tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh.
Khi bạn trở nên xuất sắc và sẵn sàng giúp đỡ người khác, sẽ có nhiều người xung quanh bạn. Khi thời gian trôi qua, nhiều người sẽ khen ngợi bạn. Có cơ hội, bạn sẽ được mọi người đề bạt lên vị trí cao hơn.
Các mối quan hệ là tương hỗ và những người bạn kính trọng cũng sẽ kính trọng bạn.
3. Thảo luận với sếp về công việc không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình
Sếp giao nhiệm vụ cho bạn phụ trách kho nhưng bạn lại nói chuyện về khâu sản xuất gia công. Nhưng bạn chỉ biết nửa vời, không tường tận thấu đáo công việc của người khác. Nếu người khác không thể làm tốt công việc của họ và cần sự giúp đỡ của bạn, họ sẽ tự nhiên tìm đến bạn.
Nếu hôm nay bạn can thiệp vào công việc của đồng nghiệp, liệu ngày mốt bạn có can thiệp vào công việc của sếp không? Có thể sếp sẽ nghĩ vậy nên luôn đề phòng bạn.
Khó có tình bạn nơi công sở. Sở dĩ sếp có mối quan hệ tốt với bạn vì trong công việc họ cần một người cộng sự và hai người đang thiết lập nền tảng cho nhau. Vì vậy, bạn phải quản lý tốt cái miệng của mình và tuân thủ nguyên tắc nói ít làm nhiều. Một người có năng lực sẽ thể hiện sức mạnh khi làm việc và nói sự thật.
Hằng Trần (Theo Aboluowang)