Nhìn từ bên ngoài, ngành công nghiệp thời trang và những tuần lễ thời trang lớn giống như một bữa tiệc lớn với vô vàn những con người người xinh đẹp ăn vận lộng lẫy. Dù vậy, ít ai biết sau các màn tiệc catwalk hoành tráng chỉ kéo dài trong khoảng 10 phút ấy, những người trong nghề phải trải qua chuỗi tháng ngày đầy căng thẳng.
Hai năm một lần, các nhà thiết kế tên tuổi phải tập hợp mọi bộ sưu tập của mình để trình diễn cho các biên tập viên cũng như khách hàng lớn tại những tuần lễ thời trang. Để gây ấn tượng, họ cần chuẩn bị trong ít nhất từ ba đến bốn tháng. "Chúng tôi phải làm việc từ 9h cho đến tận 21h. Khoảng một tháng trước khi tuần lễ thời trang diễn ra, mọi người gần như không có ngày nghỉ cuối tuần. Thậm chí, các nhà tạo mẫu, chuyên viên trang trí và nhà may đều phải hoạt động hết công suất ngay cả ở trong ngày nghỉ lễ Lao động".

Càng gần đến ngày trình diễn, mức độ tập trung ngày càng tăng cao, đặc biệt sự căng thẳng lên đến tột đỉnh khi có một sự thay đổi đột ngột nào đó ngay trước khi chương trình bắt đầu. "Chúng tôi không thể hoàn thành bộ sưu tập nếu các giám đốc thiết kế thay đổi quyết định ngay trước show diễn", một nhà thiết kế khác cho biết. Những lúc điều này xảy ra, nhiều nhà may phải "gắng gồng" hết sức để làm hoàn tất trang phục, thậm chí chỉ trước khi sự kiện diễn ra một lúc.
"Chúng tôi bỏ ra 4 tháng để chuẩn bị cho tất cả nhưng việc thay đổi vào phút chót lúc nào cũng diễn ra. Bản thân tôi cũng không hiểu vì sao lại phải như vậy. Những chuyện hậu trường đằng sau các show thời trang thực sự rất điên rồ. Nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết có một số trang phục được mặc đẹp đẽ trên người các chân dài thực chất chỉ là những mảnh vải được may rồi dán hoặc đính lại bằng gim băng để đảm bảo rằng khán giả nhận biết được đó là quần áo", nhân viên PR nói tiếp.
Bên cạnh những căng thẳng đến từ cấp trên, các nhà tạo mẫu còn phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến người mẫu, đặc biệt là các chân dài "đắt sô". "Mặc dù rất thông cảm rằng tuần lễ thời trang là khoảng thời gian bận rộn nhất đối với người mẫu nhưng hầu hết họ chẳng bao giờ đến đúng giờ. Thi thoảng, có người còn không thèm có mặt để thử đồ", một nhà thiết kế chia sẻ.
"Chuyện thương lượng với người mẫu cứ như việc bạn phải ngồi thuyết phục một đứa trẻ con lên ba không chịu đi giày theo đôi vậy", nhân viên PR bức xúc. Cô khẳng định những câu chuyện người mẫu không dám ăn gì hoàn toàn có thực: "Chúng tôi chuẩn bị đồ ăn cho các buổi thử đồ và chụp hình cả ngày nhưng bọn họ không sờ vào một miếng nào".

Một nhân viên chuyên phụ trách hậu trường cho các tuần lễ thời trang lớn tâm sự, đến khi chương trình diễn ra, trong khi mọi người đứng sau cánh gà đều hoang mang chỉ biết cầu trời cho ghim kẹp quần áo trên người mẫu đừng rớt xuống thì tim họ lại bắn lên vì những tai nạn bất ngờ đến từ đôi giày cao gót. "Chúng tôi vừa đưa một người ra sân khấu thì đúng 10 giây sau cả đoàn nghe được tiếng uỵch, tiếp đó là những tiếng ớ thảng thốt từ khán giả rồi sau đó tất cả chỉ còn lại sự im lặng, thậm chí cả nhóm nhạc cũng phải ngừng chơi", cô hồi tưởng. Chỉ một vài phút sau, người mẫu bị ngã mới gượng dậy để tiếp tục màn biểu diễn còn lại, kéo theo những âm thanh quen thuộc từ ban nhạc cùng tràng vỗ tay cổ vũ của khán giả.
"Làm việc cho một nhà thiết kế nào đó đồng nghĩa với việc bạn không được phép đến show diễn của người khác. Người ta không muốn để dành show diễn quý giá của mình cho đối thủ", một nhà thiết kế kể lại. Mặc dù vậy, một số nhà thiết kế chưa có tên tuổi vẫn thường tìm cách thuyết phục các nhân viên ở hậu trường để cho mình vào xem. "Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng nếu hỏi và cười với họ thì bạn sẽ được vào xem", một nhà thiết kế từng áp dụng chiêu này chắc nịch.

Không chỉ người mẫu phải xuất hiện lộng lẫy, các nhân viên cũng như nhà thiết kế của hãng thời trang cũng phải thời thượng không kém trước các tổng biên tập và khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc họ được trao cho những bộ cánh hàng nghìn đô. Họ được phép chọn trang phục trước khi chương trình diễn ra một ngày. Sau show diễn, mọi nhân viên phải gửi trả lại đồ mượn. Tuy nhiên, họ cũng có những đặc quyền nhất định. Vì có giấy mời trong tay nên các nhân viên không phải xếp hàng để được vào nơi tổ chức. Bên cạnh đó, họ còn được tặng quà như túi xách, mỹ phẩm, kính mắt cùng nhiều loại quà tặng khác.
Sau khi chương trình kết thúc, công việc dọn dẹp được hoàn tất, mọi người trong ban tổ chức sẽ cùng nhau làm tiệc mừng. Mặc dù vậy, có không ít người tỏ ra mệt mỏi. "Chúng tôi đã quá căng thẳng trước khi chương trình bắt đầu. Đến lúc show diễn kết thúc, tôi chỉ muốn về nhà ngủ sớm, sớm thức dậy nấu ăn và thưởng thức mọi thứ một cách yên bình vào ngày cuối tuần mà không vướng bận công việc nào", một nhà thiết kế chia sẻ.
Thành Trương