Nhịn ăn gián đoạn là phương pháp ăn kiêng không chỉ được những người bình thường săn đón mà ngay cả nhiều nhân vật nổi tiếng trên mạng cũng khẳng định "có thể giảm cân nhanh chóng trong thời gian ngắn". Một số sao nữ tiết lộ bí quyết giảm cân của mình trên mạng xã hội là lên lịch ăn uống từ 9h đến 17h chiều. Trong khoảng thời gian này, cô ấy có thể ăn bất cứ thứ gì mình muốn, sau đó bắt đầu nhịn ăn sau 17h cho đến 9h ngày hôm sau.
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn không yêu cầu tính toán nghiêm ngặt lượng calo và carbohydrate hàng ngày, có thể đạt hiệu quả sau 8-12 tuần. Nó gồm các phương pháp phổ biến như: 16/8 (chẳng hạn không ăn bất cứ thứ gì sau bữa tối và bỏ bữa sáng); ăn kiêng 5:2 (ăn uống bình thường đến 5 ngày trong tuần trong khi hạn chế lượng calo của bạn từ 500-600 calo trong hai ngày còn lại trong tuần); ăn uống hạn chế thời gian (nhịn ăn từ bữa tối ngày hôm trước đến bữa tối ngày hôm sau, khoảng thời gian bạn nhịn là 24 giờ).
Trong thời gian bạn nhịn ăn, mức insulin trong cơ thể sẽ giảm đủ lâu để cơ thể "đốt cháy" các tế bào mỡ, giải phóng lượng calo dự trữ trước đó để duy trì nhu cầu hàng ngày, từ đó dẫn đến giảm cân.
Nhưng nhịn ăn gián đoạn có thực sự tốt cho cơ thể?
1. Bớt bữa ăn, giảm tuổi thọ
Tháng 8 năm nay, một nghiên cứu về tác động của nhịn ăn đã được thực hiện với sự tham gia của hơn 24.000 tình nguyện viên. Nhóm nghiên cứu là các nhà khoa học từ Đại học Y khoa Tongji thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong ở Vũ Hán, Trung Quốc cùng Đại học Iowa ở Mỹ cùng phối hợp. Kết quả của cuộc nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of the Academy of Nutrition and Dietetics.
Nghiên cứu chỉ ra so với những người ăn ba bữa một ngày, những tình nguyện viên chỉ ăn một bữa một ngày có tỷ lệ tử vong cao do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch tăng lần lượt là 30 và 83%. Tiếp theo, kết quả nghiên cứu cho thấy trong ba bữa một ngày, bỏ bữa sáng là nguy hiểm nhất.
Trong khi việc nhịn ăn gián đoạn được nhiều người coi là bí quyết giảm cân, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bữa ăn đều đặn rất cần thiết cho người lớn. So với những người ăn ba bữa một ngày, những người chỉ ăn một bữa một ngày có nhiều khả năng tử vong hơn, gặp vấn đề với việc ăn quá nhiều và suy giảm độ nhạy insulin.
2. Nhịn ăn gián đoạn không phải biện pháp ăn kiêng tốt
Dưới lời quảng cáo của những người nổi tiếng trên Internet, nhiều người đã mù quáng làm theo và bắt đầu thử nhịn ăn gián đoạn, nhưng họ không biết tác hại tiềm tàng của điều này.
Liệu những người khỏe mạnh sẽ được hưởng lợi từ việc nhịn ăn gián đoạn? Chưa có nghiên cứu cụ thể về điều này. Với thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú, những người có nhu cầu dinh dưỡng tương đối cao, việc thử nhịn ăn gián đoạn một cách nhẹ nhàng có thể phản tác dụng và có hại cho cơ thể.
Trên lâm sàng, nhịn ăn gián đoạn có thể được sử dụng như một chiến lược giảm cân cho những nhóm người đặc biệt. Điều này được thực hiện với điều kiện có sự hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời phải thực hiện nghiêm ngặt các kiểm tra liên quan để tránh rủi ro cho sức khỏe.
Với các đối tượng: trẻ em đang phát triển, phụ nữ có thai, phụ nữ trong thời kỳ hành kinh, nhẹ cân, người rối loạn tâm thần, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân cao huyết áp, suy thận mãn tính chức năng gan kém, dùng thuốc dài ngày, bệnh gút, suy dinh dưỡng và phù nề, người ốm yếu không nên nhịn ăn gián đoạn.
3. Chế độ ăn bạn nên tham khảo
Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc (2022) đưa ra khái niệm tháp ăn kiêng, chia thành 5 tầng và kết cấu chế độ ăn uống phù hợp với thể chất của người Trung Quốc. Bạn có thể tham khảo về lượng thực phẩm nạp vào mỗi ngày dựa theo tháp này.
Tầng đầu tiên: ngũ cốc và khoai tây
Ngũ cốc và khoai tây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể gồm các vi chất dinh dưỡng đa dạng và chất xơ. Người trưởng thành nên ăn 200-300g ngũ cốc và 50-100g khoai mỗi ngày. Ngũ cốc bao gồm lúa mì, gạo, ngô, miến... và các sản phẩm của chúng, còn khoai bao gồm khoai tây, khoai lang, khoai mỡ...
Tầng thứ hai: rau và trái cây
Rau và trái cây rất giàu chất xơ, vi chất dinh dưỡng và chất phytochemical. Người trưởng thành nên ăn ít nhất 300g rau và 200-350g trái cây mỗi ngày. Rau bao gồm lá, súp lơ, rau củ, đậu tươi, rau thuộc họ cà, hành, tỏi, tảo và rau thủy sinh. Trái cây bao gồm trái cây dạng quả lựu, quả mọng, quả hạch, cam quýt, dưa và trái cây nhiệt đới.
Tầng thứ ba: đạm
Thực phẩm động vật như cá, thịt gia cầm, thịt gia súc, trứng là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, chất béo và vitamin tan trong chất béo... Tổng lượng khuyến cáo hàng ngày cho người lớn là 120-200g. Bạn cố gắng chọn thịt nạc hoặc thịt gia cầm, ăn ít các sản phẩm thịt chế biến sẵn.
Trong số đó, lượng thủy hải sản khuyến nghị hàng ngày như cá, tôm, cua và động vật có vỏ là 40-75g. Lượng trứng khuyến cáo ăn hàng ngày là một quả trứng như trứng vịt, trứng ngỗng, trứng cút, chim bồ câu trứng gà và các sản phẩm chế biến của nó được sử dụng thay thế.
Tầng thứ tư: Sữa, đậu nành và các loại hạt
Sữa, đậu nành, các loại hạt là nguồn cung cấp protein, canxi dồi dào và nhiều chất dinh dưỡng. Bạn nên tiêu thụ 300g sữa và các sản phẩm từ sữa, 25-35g đậu và các loại hạt mỗi ngày. Đậu bao gồm đậu nành, đậu đen, đậu xanh và các sản phẩm của chúng, các loại hạt bao gồm đậu phộng, hạt hướng dương, quả óc chó, hạnh nhân, quả phỉ...
Tầng thứ năm: Dầu ăn và muối
Dầu và muối là những gia vị nấu ăn cần thiết, nhưng lượng ăn vào nên được kiểm soát. Theo khuyến cáo, lượng dầu ăn trung bình hàng ngày cho người trưởng thành không được vượt quá 25-30g và lượng muối ăn vào không quá 5g. Dầu ăn là dầu thực vật bao gồm dầu lạc, dầu đậu nành , dầu hạt cải, dầu hướng dương... Dầu động vật bao gồm mỡ lợn, mỡ động vật khác, bơ... Ngoài việc không ăn quá no, bạn phải thay đổi loại thường xuyên để đáp ứng nhu cầu chất béo.
Muối có liên quan mật thiết đến các bệnh về tim mạch, mạch máu não như cao huyết áp... Ngoài việc ăn ít muối, cũng nên hạn chế các loại gia vị có hàm lượng muối cao như xì dầu, dầu hào.
Một lần nữa, nhịn ăn gián đoạn không phải là điều bạn có thể tùy tiện thử. Thói quen sinh hoạt tốt và ăn đều đặn ba lần một ngày là sự đảm bảo cho một cuộc sống khỏe mạnh. Đừng chạy theo xu hướng mù quáng.
Hằng Trần (Theo Aboluowang)