Tự tay săn bắt, thuần dưỡng gần 300 con voi rừng, ba lần lấy vợ với một đàn con, ở tuổi 80 vẫn cưới một cô vợ ít hơn mình 55 tuổi, "ông tổ" của loại thần dược núi rừng... là những gì mà người đời thường nhắc tới khi nói về huyền thoại vua voi Ama Kông, người đàn ông hào hoa nhất Tây Nguyên.
Trước khi Ama Kông được người đời tôn là “vua voi”, ở Buôn Đôn đã có một “vua voi” thứ thiệt, đó là tù trưởng Y Thu Knul. Giàu có, nổi tiếng nhưng “vua voi” Y Thu Knul lại không có con nên phải nhận hai con gái của người em trai nuôi làm con.
Cô chị - H’Nu lớn lên nổi tiếng xinh đẹp với làn da trắng và chiếc mũi cao. Nhiều người mê đắm H’Nu song cô lại chỉ để ý Y Prung Êban - người đang làm Gru (quản voi) chính trong đám thợ săn của cha mình. Một năm sau đôi trai tài gái sắc có đứa con trai đầu lòng và được đặt tên là Ama Kông. Theo phong tục, cha mẹ thường lấy tên con đầu lòng thay tên mình. Prung Êban mang tên Ama Kông (nghĩa là cha thằng Kông) từ đó.
Nhưng cuộc sống hạnh phúc của họ chỉ kéo dài vỏn vẹn được 8 năm. H’Nu đã qua đời khi sinh đứa con thứ hai do hậu sản. Theo phong tục "nối dây" của người Tây Nguyên, Ama Kông có quyền “bắt” trong số các em gái của vợ một người thay thế. Trong trường hợp này người phải “nối dây” không ai khác ngoài cô em gái H’Hốt. Kém Ama Kông đến 15 tuổi, cuộc tình “nối dây” này khó ai nghĩ là hạnh phúc, thế nhưng thực sự là H’Hốt đã hạnh phúc. Bằng chứng là bà đã sinh cho Ama Kông đến 11 người con.
Năm 1961, một bước ngoặt đến với cuộc đời Ama Kông khi ông tự tay săn được một con voi trắng 2 tuổi. Trước ông, chỉ cha vợ là người có may mắn này. Nhưng cũng chẳng biết tự bao giờ, trong dân gian đã có lời nguyền rằng thứ quý hiếm này chỉ thuộc về vua chúa, người dân thường nếu sử dụng ắt sẽ bị tai họa. Như con voi trắng của cha vợ Ama Kông săn được cũng từng phải đem bán cho vua Xiêm.
Không dám giữ, Ama Kông đem “hiến” voi trắng cho Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm đã hào phóng “ban” cho ông 3 khẩu súng săn và một món tiền rất lớn, đủ để ông mua một con voi đực, một chiếc xe Jeep… Nhưng cũng bởi món“ lộc” này mà Ama Kông bị vướng vào trận đồ tình ái, làm hệ lụy cả một đời ông.
Vào khoảng năm 1973, H’Hốt đang “nằm ổ” với đứa con thứ 11 thì bất ngờ thấy Ama Kông dẫn về một người đàn bà và đứa con gái 6 tuổi. Ông giới thiệu người này tên là H’Biai và xin H’Hốt cho ông cưới làm vợ lẽ.
Máu ghen bùng lên, bà H’Hốt làm ầm ĩ rồi đòi uống thuốc tự tử. Chuyện náo động cả buôn khiến già làng phải tới phân xử. Lẽ ra theo phong tục, tội ngoại tình của Ama Kông phải bị phạt rất nặng nhưng uy tín của “vua voi” đã phần nào giúp ông được đặc cách.
Ngày 3/11, huyền thoại Tây Nguyên đã qua đời tại nhà riêng ở buôn Trí A, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, Đak Lak, ở tuổi 102. |
Ama Kông sang ở hẳn với H’Biai, mang theo con voi đực. Chuyện tai tiếng rồi cũng dần phai nhạt, Ama Kông có tiếp với H’ Biai hai người con gái nữa. Cuộc sống ngỡ êm đềm thì sóng gió lại bắt đầu nổi lên. H’Biai mắc thói nghiện rượu. Thoạt đầu thì chỉ từng cơn rồi suốt ngày kè kè cái chai bên mình. Không hiểu vì cuộc sống vật chất quá đầy đủ hay những lời thị phi luôn ám ảnh bên tai bà nên sinh chứng.
Can ngăn mãi mà vợ vẫn chứng nào tật ấy, Ama Kông biền biệt trong rừng lấy thú săn voi làm niềm vui. Một hôm trong cơn say bất tận, H’Biai làm cháy nhà, phải dắt díu con cái về nhà chị gái tá túc. Mấy năm sau H’Biai chết vì trúng gió sau một cơn say.
Tấn bi kịch cuộc đời khiến Ama Kông đâm ra trầm tư. Nhiều người nghĩ rằng đây sẽ là sự chấm hết của chặng đường phiêu lưu tình ái đẵng đẵng của ông vua voi đa đoan. Nhưng năm 1992, Vườn Quốc gia Yok Đôn được thành lập. Điều này cũng có nghĩa là nghề săn voi không còn nữa. Lúc này vua voi cũng đã 80 tuổi. Con người tiếng tăm lừng lẫy làng voi và cả những chuyện phiêu lưu tình ái ngỡ sẽ bình lặng với những năm tháng cuối đời thì bỗng dưng một “sự biến” lại đến.
Số là bấy giờ Vườn Quốc gia Yok Đôn, tuy có mở tour du lịch nhưng khách đến hãy còn thưa thớt. Giám đốc vườn Hồ Viết Sắc chợt nghĩ đến vua voi Ama Kông. Với tiếng tăm của ông, trong vai trò là một “hướng dẫn viên du lịch”, chắc chắn khách sẽ không cưỡng được sự tò mò…
Đang buồn chán vì không còn những ngày săn voi trong rừng, Ama Kông đồng ý ngay. Nhưng rồi được một thời gian cứ thấy ông bỏ việc luôn, giám đốc gặng hỏi thì ông cứ chối quanh là đi thăm con cháu cho khuây khỏa. Thấy càng ngày ông càng có nhiều biểu hiện “nghi vấn”, giám đốc gặng hỏi tiếp. Biết là không thể giấu mãi được, cuối cùng vua voi phải thú thật là đang yêu và muốn cưới vợ nữa.
Chuyện khó tin được ấy hóa ra là thế này: trong một lần đi chơi bên buôn Trí, ông đã tình cờ làm quen được với một cô gái là H’Khăm Êban rồi bị hút chặt không sao gỡ được nữa. H’Khăm là kết quả của cuộc tình chóng vánh giữa một người đàn bà Ê đê với một anh lính Ma Rốc vào những năm 1967. Cô gái lai này có một vẻ đẹp rừng rực Tây phương lại pha chút mặn mòi hoang dã của sơn nữ.
Trước Ama Kông, H’Khăm đã có mối tình với một chàng trai và có một bé gái 8 tháng tuổi. Mặc mọi lời thị phi, can ngăn, Ama Kông vẫn tổ chức lễ cưới. Ông làm một căn nhà gỗ bên tỉnh lộ 1 rồi đưa mẹ con H”Khăm ra ở cho thuận tiện việc đi về…
Một ông lão quá tuổi 80, đã qua ba đời vợ mà vẫn còn “trụ” được với một người đàn bà mới qua tuổi 25 như H’Khăm thì quả là điều xưa nay chưa từng có. Người xầm xì bởi sự chênh lệch tuổi tác thì ít mà “bí quyết” thì nhiều. Chính ông giám đốc vườn cũng không khỏi tò mò và đã gặng hỏi Ama Kông nhiều lần. Cuối cùng thì vua voi tiết lộ rằng mình có một phương thuốc được ông già truyền cho tên là “T’Klơng Mlêng”, có tác dụng bổ thận tráng dương cực kỳ hiệu nghiệm.
Nghe vậy, ông giám đốc bèn nảy ra sáng kiến là cho phép ông vào rừng lấy thuốc bán, vừa để có thêm thu nhập, vừa để thu hút thêm khách đến thăm vườn. Lời đồn thổi về sự kỳ diệu của thuốc “bổ thận tráng dương” Ama Kông từ đó lan ra như lửa cháy. Khách đến vườn ai cũng cố mua cho được “thuốc Ama Kông” để uống, để làm quà biếu. Thấy vua voi như hốt được tiền, dân cũng đua nhau vào rừng kiếm thuốc bán. “Thuốc Ama Kông” lan tràn khắp mọi đường phố Buôn Ma Thuột, chẳng còn ai biết đâu là thật, đâu là giả…
Cuối năm 1992, trường đại học Y Huế phối hợp với Hội Đông y Đăk Lăk nghiên cứu một số bài thuốc quý của đồng bào dân tộc, trong đó có bài thuốc của Ama Kông. Mặc dù tài liệu chưa được công bố nhưng cũng không mấy ai để ý. Sự thật vua voi với cuộc tình hiển hiện trước mắt với họ là quá đủ để tin rồi…
Trở lại với cuộc tình của vua voi và người đàn bà so le 55 mùa rẫy. Dù có là tiên dược thì cũng không ai chống lại mãi quy luật tuổi tác. Quãng thời gian hãnh diện bên cô vợ trẻ rồi cũng qua đi. Vua voi oai hùng dần dần mắt mờ tay chậm, chỉ còn ở nhà bốc thuốc cho khách.
Đang phơi phới sức xuân, lại tiền vàng đầy túi, H’Khăm đời nào lại chịu quanh quẩn bên Ama Kông. Cô ra phố hát karaoke, uống rượu nhảy nhót, bao hết đám bạn này đến đám bạn khác. Vua voi cắn răng chịu đựng mọi lời thị phi, cố sắm hết thứ này đến thứ khác mong giữ chân cô vợ trẻ ham chơi nhưng mọi sự chiều chuộng đều vô vọng. Không những thế, nhiều lần đi hát về xỉn, H’Khăm còn “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với ông.
Cách nay gần 3 năm, lúc sắp vào cái tuổi 100, ông đã nặng tai gần như điếc và yếu lắm. Mặc dù đã có anh con trai Khăm Phết Lào - người duy nhất được cha truyền nghề, đã tốt nghiệp trung cấp Y học cổ truyền đỡ đần mọi việc nhưng khách đến vẫn muốn được ông bốc thuốc. Người ta tin rằng nếu thuốc tự tay ông bốc thì vẫn hay hơn.
Theo Dân Việt