Mở đầu bằng khung cảnh đô thị sầm uất đang phát triển của Đài Loan, Ẩm thực nam nữ (Eat, Drink, Man, Woman) của đạo diễn Lý An dẫn người xem đến một căn nhà có sân vườn theo kiến trúc cũ. Nơi ấy, bố Chu đang một mình chuẩn bị bữa cơm thịnh soạn đúng điệu truyền thống Trung Hoa. Không đơn thuần là chỗ nấu nướng, làm cơm, căn bếp đã hóa thánh đường nghệ thuật, để ông đầu bếp thâm niên mặc sức sáng tạo cả chục món cao lương mỹ vị. Gà, vịt, cá, heo, tôm, mực đủ cả. Chiên, xào, hấp, chưng không thiếu kiểu nào.
Con cá sôi xèo trong chảo mỡ. Con vịt quay bóng nhẫy. Tô khâu nhục mỡ màng. Những chiếc bánh bao nhân thịt bốc khói. Đôi bàn tay thao tác điệu nghệ. Từng món ăn được chế biến tinh tế. Hòa vào loạt hình ảnh ấy, tiếng nhạc cổ phong rộn ràng như tấu lên niềm hoan hỉ sum họp. Phim không làm rõ tính thời điểm của câu chuyện. Vậy mà vừa vào phim, người ta bỗng liên tưởng đến Tết Nguyên đán hay Trung thu, hai ngày lễ lớn mang ý vị đoàn viên của người châu Á.
Bàn ăn bày biện xong xuôi cũng là lúc gia đình đông đủ. Bữa tối mâm cao cỗ đầy là vậy, nhưng thì ra chỉ có một ông bố với ba cô con gái. Theo dõi cả quá trình dễ dài đến mấy tiếng bố Chu tất bật cơm nước, chẳng khó để ta thấu được tình yêu người cha già trao gửi vào từng món ăn. Vậy nhưng, các cô con gái chẳng mấy mặn mà. Chị cả Gia Trân giữ vẻ mặt khó ở nguyên bữa. Chị hai Gia Thiến gọi đây là "bữa ăn cuối tuần nhàm chán". Cô út Gia Ninh trân trọng tâm sức của bố nhưng cũng không tìm được niềm vui. Họ ăn vài ba miếng, rồi bỏ dở cả bàn ăn tỉ mẩn sắc, hương, vị, hình.
Tựa đề phim Ẩm thực nam nữ vốn là một câu thành ngữ trong tiếng Hoa, ví von chuyện ăn uống với chuyện đàn ông - đàn bà. Theo quan niệm của người xưa, ấy là hai thứ nhu cầu cơ bản nhất của đời sống con người. Tác phẩm kinh điển của đạo diễn Lý An khai thác song hành hai yếu tố này. Phim mượn chuyện ăn uống để phản ánh sự phân rã và gắn kết của gia đình cũng như những ước vọng yêu đương ở mọi lứa tuổi. Đồng thời, văn hóa truyền thống của một gia đình, quốc gia, dân tộc cũng được phản ánh qua mỗi bữa ăn.
Từ đời thực bước vào phim, bữa ăn vốn là khung cảnh hiệu quả để vẽ chân dung con người. Bởi quanh bàn ăn, bản chất mỗi cá thể hay mối quan hệ giữa mọi người đều khó giấu. Nhiều tác phẩm điện ảnh châu Á từng làm tốt điều này như In The Mood For Love của Hong Kong, The Shoplifters của Nhật Bản, Thưa mẹ con đi và Tiệc trăng máu của Việt Nam, Parasite của Hàn Quốc...
Ẩm thực nam nữ có vài bữa ăn gia đình, đều theo phong cách bàn tiệc cung đình hay mâm cỗ ngày cưới. Vấn đề, không khí, cảm xúc gửi gắm trong mỗi bữa ăn khác nhau: Từ xa cách, xung đột, bùng nổ "chiến sự" đến chữa lành. Phim mang kết cấu hô ứng, mở đầu và kết thúc cùng là cảnh ăn uống trong căn nhà cũ, nhưng cảnh tượng, không khí và mối quan hệ giữa những người góp mặt khác hẳn nhau. Có khi cả nhà ngồi chung một bàn ăn nhưng mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, không ai thực sự yêu quý hay mở lòng với nhau, có quây quần nhưng chẳng hề sum họp. Có lúc, bàn ăn vắng lặng nhưng ý vị đoàn viên, gắn kết mới thực sự được tìm thấy.
Thông qua những bữa ăn gia đình - một cảnh trí rất đỗi đời thường và thân thuộc, câu chuyện nhà họ Chu khắc họa muôn hình vạn trạng ý nghĩa của đoàn viên và sum họp. Với đấng sinh thành, đó là niềm mong mỏi. Nhưng với những đứa con, đôi khi đó là gánh nặng.
Khát khao yêu và được yêu cũng được lồng ghép khéo léo vào chuyện bếp núc, ăn uống. Ai cũng vậy, sẽ chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho người mình thật lòng yêu, hết lòng thương. Ba cô con gái dẫu có nhiều điều bất đồng với bố Chu cũng không thể phủ nhận họ giống nhau ở tính cách này.
Gần chạm ngưỡng 40 tuổi, Gia Trân giam mình trong nỗi lo biến thành bà cô già, một mình chăm lo cho cha. Gia Thiến, ở tuổi 30, là người có tư tưởng thoát ly gia đình mạnh nhất, cũng là người có điều kiện tốt nhất để làm việc này. Gia Ninh ngoan như một chú cún, mà cũng tiềm ẩn tâm tính nổi loạn đúng tinh thần YOLO của tuổi đôi mươi.
Kịch bản tập trung vào thế giới tình yêu của ba cô con gái khiến chính họ và khán giả quên mất người đầu hai thứ tóc, gần đất xa trời như bố Chu biết đâu cũng mang trong lòng niềm mong mỏi có người bầu bạn. Hai cú lật (twist) cuối phim khiến mọi thành viên trong gia đình cũng như người xem ngỡ ngàng, nhưng tạo nên cái kết nhân văn, lưu lại nhiều dư vị cảm xúc đẹp.
Ra mắt từ năm 1994 nhưng Ẩm thực nam nữ kể câu chuyện không bao giờ cũ, bởi những vấn đề như vậy về gia đình thời nào cũng có. Cái hay nhất của phim là đạo diễn Lý An giữ thái độ trung dung đối với từng tuyến truyện và nhân vật. Thói quen cơm nhà của cha mẹ đối lập với sở thích đồ ăn nhanh của giới trẻ, quyết định ở cùng bố mẹ hay tách biệt gia đình được đưa vào phim khách quan, đơn thuần để người xem nhận ra tính thực tế và thời sự. Nhà làm phim không phán xét cái nào đúng, cái nào sai, cái nào hay, cái nào dở.
Các cảnh xung đột được làm tiết chế, không lên gân quá căng thẳng cũng không ép nước mắt người xem. Vài ba tiếng cười trào phúng được đưa vào phim nhẹ nhàng, đủ gây cười và châm biếm sâu cay.
Phim từng thắng giải "Phim xuất sắc" tại Liên hoan phim (LHP) Châu Á - Thái Bình Dương 1994, "Tác phẩm xuất sắc" tại Giải thưởng Điện ảnh Đài Bắc 1994, đề cử "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" tại Oscar và Quả cầu vàng 1994. Đến nay, đây vẫn là một trong những cuốn phim gây đói bụng của màn ảnh châu Á.
'Mỗi tuần một phim hay' là chuyên mục mới của Ngôi Sao, cập nhật bài viết mới tại mục Phim lúc 0h thứ 6 hằng tuần. Mỗi bài viết giới thiệu một phim nổi tiếng của Việt Nam hoặc quốc tế với chủ đề đồng nhất trong tháng. Tháng 1/2023, Ngôi Sao trân trọng giới thiệu tới độc giả loạt phim gắn liền với ngày Tết, hợp với không khí lễ hội đầu năm mới.
Phong Kiều