"Mọi năm chúng tôi đều đặt bánh trung thu biếu đối tác nhưng năm nay chúng tôi chuyển sang hình thức biếu các mặt hàng thiết yếu, vừa có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh, vừa dễ giao nhận", chị Thúy, quản lý một đơn vị truyền thông tại quận 3, cho biết.
Tương tự, chị Hoa, ở phường 13, quận Tân Bình cho biết gia đình chị cũng không đặt bánh trung thu trong mùa này do phải thắt chặt chi tiêu trong mùa dịch khi chị thất nghiệp hơn 3 tháng, còn thu nhập của chồng cũng giảm 30% so với trước dịch. Bên cạnh đó phí ship cao cũng khiến chị Hoa đắn đo và quyết định không mua mặt hàng này. Trên mạng xã hội, nhiều người cũng chia sẻ việc ngại đặt bánh trung thu trong mùa dịch do không phải hàng thiết yếu.
Chia sẻ với Ngoisao.net, bà Trần Thị Hồng Ngân, đại diện thương hiệu bánh trung thu Hội An Moon Cake cho biết phần lớn khách hàng của thương hiệu là các khối doanh nghiệp, tổ chức. Những năm trước, các đơn vị này thường đặt bánh từ sớm để tặng cho khách hàng, nhân viên nhưng năm nay lượng đơn đặt hàng từ nhóm khách này giảm đáng kể.
"Nhiều công ty chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, buộc phải cắt giảm quỹ quà bánh khiến lượng đơn hàng sụt giảm mạnh. Năm nay số lượng bánh xuất xưởng của chúng tôi cũng giảm gần một nửa so với năm ngoái", bà Ngân nói.

Bánh trung thu của một thương hiệu tại TPHCM. Ảnh: Hội An Moon Cake.
Đối với khách hàng cá nhân, bà Ngân cho biết nhu cầu vẫn không giảm nhiều so với năm ngoái. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội khiến thương hiệu này không thể giao bánh tới các địa phương ngoài TP HCM. Ngay cả khâu vận chuyển trong nội thành TP HCM, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển tăng 1,5 đến 2 lần so với trước dịch.
"Giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao hơn so với năm trước nên giá bánh trung thu của công ty bán ra thị trường cũng tăng nhẹ, khoảng 10.000 đến 15.000 đồng mỗi chiếc", bà Ngân chia sẻ.
Để thúc đẩy doanh số trong thời điểm dịch bệnh, bà Ngân cho biết thương hiệu này đã tập trung vào các kênh bán hàng online. Hiện lượng bánh bán ra của công ty sắp hết vì số lượng sản xuất năm nay đã cắt giảm khoảng một nửa so với năm ngoái.
Trong khi một số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng để bảo vệ thương hiệu thì một số khác không sản xuất khi nhu cầu thị trường giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bà Đoàn Thị Anh Thư, CEO Vua Cua, cho biết năm nay thương hiệu này không ra mắt bộ sưu tập bánh trung thu như mọi năm bởi nhu cầu giảm mạnh. Bà cho biết bánh trung thu của công ty chủ yếu được khách hàng mua để làm quà tặng, nhưng nhu cầu này hầu như không còn trong bối cảnh dịch bệnh, nên dừng kế hoạch sản xuất.
Trước đó, các thương hiệu bánh trung thu lớn như ABC Bakery, Kido thông báo ngừng sản xuất bánh trung thu trong năm nay do dự báo sức mua giảm, kênh phân phối gặp khó, trong khi chi phí sản xuất bị đẩy lên cao.
Tương tự, thị trường bánh trung thu handmade cũng khá ảm đạm. Các cơ sở kinh doanh bánh trung thu handmade chật vật, tìm cách xoay xở trong bối cảnh dịch bệnh. Chị Tâm, chủ một cửa hàng bánh trung thu handmade tại phường 10, quận Gò Vấp cho biết năm nay lượng bánh bán ra sụt giảm một nửa so với năm ngoái.
"Khó khăn lớn nhất vẫn là đầu ra. Dù giá nguyên vật liệu tăng cao, chúng tôi không tăng giá bán đáng kể so với năm ngoái, tuy nhiên lượng khách hàng vẫn sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu do bánh trung thu không phải mặt hàng thiết yếu, trong bối cảnh nhiều người gặp khó khăn về tài chính do dịch bệnh", chị Tâm chia sẻ.
Theo khảo sát của Ngoisao.net, dù chi phí đầu vào tăng cao, hầu hết doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu đều duy trì giá bán tương đương với năm ngoái. Cụ thể, mức giá bánh trung bình dao động từ 40.000 - 80.000 đồng/chiếc, các dòng bánh cao cấp dao động từ 250.000 - 750.000 đồng/chiếc. Để thúc đẩy doanh số bán hàng, hầu hết các thương hiệu đều sử dụng kênh online, đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử, các ứng dụng giao hàng hay các nhóm mua bán online để tiêu thụ sản phẩm. Dù vậy, không nhiều người mua quan tâm tới mặt hàng này.
Sơn Nam