Thập niên đầu những năm 90, gas được xem là nguồn chất đốt xa xỉ và chỉ có mặt trong gian bếp những gia đình giàu có. Thời đó, các loại bình gas nhập trôi nổi qua đường biên gần như một mình một chợ chi phối giá gas tại các đô thị lớn.
Phải đến năm 1994-1995, thị trường gas Việt Nam mới thật sự phát triển với sự xuất hiện của hàng loạt công ty: Elf gas, Saigon Petro, VT gas, Petrolimex, Shell, Thăng Long, Đại Hải, Total… Cùng với cơn lốc ra đời các công ty gas, giá gas ngày càng rẻ hơn, giá bán liên tục hạ từ 15.000 đồng còn 12.000 đồng, 10.000 đồng và chỉ còn 8.000 đồng/kg năm 2002.
Nhờ vậy, số hộ gia đình sử dụng gas tăng nhanh với tốc độ 15-20% mỗi năm. Chưa kể, một cuộc cách mạng về sử dụng nguyên liệu sạch trong ngành công nghiệp cũng khởi động.
Thị trường gas “nở nồi” kéo theo sự bùng nổ nhu cầu tiêu thụ gas. Nếu năm 1999, nhu cầu tiêu thụ của cả nước xấp xỉ 300.000 tấn/năm, thì 6 năm sau, con số này đã là 900.000 tấn/năm. Trong khi đó, Nhà máy Dinh Cố vận hành hết công suất cũng chỉ đáp ứng 320.000 tấn/năm.
Gần 600.000 tấn gas đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng năm hoàn toàn lệ thuộc vào gas nhập khẩu. Nếu công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn tất, thì cũng phải đến năm 2009, chúng ta mới có thêm mỗi năm 250.000 tấn gas.
Nhưng với đà tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ gas 10-15%/năm thì từ năm 2009 đổ đi, lượng gas nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 700.000-800.000 tấn/năm. Một sự lệ thuộc không nhỏ. Vì vậy, dễ hiểu vì sao khi thị trường gas thế giới nóng, lạnh thất thường, thị trường gas nội địa cũng biến động theo.
Cả nguồn và giá đều bấp bênh
Chỉ lấy mốc 9 tháng đầu năm, thị trường gas VN đã 12 lần điều chỉnh giá. Đỉnh điểm phải kể đến tháng 8, giá gas lên mức cao nhất trong hàng chục năm qua, gần 16.000 đồng/kg.
Cơn sốt nhảy múa của giá gas kéo dài liên tục 8 tháng trước khi hạ nhiệt nhanh chóng trong tháng 9 và 10, khiến không ít công ty kinh doanh gas trở tay không kịp, chịu lỗ hàng tỷ đồng.
Độ an toàn trong kinh doanh ngày càng thấp, bởi lẽ các công ty trong nước không chủ động bắt kịp nhịp của thị trường gas thế giới. Thiệt hại nhiều nhất vẫn là người tiêu thụ, các nhà máy sản xuất sử dụng nguồn năng lượng sạch này cũng lao đao vì giá gas tăng chóng mặt kéo giá thành, chi phí ngày càng cao.
Đầu năm nay, giới kinh doanh gas VN đứng trước nỗi lo mới. Lâu nay, Thái Lan là nguồn cung ứng gas chính cho thị trường VN, nhưng từ đầu năm 2006, Chính phủ Thái triển khai chương trình an ninh năng lượng quốc gia, hạn chế xuất khẩu gas.
Khi nguồn gas khan hiếm, các nhà nhập khẩu phải xoay xở đủ nơi từ Singapore, Trung Quốc, Mã Lai. Khó khăn này cộng với tập quán kinh doanh chụp giựt, mạnh ai nấy làm, không định hướng cũng không chia sẻ thông tin, nên không ít công ty bị ép giá, làm giá. Mạnh ai nấy nhập khẩu nên thị trường gas có lúc xuất hiện hiện tượng nhập khẩu thừa, cung lớn hơn cầu, phải thi nhau giảm giá, thi nhau… lỗ!
10 năm phát triển, thị trường hiện có đến 60 công ty kinh doanh gas nhưng chưa tới 10% đơn vị có kho chứa gas. Thiếu bàn tay định hướng, quy hoạch của cơ quan quản lý nên kho chứa mọc đủ nơi, muốn mọc ở đâu thì… mọc. Điều đáng lo là, trong khi các nước đã tiến dần đến bước quy hoạch kho, định hướng nguồn, thực hiện dự trữ gas như dự trữ xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thì chúng ta vẫn để mặc cho các DN tự bươn chải.
Các cơ quan quản lý chỉ làm mỗi việc là cấp phép kinh doanh và thu thuế. Bởi thế sẽ giật mình nếu biết rằng toàn bộ các kho chứa gas của chúng ta hiện nay (nếu chẳng may có sự cố về nguồn cung ứng trong khu vực), chỉ có thể cầm cự cung ứng cho thị trường nguồn dự trữ không quá 1 tuần. Con số này ở Trung Quốc là 60 ngày!
Giữa thời kỳ nguồn nhiên liệu thế giới liên tục biến động, khi thị trường nhiên liệu VN còn lệ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, cách quản lý bỏ ngỏ thị trường gas nội địa như hiện nay quá phiêu lưu và tiềm ẩn nhiều bất ổn.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng )