A Tourist's Guide to Love (Hành trình tình yêu của một du khách) xoay quanh Amanda (Rachael Leigh Cook) - giám đốc điều hành của một công ty du lịch, với công việc thuận lợi và cuộc sống tình cảm hạnh phúc. Một ngày, thế giới của cô như sụp đổ khi hay tin người yêu sẽ chuyển công tác đến một tiểu bang khác, buộc hai người xa nhau. Amanda quyết định đến Việt Nam, giả làm du khách để tiến hành mối làm ăn cho công ty, đồng thời xoa dịu vết thương lòng.
Tại đây, Amanda gặp hướng dẫn viên của cô là Sinh (Scott Ly) và em gái Sinh - Anh (Quinn Trúc Trần). Họ cùng những vị khách khác thực hiện một chuyến đi xuyên Việt. Dọc con đường khám phá các địa danh, Amanda mở lòng hơn và thêm cảm mến Sinh. Khi hành trình dần kết thúc, cô bị đặt vào thế khó vì phải lựa chọn giữa cảm xúc cá nhân và tiết lộ bí mật về mục đích thực sự của chuyến đi này.
Câu chuyện trong A Tourist's Guide to Love mang nhiều nét tương đồng với Eat, Pray, Love, khi cùng kể về một phụ nữ rời bỏ nước Mỹ, khám phá thế giới sau nhiều tổn thương, tìm lại bản ngã và niềm tin cuộc sống từ các nền văn hóa khác. Trong khi bộ phim do Julia Roberts đóng chính lấy bối cảnh ba đất nước Italy, Ấn Độ và Indonesia, A Tourist's Guide to Love chọn nhiều tỉnh thành của Việt Nam làm nền câu chuyện.
Xuyên suốt tác phẩm, cảnh quan Việt Nam hiện lên phong phú: Từ đô thị sầm uất của TP Hồ Chí Minh đến khu phố cổ Hà Nội, từ nét xưa cũ của Hội An đến khung cảnh thiên nhiên trong lành của Hà Giang. Dù cách khai thác nét đặc trưng và góc quay không mới lạ, bộ phim vẫn thành công trong việc truyền tải tinh thần từng vùng miền trên màn ảnh rộng.
A Tourist's Guide to Love lồng ghép nhiều phong tục đặc trưng của Việt Nam như gói bánh chưng, mâm cỗ ngày Tết, đồng thời đan cài các nét văn hóa mang tính bản địa của từng địa phương như mặc cả khi mua sắm, thả hoa đăng trên sông tại Hội An. Bộ phim cũng cho thấy nỗ lực khi khai thác những góc nhìn mới về Việt Nam, bên cạnh chiến tranh và các địa danh quen thuộc. Ở một phân đoạn, các nhân vật quyết định lựa chọn tham quan Thánh Địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam, thay vì đến Cầu Vàng nổi tiếng của Đà Nẵng.
Kết nối giữa người ngoại quốc và văn hóa Việt Nam tạo được nhiều sự thú vị. Hình ảnh khách Tây mặc áo dài, hào hứng trước những món đồ lưu niệm, bập bẹ nói tiếng Việt, lóng ngóng ngồi bệt, cầm đũa ăn cơm hiện lên duyên dáng. Ngoài ra, tác phẩm còn sử dụng câu chuyện băng qua đường giữa dòng xe tấp nập như ẩn ý cho việc vượt qua thử thách cuộc sống và rào cản bản thân để đi đến hạnh phúc.
Giữ vai trò cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, Scott Ly mang đến hình ảnh người đàn ông Việt Nam điển trai, ôn hòa và chân thành khi hóa thân vai Sinh. Tuy nhiên, nam diễn viên Việt kiều còn gặp nhiều hạn chế trong cách thoại và truyền tải cảm xúc. Lối thoại của anh cứng, trong khi lời thoại thiếu tự nhiên. Đóng cùng Scott, nữ diễn viên Quinn Trúc Trần nhập vai tự nhiên hơn.
Điểm sáng nhất về diễn xuất trong A Tourist's Guide to Love là NSƯT Lê Thiện. "Bà nội quốc dân" thể hiện khả năng biến hóa cảm xúc khéo léo của một diễn viên thuộc hàng lão làng, thông qua cách bà săm soi cô gái Tây khi vừa gặp mặt, hờn dỗi khi cháu trai lâu ngày không về, yêu chiều cháu gái cưng và lúng túng khi trò chuyện cùng khách ngoại quốc. Mang hình ảnh người bà Việt Nam lên thước phim quốc tế, NSƯT Lê Thiện khắc họa sự cởi mở trong tư tưởng qua cách suy nghĩ, đồng thời vẫn giữ vẻ truyền thống qua phong thái, dáng bộ và cách thể hiện lễ nghĩa.
Tuy nhiên, nhân vật của bà lộ sự vô lý vì sinh sống ở Tây Bắc nhưng nói giọng Nam. Ngoài ra, bộ phim cũng thiếu chuẩn xác trong việc thể hiện thời tiết Việt Nam và cách trò chuyện của người Việt. Điển hình như hai anh em Sinh và Anh là người Việt nhưng nói chuyện với nhau chủ yếu bằng tiếng Anh. Đối thoại giữa các nhân vật vẫn thiên về văn viết hơn văn nói. Trả lời về vấn đề này, êkíp làm phim mong muốn người xem cảm nhận câu chuyện và cảm xúc của tác phẩm hơn là những điều vô lý về bối cảnh.
A Tourist's Guide to Love mang câu chuyện điển hình của dòng phim rom-com (tình cảm - hài), song cách thực hiện và phát triển câu chuyện thiếu đột phá. Lý do nữ chính quyết định tham gia chuyến đi, cách hai nhân vật gặp nhau, phát sinh tình cảm đến tình huống kết thúc phim đầy khuôn sáo. Đường dây phát triển tâm lý nhân vật dễ đoán, khiến toàn bộ tác phẩm thiếu sức nặng và nhạt nhòa.
Bộ phim cũng không làm rõ nhiều vấn đề nền tảng do chính tác phẩm đặt ra. Cách các nhân vật thể hiện sự khác biệt giữa "tourist" (du khách) và "traveler" (người du lịch) còn lòng vòng, chưa làm nổi bật quan điểm. Xuyên suốt A Tourist's Guide to Love, nhiều ca khúc Việt Nam đương thời được lồng ghép, cho thấy sự dày công nghiên cứu của đạo diễn về văn hóa nghe nhạc của giới trẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều bản nhạc không phù hợp với bối cảnh. Việc đan xen giữa nhạc quốc tế và nhạc Việt đôi lúc tạo cảm giác lạm dụng âm nhạc. Ngoài ra, câu chuyện tại các tỉnh thành Việt Nam còn thiếu tính liên kết, tạo cảm giác liệt kê tình tiết, khiến tổng thể phim thiếu hài hòa.
Đỗ Hoàng