Từ trước khi đạt danh hiệu Á hậu Việt Nam 2018, Thúy An đã rất đam mê du lịch, luôn bắt kịp xu hướng, check in kịp thời ở những địa danh đang hot. Thời gian gần đây, dù bận rộn với lịch làm việc và chuẩn bị cho cuộc thi Miss Intercontinental 2019, nàng Á hậu vẫn dành thời gian cho chuyến du lịch Trung Quốc - một trong những địa điểm yêu thích của mình. Thúy An gọi chuyến đi của mình là "về thăm quê". Cô nàng hào hứng xuống phố, tham quan nhiều địa danh kinh điển trong phim ảnh như bến Thượng Hải - nơi có những công trình cổ kính, mang phong cách châu Âu cổ điển. Những tòa nhà này được bảo tồn nguyên vẹn với kiến trúc hồi đầu thế kỷ, thêm vào đó là hệ thống chiếu sáng đặc biệt, giúp nơi đây trở thành điểm check in nổi tiếng với bất kỳ du khách nào khi đến Thượng Hải. Cách không xa bến Thượng Hải là phố Nam Kinh - "đại lộ Champs Elysees" của Trung Quốc với vô vàn cửa hàng từ bình dân đến cao cấp. Con đường này hiện được quy hoạch là phố đi bộ dành cho du khách tham quan, mua sắm. Để tái hiện nhịp sống của thành phố những năm 1930, người ta còn vận hành một tuyến tàu điện dành riêng cho du lịch, chạy dọc theo con phố và reo chuông leng keng. Thúy An không quên check in ở tháp đồng hồ đặc trưng nhất trên con phố này. Chọn thời điểm đến Trung Quốc ngay sau dịp "tuần lễ vàng" - kỳ nghỉ quốc khánh của nước này - nên Thúy An may mắn không phải đối mặt với quá đông khách du lịch như tưởng tượng. Cô nàng thảnh thơi ngắm ánh chiều tà trên cây cầu đá cổ ở cổ trấn Chu Gia Giác, ngoại thành Thượng Hải. Chu Gia Giác được ví như Venice phương Đông, là một thị trấn nhỏ có hình dáng như chiếc quạt gấp, được xây dựng cách đây 1.700 năm. Khác với phần lớn các thủy trấn ở vùng Giang Nam xưa chỉ được bao quanh bởi các kênh đào nhỏ, Chu Gia Giác nằm trên dòng sông Tào Cảng kéo dài qua 9 con phố. Thị trấn có tới hàng nghìn ngôi nhà được xây dựng từ thời Minh - Thanh và được bảo tồn phục vụ du lịch. "Đặc sản" của vùng Hàng Châu - Tô Châu (xưa kia là vùng Giang Nam) chính là những cây cầu đá cổ. Chu Gia Giác có tới 36 cây cầu vòm đá bắc qua sông, trong số đó, cây cầu lớn nhất và cổ nhất mang tên Phóng Sinh - biểu tượng của cổ trấn - được xây dựng từ năm 1571. Điểm đến tiếp theo của hành trình chính là thành phố Hàng Châu thơ mộng với danh thắng Tây Hồ đẹp như tranh. Thúy An "thả dáng" dưới ánh hoàng hôn lung linh và có những phút giây thư giãn thoải mái. Cô chia sẻ: "An nhiên nhất trong cuộc đời là được đi những nơi mình thích, làm được những điều mình muốn. Chỉ mong luôn được bình yên thế này". Rời Hàng Châu, Thúy An tiếp tục hành trình đến với thành phố Tô Châu xinh đẹp, cách đó hơn 150 km. Thông thường, du khách có thể đi ôtô hoặc ngồi tàu cao tốc khoảng một giờ. Nếu như ở Thượng Hải, bạn chỉ có thể đến Chu Gia Giác thì khi tới Tô Châu, du khách sẽ lạc giữa vô vàn thủy trấn cổ, đan xen với hệ thống kênh đào chằng chịt. Hai bên bờ là những dãy nhà rêu phong như bước ra từ trong phim cổ trang. Thúy An thích nhất trải nghiệm ngồi thuyền lênh đênh trên dòng nước xanh mát, tận hưởng không khí trong lành buổi sớm. Nàng Á hậu ghé qua Tô Châu lâm viên - một kiểu kiến trúc nhà vườn điển hình ở vùng Giang Nam, đồng thời cũng được công nhận là Di sản thế giới của UNESCO từ năm 1997. Hiện ở Tô Châu có khoảng 200 lâm viên, trong đó 69 vườn được bảo tồn hoàn chỉnh, 19 vườn mở cửa đón khách như Sư tử lâm viên, Chuyến chính viên, Thoái tư viên, Lưu viên, Hoàn Tú sơn trang... Các lâm viên này có diện tích nhỏ nhưng bố cục được sắp xếp đặc biệt, hài hòa từ cây cối, hòn non bộ, hành lang, trà lầu, chòi canh... tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình, cổ kính, lãng mạn nhưng không quá khoa trương. Thay vì đến Châu Trang hay Thất Bảo như phần đông khách du lịch Việt, Thúy An tìm tới cổ trấn Đồng Lý, huyện Ngô Giang, cách trung tâm Tô Châu khoảng 30 km. Nơi đây vẫn giữ được nét bình dị qua hàng nghìn năm. Hai bên bờ là những quán cà phê, nhà trọ, cửa hàng cho thuê đồ cổ trang... cho du khách. Ở Đồng Lý, Thúy An không phải đối mặt với tình trạng quá tải khách du lịch mà có thể tự nhiên thả dáng trên con đường lát gạch không một bóng người. Người dân nơi đây một phần mở cửa hàng cho khách du lịch, một phần khác vẫn giữ nếp sống ngày thường. Câu cầu đá cùng vọng lầu in hình trên mặt nước ở Đồng Lý. Khách du lịch nào tới đây cũng muốn chụp bằng được tấm hình check in kinh điển này. Hà Nguyên