Khánh Linh, 21 tuổi, vừa đi học vừa kinh doanh quần áo online tại Hà Nội. Mỗi tháng thu nhập khoảng 15-18 triệu đồng, trừ các khoản, Linh tiết kiệm được khoảng 90 triệu đồng trong năm 2017. Mới đây, Khánh Linh dành 40 triệu đồng chi tiêu việc cá nhân, gửi biếu bố 20 triệu đồng nên 9X còn khoảng 30 triệu đồng sắm Tết. Cô lên danh sách chi tiết các khoản chi, tổng hết 25,9 triệu đồng.
Cụ thể, Linh dành khoảng 8,2 triệu đồng làm đẹp: Làm móng - 500 nghìn đồng, nối mi - 250 nghìn đồng, uốn và nhuộm tóc - 4,5 triệu đồng, mua quần áo - 3 triệu đồng. 9X sử dụng loại sơn móng có xuất xứ Mỹ, nối móng và đính đá nên có giá nhỉnh hơn so với thị trường. Khánh Linh chia sẻ, số tiền hơn 4,5 triệu đồng chi cho việc làm tóc không phải quá cao vì cô lựa chọn tiệm làm tóc có tiếng tại Hà Nội. Ba triệu đồng sắm được một chiếc khoác đẹp, 2-3 chiếc áo len và chân váy.
Khánh Linh hiện sống cùng bố và bà nội. Là con cả trong nhà nên cô phụ trách việc mua bánh kẹo mang biếu và trang trí bàn thờ ngày Tết. Linh mua ba thùng bánh nhân sữa chua, ba túi lương khô, tổng chi phí khoảng 830 nghìn đồng. Mứt Tết, bánh kẹo, thạch, hạt dưa, hạt bí... được cô chi bằng số tiền hơn một triệu đồng còn lại. 9X tâm sự, cô thích mua bánh kẹo từ nội thành mang về vì nhiều loại ở quê Linh, huyện Chương Mỹ, không có.
Trước Tết, Khánh Linh biếu bố 20 triệu đồng sắm đồ nên cô chỉ mừng tuổi bà nội và các em. Linh có hai em ruột, 5 em họ gần và khá đông em họ xa.
Tự nhận mình là người hậu đậu, Khánh Linh hay làm hỏng điện thoại. Tết này, cô dành khoảng 10 triệu đồng sắm cho mình chiếc Iphone 6 và mua một chiếc Iphone 5 tặng bà. Dù có thu nhập cao nhưng Linh không mua điện thoại đắt tiền vì không biết giữ gìn. Khánh Linh đã thay 4 chiếc điện thoại trong năm vừa qua.
Vừa đi học, vừa kinh doanh nên Khánh Linh không có nhiều thời gian đi chơi. Tết này, cô dự định chỉ ở nhà đến mùng ba, sau đó sang Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên và Lạng Sơn thăm bạn bè. Chi phí Linh dành cho việc đi lại khoảng 2-3 triệu đồng. Quà chúc Tết gia đình người yêu và các bạn được tính trong số tiền hai triệu đồng mua bánh kẹo.
Khi chia sẻ bảng kê chi phí tiêu Tết của mình trên mạng xã hội, Khánh Linh gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng cô chưa biết cân bằng các khoản chi, lãng phí vào việc mua sắm, làm đẹp.
Phạm Tuyết, làm việc tại một công ty du lịch ở Hà Nội, có mức lương không cao nên dự định chi khoảng 7 triệu đồng tiêu Tết. Tuyết dành 4,4 triệu đồng mừng tuổi ông bà, bố mẹ và các em; mua bánh kẹo, thực phẩm khoảng 1,5 triệu đồng; mua quà biếu gia đình bạn trai, đi lễ chùa, liên hoan khoảng một triệu đồng. Cô gái 26 tuổi cho rằng, việc mua sắm quần áo Tết là không cần thiết, bởi ra giêng, trời bắt đầu nóng, quần áo ấm sẽ không dùng được. Trước đó, Tuyết đã tranh thủ làm tóc và móng để không cập rập những ngày giáp Tết.
Chung quan điểm với Phạm Tuyết, Đào Khuê Anh, 27 tuổi, ở Diễn Châu Nghệ An chia sẻ: Khoản chi cho việc làm tóc, móng và mua quần áo nên gói gọn trong 2-3 triệu đồng. Số con lại có thể dùng mua cây đào, giò chả, đồ trang trí Tết. Khuê Anh cho biết thêm, cô được thưởng khoảng 20 triệu đồng dịp Tết nguyên đán nhưng dự kiến chỉ dành 5-7 triệu đồng tiêu Tết.
Quan niệm Tết là dịp cả năm có một, Thục Quyên ở Ba Đình, Hà Nội ủng hộ việc Khánh Linh chi tiêu cho bản thân, làm mới diện mạo đón Tết. Theo Quyên, giá làm móng 500 nghìn đồng ở Hà Nội là bình thường, số tiền 4,5 triệu đồng để nối tóc cũng không phải "nổ".
"Với thu nhập 15-18 triệu đồng như Khánh Linh thì việc chi tiêu Tết hết 26 triệu và dành gần 10 triệu đồng làm đẹp là hợp lý", Thục Quyên chia sẻ.
Lam Trà