Vũ Hà Anh
Hôm nay tôi sẽ không viết về những uỷ mị tình yêu, cũng không khuyên bảo phụ nữ cách tán trai, lại càng không đi lo chuyện bao đồng kiểu như cưới xin này nọ. Hôm nay tôi sẽ viết về nhưng điều cơ bản, nhìn thì có vẻ hiển hiện ra đó, mà chúng ta, trong đó có tôi, cũng đã từng hoặc đôi lúc mắc phải. Những "bí kíp" mà tôi tự nghiệm ra cho chính mình (đôi khi phải đánh đổi bằng kinh nghiệm sương máu) trong suốt quãng thời gian học tập, làm việc, xây dựng sư nghiệp và dần dần đạt được những thành công nhất định của mình.
Facebook của tôi có rất nhiều người trẻ, thông minh, tài giỏi. Bài viết này dành cho mọi người, đặc biệt những bạn sinh viên, bạn trẻ đang chuẩn bị và mới đi làm.
Để thành công, hãy đừng thất bại! Và để đừng thất bại, nhất định nói KHÔNG với những điều sau đây:
Lười biếng
Tôi rất ghét sự lười biếng. Và sự lười biếng thực sự là một "dịch bệnh" dễ lây lan mà chúng ta ai cũng có thể mắc phải. Lười biếng làm chúng ta không bao giờ muốn động chân tay hay động não làm điều gì. Việc khó lại càng không bao giờ. Và rồi chúng ta đổ lỗi cho việc đầu tóc áo quần xộc xệch của chúng ta là không có thời gian, rằng ý tưởng sáng tạo không có là do điều kiện không cho phép, công việc không thăng tiến là do sếp không ưa bạn, những dự án mới bạn không làm là do sức khoẻ không cho phép... Nhưng thực sự, tóm lại là chúng ta lười. Chúng ta lười và chúng ta tạo ra cho mình những lý do biện hộ cho sự lười biếng của mình.
Thỉnh thoảng, mỗi khi mắc cái bệnh lười này tôi phải chấn chỉnh lại bản thân mình ngay. Điều quan trọng nhất là mình phải thành thực với bản thân mình chứ đừng tự lừa dối bản thân và tin vào những lý do cáo lỗi đó. Hãy tập nói: "Tôi không có lý do chính đáng nào để bào chữa cho việc này, thực sự rằng tôi có thể và cần phải cố gắng hơn". Và đừng chần chừ gì nữa, hãy hành động!
Đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh
Chúng ta không nhận trách nhiệm vì nhiều lý do: sợ mất mặt, sợ bị chê cười, sợ bị sếp la... và đôi khi chỉ vì bướng bỉnh không bao giờ muốn nhận là mình sai lầm. Vì thế ta luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác... Ví dụ như ta chưa hoàn thành công việc là tại vì cái máy tính giở trò, hay ta đi muộn là do đường kẹt xe... Ít ai tự nhận ra rằng nếu mình biết lường trước những yếu tố rủi ro để đi sớm hơn, làm việc có kế hoạch hơn, cẩn thận hơn... thì sẽ không dẫn đến hậu quả này.
Hãy tập cho mình thói quen nhận sai khi đó là trách nhiệm của mình để vui vẻ sửa chữa. Con người chỉ có thể đi lên khi chúng ta chủ động làm cho mình tốt hơn chứ không phải đỗ lỗi cho hoàn cảnh.
'Tưởng'
Đừng bao giờ nói chữ "Tưởng" hay "Nghĩ". Thay vì đó bạn có "Biết" hay không. Bạn lên Đại sứ quán để nộp giấy tờ xin visa chẳng hạn, nếu bạn không theo đúng những quy định cụ thể của người ta đưa ra mà lấy lý do "tưởng không cần", chắc chắn bạn sẽ bị đánh trượt.
Bạn đi làm cho các công ty nước ngoài, nếu bạn không đọc kỹ nội dung về công việc mà trả lời "em nghĩ là", "chắc là"... dựa theo suy đoán của mình thế nào cũng bị chê trách và đánh giá thấp.
Luôn BIẾT, có nghĩa là luôn đọc kỹ, làm đúng nguyên tắc, kiểm tra hai lần, ba lần để biết thông tin có chính xác hay không. Đừng tạo cơ hội cho sự "tưởng" - đồng nghĩa là tạo cơ hội cho sự rủi ro. Nếu không biết, hãy nói không biết hoặc nói bạn sẽ kiểm tra lại thông tin. Đừng vì xấu hổ mà lấp liếm bằng những phỏng đoán của họ, hậu quả có thể sẽ nghiêm trọng hơn cần thiết. Các cụ đã dạy: "Sai một ly, đi một dặm" cấm có sai!
Chủ quan
Trong mọi công việc tôi không bao giờ cho phép mình chủ quan hay ỷ lại người khác. Luôn "cẩn tắc vô áy náy" - kiểm tra lại các công đoạn công việc để biết chắc người ABC ở công đoạn nào đó làm đúng theo yêu cầu của mình hay chưa. Công việc của bạn, ngoài bạn ra, người khác không thể nào có sự quan tâm chu đáo đến nó như chính bạn. Và hãy nhớ, khi mọi việc hỏng bét, bạn sẽ là người bị đánh giá chứ không phải là ai khác, lại càng chẳng ai quan tâm đến việc anh thợ quên không làm công đoạn gì, cô thư ký quên không copy file ra sao. Bạn, chính là bạn, bởi vậy hãy chỉ luôn làm chủ công việc chứ đừng chủ quan mà "khoán" cho người khác để hết trách nhiệm.
Ẩu
Rất nhiều người chúng ta làm việc ẩu, làm cho nhanh, cho qua, làm lấy lệ, làm tàm tạm vì nghĩ vậy là được rồi. Điều này là do chúng ta chủ quan, lười và có tiêu chuẩn thấp cho các công việc mình làm. Đối với tôi, tôi luôn cầu toàn với mọi thứ mình làm, cầu toàn từ một chữ chưa phù hợp trong thiết kế bìa đĩa, cho một bối cảnh hay thậm chí một chi tiết nhỏ khi quay MV, cho một vai trò mà tôi tham gia...
Bởi vì sao? Tôi cho rằng, bằng cách đưa ra một sản phẩm hoàn hảo (tiến tới sự hoàn thiện cao nhất) chứng tỏ mình tôn trọng người đón nhận nó, và tôi có thể tự hào, kiêu hãnh đối với những gì mình làm ra. Đừng làm nếu như bạn chỉ làm qua loa! Cuộc sống là vậy, muốn mình có ý nghĩa với nó, hãy làm tốt nhất những gì mình có thể.
Than thân trách phận
Tôi sợ nhất những người than thân trách phận, nào là thiếu may mắn, nào là bị kẻ xấu hãm hại, rồi bị lừa, rồi sức khoẻ yếu... Phải, có thể chúng ta có những vấn đề riêng của chính mình nhưng ai trong chúng ta cũng đều có những điều thiếu may mắn ở các khía cạnh khác nhau. Tuyệt đối đừng bi quan, đừng lúc nào cũng đóng vai trò nạn nân, oán ghét cuộc đời, oán trách mọi người...
Muốn sống tốt, hạnh phúc và thành công, chúng ta phải biết vượt lên trên số mệnh hay hoàn cảnh khó khăn chứ không phải ủ dột và đổ lỗi.
Hãy đọc kỹ - lắng nghe - suy nghĩ và hiểu thấu đáo
Đừng bao giờ nghe loáng thoáng rồi dạ dạ vâng vâng cho qua. Hãy thực sự tập trung lắng nghe và chịu khó động não hiểu vấn đề. Nếu chưa hiểu, hãy hỏi lại cho đến khi hiểu mới thôi đừng ngại. Nhiều thiếu sót của chúng ta do ẩu, không chịu khó lắng nghe. Các sếp khi giao việc nên đưa nhiệm vụ cụ thể, nói chậm, nói rõ, đôi khi gợi ý các phương hướng giải quyết, đặc biệt đối với nhân viên mới hoặc những đối tượng không có thói quen suy nghĩ. Hãy cho ra kết quả đạt 13/10, có nghĩa là hãy làm tốt hơn những gì được yêu cầu Hãy sống hết mình, làm việc hết mình!
Hãy cám ơn
Phải, hãy luôn mỉm cười chào hỏi cám ơn những người xung quanh. Bạn sẽ nhận ra rằng một câu chào, một nụ cười, một lời cám ơn sẽ có thể đưa bạn đi xa hơn những gì bạn nghĩ.
Cuối cùng, hãy nhớ, KHÔNG BAO GIỜ lãng phí thời gian, lãng phí tuổi trẻ, nói xấu, nghĩ xấu, làm điều xấu đối với người khác! Việc mình mình làm, đừng phí thời gian xía vào việc của thiên hạ. Thời gian thừa hãy dành để chăm sóc bản thân và quan tâm đến gia đình nhiều hơn nữa!
Chúc các bạn may mắn! À không, không bao giờ nên ỷ lại và chờ đợi vận may. Hãy chủ động làm việc chăm chỉ, sống chăm chỉ để có thể tự tạo ra cơ hội cho chính mình!