Thứ tư, 11/8/2021, 00:00 (GMT+7)

8 phim Hollywood đậm tính thời trang

'Breakfast At Tiffany's', 'Atonement', 'Carol' là những cuốn phim Hollywood dành cho tín đồ thời trang.

Trang Haute History nhận định Breakfast At Tiffany's (1961) có nhiều lý do để thành công, một trong số đó chính là thời trang. Còn tờ Vanity Fair thì cảm thán rằng phong cách của Audrey Hepburn trong phim sẽ không bao giờ lỗi mốt. Bộ phim kể về cô nàng Holly từ miền quê Texas đến New York mang theo ước vọng lấy được tấm chồng giàu. Cô luôn lên đồ phù phiếm, thích tiệc tùng và mở rộng quan hệ xã hội để cảm thấy bản thân hòa nhập vào giới thượng lưu.

Vanity Fair mô tả lại cảnh mở màn kinh điển của phim: "Nàng Holly (Audrey Hepburn đóng) bước xuống khỏi chiếc taxi vàng, bước đi thướt tha trong chiếc đầm dài đen Givenchy quyến rũ. Cô mang trên ngực chuỗi ngọc trai đáng kinh ngạc, che đôi mắt nhiều cảm xúc bằng cặp kính đen to dày, nhấp một ngụm cafe và ăn chiếc bánh Danish trước khung cửa sổ của showroom Tiffany’s. Khoảnh khắc ấy, một biểu tượng thời trang satorial ra đời".

Đây là tạo hình khác biệt nhất của Audrey Hepburn trong phim. Nàng ngồi trên ô cửa ôm ghi-ta và hát 'Moon River'. Nàng mặc áo len nhẹ, quần jeans, quấn khăn và mang giày bệt. Đây là chân dung đơn giản và nguyên sơ vốn có của nhân vật, là hình ảnh cô không muốn người khác nhìn thấy.

Breakfast At Tiffany's Opening
 
 

Cảnh mở đầu kinh điển của Breakfast At Tiffany's

Trước khi trở nên vừa ngây thơ vừa gợi cảm trong Breakfast At Tiffany's, Audrey Hepburn từng ghi dấu ấn thời trang trong Roman Holiday (1954). Cô vào vai nàng công chúa Ann bỏ trốn khỏi sự kìm kẹp của hoàng gia, bước vào cuộc phiêu lưu khám phá mùa hè Italy cùng chàng nhà báo lãng tử.

Ban đầu, Hepburn để tóc dài, diện những bộ y phục hoàng tộc sang trọng. Ở phần sau của phim, cô trở nên năng động, tinh nghịch nhưng không mất đi nét kiêu sa với mái tóc ngắn, chiếc sơ mi trắng kết hợp chân váy midi dài quá gối. Chiếc thắt lưng làm nổi bật vòng eo nhỏ xíu của Hepburn, còn khăn quàng nhỏ giúp cô thêm thanh lịch. Đôi giày tết dây kiểu Hy Lạp tạo điểm nhấn dễ thương. Phong cách này đến nay vẫn được ưa chuộng.

Dù là phim đen trắng, Roman Holiday cuốn hút qua từng khung hình. Phim mang lại tiếng cười duyên dáng và để lại chút tiếc nuối ở đoạn kết. Tác phẩm thắng giải Thiết kế phục trang xuất sắc tại Oscar năm 1954.

Khúc tình buồn Atonement (2007) tựa như sàn diễn của bông hồng nước Anh Keira Knightley. Cô diện nhiều bộ váy áo hợp trend thập niên 1930 ở châu Âu. Trong phim, Keira Knightley và James McAvoy hóa thân thành đôi tình nhân bị chia cắt bởi bản án oan xuất phát từ lời khai dối trá của người em gái. Chuyện tình của họ trải qua nhiều đắng cay lẫn ngọt ngào nhưng khi câu chuyện hạ màn, sự thật đau lòng được tiết lộ: những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi của họ chưa từng xảy ra, chỉ là tưởng tượng trên trang tiểu thuyết.

"Vedette" trong tủ đồ của bộ phim là chiếc đầm satin xanh Keira Knightley mặc trong đêm tiệc và khi "gần gũi" với người yêu ở thư viện. Chiếc đầm dài có đường xẻ cao phía trước, lộ bờ vai và lưng trần gợi cảm. Sợi dây thắt ngang eo tôn lên vóc dáng mảnh mai của người mặc. Dù khiêm tốn vòng 1, Keira Knightley thực sự gợi cảm trong chiếc váy này.

Trước ngày quay, đạo diễn yêu cầu chiếc váy này phải làm nổi bật cảm giác của một ngày hè với độ dài, độ hở và độ mỏng nhẹ nhất định. Sắc xanh bóng tuyệt đẹp được tạo ra bởi kỹ thuật nhuộm vải tinh xảo. Chiếc váy này từng bán nhiều bản sao với giá hơn 30.000 USD.

Atonement Green Dress
 
 

Keira Knightley trong chiếc đầm xanh của Atonement

A Simple Favor (2018) mang màu sắc trinh thám ly kỳ với góc nhìn từ phụ nữ, xoay quanh đôi bạn thân do Blake Lively và Anna Kendrick đảm nhận. Sắm vai giám đốc PR tại một hãng thời trang danh tiếng, Blake Lively chủ yếu diện những bộ đồ form cứng, tôn lên dáng vẻ thành đạt, bí ẩn nhưng rất sexy. Một lần duy nhất, cô diện đầm hoa dịu dàng. Giày cao gót đế đỏ được dành cho nhiều khung hình đặc tả, mang ngụ ý về địa vị cao và sự tự tin của nhân vật.

Đối lập với Blake Lively, Anna Kendrick chọn cho mình những chiếc đầm mềm mại, hơi “bánh bèo”. Nhân vật của cô đẹp dần lên từ một bà nội trợ đơn giản, hơi quê mùa trở thành một phụ nữ hiện đại và sang chảnh. Trang E Online ghi nhận thời trang là một tuyến vai tỏa sáng của bộ phim.

Xoay quanh một băng cướp gồm tám người phụ nữ, Ocean's 8 (2018) mang một motif cũ, kịch bản kém hấp dẫn nhưng phim khá thành công về thời trang, trở thành sàn catwalk thứ thiệt của các chị đẹp. Tờ Variety đánh giá thời trang đóng vai trò quan trọng trong tạo dựng tính cách nhân vật của phim.

Vì nhân vật chính là các nữ tướng cướp, thường xuyên cải trang để lừa đảo nên họ bách biến nhiều kiểu chân dung. Nổi bật nhất là Cate Blanchett và Sandra Bullock với lần lượt 40 và 65 bộ đồ. Có những bộ được thiết kế và đặt may riêng, có những bộ mua từ các nhà mốt nổi tiếng. Cate Blanchett thường diện đồ menswear lấy cảm hứng từ thập niên 1970. Sandra Bullock đi theo phong cách tối giản và có tính ứng dụng cao. Vào vai minh tinh, Anne Hathaway ăn vận lộng lẫy và sexy nhất.

Đại cảnh của phim là dạ tiệc thời trang Met Gala, nơi các chị đẹp tiến hành phi vụ đánh cắp món trang sức đắt tiền. Cả nhóm đều lên đồ lộng lẫy khác biệt với phong cách ngày thường. Trang phục của họ đến từ các thương hiệu Valentino, Prada, D&G, Givenchy, Alberta Ferreti...

Ngoài tám nữ chính, phim quy tụ nhiều fashionista trong vai trò cameo: Katie Holmes, Maria Sharapova, Kim Kardashian West, Kylie Jenner, Liu Wen, Kendall Jenner, Gigi Hadid, Hailey Baldwin, Heidi Klum...

Sau 15 năm ra mắt, The Devil Wears Prada (Yêu nữ thích hàng hiệu - 2006) được tờ Variety ghi nhận là "tiếng nói vượt thời gian về phong cách". Tạp chí Vogue thì bình luận: "Bỏ qua sự cường điệu và thiếu chính xác, phim vẫn là tượng đài thời trang trong điện ảnh". Phim mở màn khi Andrea (Anne Hathaway đóng) tốt nghiệp đại học, được nhận vào làm tại tòa soạn của nữ biên tập viên thời trang nổi tiếng và quyền lực Miranda Priestly.

Meryl Streep giống như lãnh chúa giới văn phòng, diện những bộ đồ sang trọng và quyền lực, đeo kính râm ngoại cỡ và choàng áo lông khổng lồ.

Anne Hathaway diện nhiều trang phục Chanel trong phim. Vừa gặp Anne, stylist Patricia Field đã cảm thấy cô là "cô gái Chanel". Vốn quen thân với nhà mốt, bà gửi kịch bản cho họ và phía Chanel cực kỳ ủng hộ dự án bởi họ muốn nhìn thấy những thiết kế của mình làm đẹp cho các cô gái trẻ.

Phim Carol (2015) đặt trong bối cảnh Giáng sinh năm 1952, kể về chuyện tình đồng tính giữa một phụ nữ đã có chồng con (Cate Blanchett đóng) và cô gái trẻ bán hàng ở trung tâm thương mại (Rooney Mara đóng).

Phim tái hiện bức tranh sinh động về phong cách thời trang quý phái và đầy sức hút của thập niên 1950. NTK Sandy Powell đã tìm các tạp chí thời trang xuất bản giai đoạn 1952-1953 để tham khảo các mẫu áo thanh lịch và sang trọng làm nổi bật nhân vật có địa vị, có kinh tế do Cate Blanchett đảm nhận.

Thông qua các bức ảnh đường phố đương thời, NTK mô phỏng phong cách người lao động bình dân cho vai diễn của Rooney Mara. Cô thường được tạo điểm nhấn với những chiếc băng đô và mũ.

Mùa hè 2021, Emma Stone trở lại điện ảnh với bom tấn Cruella với vai diễn cùng tên. Phim là ngoại truyện về phản diện nổi tiếng trong phim hoạt hình 101 chú chó đốm.

Trong bối cảnh ngành thời trang London thập niên 1970, phim được ví như cuộc chơi về thời trang và thị giác. Emma Stone sở hữu tới 47 tạo hình, được thiết kế nhiều kiểu tóc, set đồ và phong cách make-up. Cầu kỳ nhất là bộ đồ cô mặc khi đứng trên nóc xe hơi bên ngoài một bữa tiệc thời trang. 5.070 cánh hoa và 393 m vải organza được dùng để tạo nên bộ trang phục này.

Emma Thompson vào vai Nữ bá tước điều hành hãng thời trang nơi Estella làm việc. Bà sở hữu 33 bộ đồ trong phim, được tạo hình gợi nhắc các biểu tượng thời trang, điện ảnh thời kỳ vàng son những năm 1960 của Hollywood.

Phong Kiều (Theo Elle, VF, Marie Claire, Vogue, Variety)

Đánh giá phiên bản mới