Là thuộc địa của Anh hơn 150 năm, năm 1997, Hong Kong mới được trao trả về Trung Quốc. Do đó, xứ Cảng thơm vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa mang đậm chất Anh quốc mà bất kỳ du khách nào cũng có thể dễ dàng nhận ra.
Tiếng Anh
Hong Kong là khu vực hiếm hoi ở Trung Quốc mà bạn có thể thoải mái sử dụng tiếng Anh khi đi du lịch. Ngôn ngữ này được sử dụng chính thức ở Hong Kong suốt hơn 100 năm nên phần lớn người dân địa phương đều có thể ít nhiều giao tiếp được, tạo thuận tiện cho du khách. Các cửa hàng, quán ăn từ bình dân tới sang trọng đều có thực đơn tiếng Anh và nhân viên nói được tiếng Anh. Những trung tâm thương mại, khu vui chơi, hệ thống tàu điện ngầm luôn có chỉ dẫn bằng ngôn ngữ này. Nhân viên ở Disneyland, Ocean Park nói thành thạo tiếng Anh, tiếng Trung phổ thông và tiếng Quảng (ngôn ngữ địa phương).
Tên phố
Sự hiện diện rõ rệt nhất của người Anh ở đặc khu này còn sót lại đến bây giờ chính là tên đường phố được giữ nguyên theo tên địa danh hoặc danh nhân ở Anh. Thậm chí, rất nhiều tên phố là phiên bản lặp lại của các con đường tại London. Nổi bật nhất là đường Queen Victoria được đặt theo tên Nữ hoàng trị vì từ năm 1837 đến 1901. Đây là con đường một chiều rất nổi tiếng ở khu Central, đảo Hong Kong. Một số khác cũng rất phổ biến như đường Prince Edward Road (Hoàng tử Edwad), Baker Street, Old Bailey Road, Oxford Road. Hong Kong còn có một khu trung tâm đông đúc, được đặt tên theo một tổ hợp ở London - mang tên Soho.
Tàu điện
Sự xuất hiện của người châu Âu ở châu Á những năm cuối thế kỷ 19 đã đưa hệ thống tàu điện trở nên phổ biến ở các khu vực thuộc địa, trong đó có Hong Kong và còn tồn tại đến ngày hôm nay. Đây là hệ thống giao thông công cộng xuất hiện sớm nhất ở đặc khu, được giới thiệu vào năm 1904. Hiện một số tuyến vẫn chạy ở khu vực đảo Hong Kong. Với thiết kế 2 tầng, đi tốc độ chậm, sơn nhiều màu sặc sỡ như vàng, hồng, xanh lam... hệ thống tram rất được khách du lịch yêu thích.
Lái xe bên trái
Cũng giống như người Anh, người Hong Kong vẫn lái xe bên trái đường. Điều này không giống như Trung Quốc đại lục với quy định lái xe bên phải. Quy định này có từ khi người Anh bắt đầu đến Hong Kong vào thế kỷ 19. Thời đó, tất cả các vùng thuộc địa của Anh yêu cầu các phương tiện đều phải lái bên trái. Trên thực tế, xe cộ, đèn giao thông, biển báo trên đường đều được thiết kế cho bên trái đường.
Kiến trúc
Ngày nay, ở Hong Kong vẫn còn những tòa nhà mang đậm phong cách kiến trúc thuộc địa Anh mà chưa hề có dấu hiệu bị xuống cấp. Vẫn còn một số tòa nhà trong thành phố là những ví dụ còn sót lại của kiến trúc thuộc địa Anh. Nhà thờ St John, được xây dựng vào năm 1849, là nhà thờ Thiên chúa giáo lâu đời nhất ở Hong Kong. Công trình được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic Anh thời kỳ đầu. Tòa án tối cao được xây dựng vào năm 1912. Tác giả của nó là các kiến trúc sư từng chịu trách nhiệm thiết kế mặt tiền phía đông của Cung điện Buckingham.
Uống rượu sau giờ làm
Hiếm có khu vực nào ở châu Á mà người dân lại có thói quen này suốt một thời gian dài. Việc sống cùng người Anh suốt 150 năm đã khiến những người Hong Kong cũng "nhiễm" luôn thú vui đi làm vài ly sau giờ làm để thư giãn. Có khá nhiều quán rượu kiểu Anh truyền thống ở Hong Kong, tập trung nhiều ở khu Wan Chai. Thay vì nhạc sôi động, đông đúc như các sàn nhảy, đây là nơi để người ta tìm đến uống rượu vang, bia và "chill" trên nền nhạc nhẹ nhàng.
Trà chiều
Tới Hong Kong, bạn có thể thấy rõ nét văn hóa ăn bánh uống trà vào giờ "lửng lơ", khoảng 15-16h. Thói quen này vốn của người Anh, xuất hiện từ những năm 1800. Một vị nữ công tước thời đó đã đưa ra ý tưởng uống trà vào cuối giờ chiều, giữa bữa trưa và tối. Truyền thống này bắt đầu phổ biến ở Hong Kong khi tầng lớp quý tộc Anh tới đây sinh sống, làm việc. Họ luôn nghỉ giữa giờ lúc 15h30 để uống trà. Những người Hong Kong làm việc chung cũng sẽ được nghỉ thời gian này. Tuy nhiên, người dân địa phương thay vì ăn bánh ngọt, uống trà Anh thì đã sử dụng các loại trà truyền thống Trung Hoa và ăn các món dimsum.
Văn hóa xếp hàng
Văn hóa xếp hàng ngày nay đang dần phổ biến ở các quốc gia châu Á và được khuyến khích là một hành động văn minh. Tuy nhiên, thói quen này đã rất quen thuộc ở Hong Kong từ lâu, học theo truyền thống lâu đời của người Anh. Người Hong Kong xếp hàng cho bất kỳ hoạt động gì từ mua đồ ăn, xếp hàng vào rạp hát, xếp hàng vào thang máy... Nếu đặc khu hơn 7 triệu dân này không duy trì việc xếp hàng thì sẽ tạo nên một sự hỗn loạn "từ nhà ra ngõ".
Nguyên Chi (Theo The Culture Trip)