1. Phân bổ số lượng khách mời cho nhà trai, nhà gái ngay từ đầu
Quá trình lập danh sách khách mời sẽ trở nên mệt mỏi nếu hai gia đình tham gia vào việc lập kế hoạch đám cưới hoặc có đóng góp về tài chính. Hai bạn nên nêu rõ mong muốn của mình về tổng số lượng khách mời với bố mẹ hai bên.
Mẹo: Theo truyền thống, khách mời của cặp vợ chồng sẽ chiếm một nửa danh sách, còn mỗi bên bố mẹ mời một phần tư khách mời còn lại. Ví dụ, một đám cưới định mời 200 khách thì 100 người sẽ là khách của vợ chồng bạn, 50 người là khách của bố mẹ chồng, 50 người còn lại là khách của bố mẹ vợ.
2. Cập nhật danh sách khách mời online
Bạn có thể nghĩ đến nhiều cách khác nhau để tạo danh sách khách mời, nhưng tốt nhất là bạn nên cập nhật online để mọi người tiện theo dõi và chỉnh sửa hàng ngày (VD: Tạo danh sách trên file excel của Google Drive). Sau đó, bạn có thể dùng danh sách này cho các lễ kỷ niệm ngày cưới hoặc các dịp khác của vợ chồng bạn.
Mẹo: Không xóa bất kỳ cái tên nào khi bạn bắt đầu lập danh sách. Đến thời điểm bạn biết nên mời ai thì bạn chỉ cần tô màu để phân biệt những người này với người mà bạn chưa chắc chắn lắm. Bởi lẽ có thể hội trường tiệc cưới có sức chứa lớn và có thể mời thêm nhưng lúc ấy bạn lại quên mất tên người mà hai vợ chồng muốn mời bổ sung.
3. Tạo danh sách khách mời lý tưởng
Khi lập danh sách khách mời, hãy ghi lại những cái tên mà bạn muốn họ có mặt trong đám cưới của mình. Nhờ đó, bạn sẽ hình dung được mình muốn mời bao nhiêu người, cần thuê hội trường có sức chứa lớn tới đâu.
Mẹo: Nếu bạn muốn mời thêm nhiều người hơn nữa, hãy kiểm tra danh sách này một lần nữa.
4. Hãy thực tế
Ngân sách và sức chứa của hội trường tiệc cưới là các yếu tố chính ảnh hưởng đến số lượng khách mời. Thêm một vị khách là thêm một cái bát, thêm một chỗ ngồi. Việc mời nhiều khách hơn sức chứa của hội trường tiệc cưới sẽ khiến bạn phải thấp thỏm lo âu. Tốt hơn hết là giữ danh sách khách mời ở con số an toàn. Nếu như ngân sách còn nhiều và hội trường còn thừa chỗ thì bạn hãy mời thêm sau.
Mẹo: Hãy kiểm tra danh sách khách mời trên Google Drive và xem số lượng khách để biết bạn sẽ tiết kiệm được bao nhiêu hoặc phải dành ra bao nhiêu tiền thuê hội trường.
5. Thực hiện một số quy tắc loại bớt khách mời
Quy tắc 1: Nếu cả hai vợ chồng chưa từng nói chuyện hoặc gặp người này, nghe tên của họ trước đây, đừng mời họ.
Quy tắc 2: Không mời trẻ em. Đừng cảm thấy có lỗi nếu như đám cưới của bạn chỉ dành cho người lớn.
Quy tắc 3: Nếu cả hai vợ chồng không nói chuyện với người này trong ba năm và họ không liên quan đến bạn, đừng mời họ.
Quy tắc 4: Không mời những người thích nhậu hoặc thích quậy phá.
Quy tắc 5: Ở Việt Nam, mỗi vị khách sẽ được mời đi cùng với người yêu, vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, nếu không thân với cả cặp, bạn có thể chỉ mời một người và điều này nên được ghi rõ trên thiếp hoặc khi đưa thiếp, bạn nên khéo léo nói với họ.
Mẹo: Nếu bạn định loại một vị khách trong danh sách khách mời của cha mẹ thì bạn cũng nên bỏ bớt một vị khách khác trong danh sách khách mời của mình.
6. Tạo ra danh sách A và B
Hãy tạo ra 2 danh sách khách mời. Danh sách A sẽ là những vị khách "phải" có mặt trong đám cưới của bạn; danh sách B là những vị khách mà bạn cảm thấy sự hiện diện của họ trong đám cưới không quá quan trọng.
Mẹo: Hãy thông báo hoặc gửi thiệp mời tới những người thuộc danh sách A ít nhất một tháng trước ngày cưới, sau đó ít nhất một tuần trước ngày cưới, hãy gửi thiệp tới những người thuộc danh sách B .
7. Đừng để cha mẹ hoặc nửa kia khiến bạn mất bình tĩnh
Nếu xảy ra tranhluận với cha mẹ vợ/chồng hoặc nửa kia của mình, bạn cần bình tĩnh, vì đây là đám cưới của bạn. Trong nhiều trường hợp, sức chứa của hội trường sẽ quyết định danh sách khách mời. Điều đó có nghĩa là nếu mẹ bạn khăng khăng đòi mời cả lớp của mẹ tới, thì bạn hoặc chồng bạn sẽ phải bỏ bớt một vài vị khách.
Mẹo: Hãy gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với nhau. Nếu ngân sách hạn hẹp mà cha mẹ lại muốn mời thêm người thì giải pháp đơn giản là ai muốn mời thêm khách thì người ấy trả thêm chi phí.
8. Tránh việc mời thêm khách vào phút chót
Cho dù bạn có muốn hay không, bạn sẽ nhận được vài lời bình luận như: "Tôi đang chờ thiệp mời của cậu!" từ một ai đó mà bạn không muốn mời đến đám cưới.
Mẹo: Tự chuẩn bị các câu trả lời cho các cuộc trò chuyện khó xử. Bạn có thể đưa ra một câu trả lời lịch sự nhưng không khiến người khác diễn giải sai. Ví dụ như: "Chúng tôi rất muốn mời bạn nhưng thật không may rằng với thời gian và sức chứa của hội trường thì chúng tôi không thể" (trước đám cưới) hoặc "Thời gian gấp quá nên tôi không mời kịp" (sau đám cưới). Sau đó lái cuộc trò chuyện theo hướng khác.
Hằng Trần