Ngày nay hầu hết mọi người đều có thiết bị quay video mạnh mẽ trong tay là smartphone nhỏ gọn. Chỉ cần luyện tập một chút và tìm hiểu vài lời khuyên, bạn có thể tự ghi lại một đoạn phim tuyệt vời. Dưới đây là 8 lưu ý giúp bạn quay video với smartphone cho ra những thước phim đẹp nhất.

1. Quay ngang máy
Sẽ không có điều gì tệ hơn nếu như video của bạn có hai sọc đen lớn ở hai bên. Để tránh mắc sai lầm này, hãy quay smartphones ngang ra và đừng bao giờ ghi hình trong trạng thái chúng đang nằm dọc.
Điều này cũng làm cho video của bạn vừa vặn hơn khi xem trên TV hay màn hình rộng. Thông tin trong video được hiển thị lớn hơn, rõ ràng hơn và người xem sẽ dễ dàng nắm bắt được thông tin đó.
2. Đóng khung chủ thể
Việc tiếp theo bây giờ là hãy đóng khung chủ thể của bạn. Tùy vào những tình huống và mục đích khác nhau, bạn cần phải chọn một bố cục sao cho hợp lý. Nếu đang quay vlog hay một phần giới thiệu của ai đó, hãy lấp đầy khung hình bằng chính bạn hoặc người mà bạn đang quay. Còn khi đối tượng của bạn ở trong một bối cảnh rộng lớn, hãy bố cục sao cho chủ thể của bạn không nằm chính giữa mà hơi lệch một chút ra bên ngoài khung hình.
3. Đừng sử dụng chức năng zoom
Nếu được hỏi, bất kỳ một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nào cũng sẽ cho rằng, chức năng zoom kỹ thuật số thật sự tệ. Nó đơn giản chỉ sử dụng thủ thuật phần mềm để phóng to khung hình của bạn, tiêu cự trên thực tế là không thay đổi. Với việc phóng to như vậy, hình ảnh trong video sẽ có độ chi tiết kém, độ bão hòa màu cũng giảm theo. Không may là hầu hết điện thoại đều sử dụng zoom kỹ thuật số, có rất ít sản phẩm có khả năng zoom quang học.
Vì vậy, để phóng to mà không làm giảm chất lượng video, bạn nên tự mình di chuyển đến gần hơn với chủ thể của bạn. Nếu chuyên nghiệp hơn, bạn có thể sử dụng ống kính zoom dành cho điện thoại, tuy vậy vẫn nên có được một cự ly gần nhất nếu bạn có thể.
4. Không nên lạm dụng flash
Chắc hẳn chúng ta từng xem những video mà con người xuất hiện trong video đó có làn da màu vàng, đôi mắt màu đỏ… trông như ma vậy. Thủ phạm không ai khác chính là người quay những video đó, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là người đó sử dụng đèn trợ sáng.
Đèn flash LED được trang bị trên một số điện thoại thông minh. Nhưng phần lớn ánh sáng phát ra từ những bóng LED này thường quá sáng, làm cho nhiệt độ màu sắc trong video bị sai lệch đi rất nhiều. Da có thể chuyển màu vàng, xanh… mắt thì chuyển thành màu đỏ. Ngoài ra, tầm phủ đèn flash trên smartphone không thực sự xa, vì vậy, phần hậu cảnh thường thiếu sáng, kết quả cuối cùng là video vẫn bị tối (ánh sáng tổng thể).
Cách tốt nhất để bạn ghi hình vào ban đêm là tìm một nguồn sáng. Nguồn sáng đó nên chiếu sáng đủ toàn bộ đối tượng và bối cảnh của bạn.
5. Tránh ánh sáng từ phía sau
Có một điều bạn nên lưu ý với anh sáng nói chung là tránh nguồn sáng chiếu thẳng từ phía sau. Trong một bối cảnh như vậy, bạn có thể nhìn rõ mọi người và khuôn mặt của họ nhưng máy ảnh thì không, đặc biệt là những máy ảnh trên smartphone. Nếu quay phim với bối cảnh như vậy, điện thoại của bạn sẽ cho ra một bóng đen thay vì hình ảnh mọi người như bạn nhìn thấy. Mặc dù một số điện thoại thông minh sử dụng thủ thuật phần mềm nhằm cố gắng làm giảm đi độ ảnh hưởng từ nguồn sáng phía sau nhưng bạn vẫn nên tránh một bối cảnh như vậy nếu có thể.
Để tránh tình trạng này, hãy sử dụng ánh sáng một cách hợp lý. Bạn có thể di chuyển vị trí của những nhân vật trong video, hay chính bạn cũng di chuyển để thay đổi hướng quay của máy.
6. Thử ghi hình theo cách khác
Time lapse hay stop-motion là một kỹ thuật khá thú vị mà bạn nên thử. Bản chất của hai kỹ thuật này là chụp liên tục nhiều ảnh rồi ghép chúng lại thành một video. Điểm khác nhau là kỹ thuật Time lapse sẽ cho ra video với hình ảnh được tua nhanh hơn so với thời gian thực trong khi stop-motion vẫn diễn ra với tốc độ bình thường.
Ngoài hai kỹ thuật trên, Time warp cũng là một kỹ thuật thú vị nữa bạn có thể thực hiện trên smartphone của bạn, kỹ thuật này ngược với kỹ thuật Time lapse, thay vì làm thời gian trôi nhanh hơn, Time warp sẽ làm thời gian trôi chậm lại.
Bạn cũng cần lưu ý rằng, không phải smartphone nào cũng hỗ trợ sẵn các tính năng này ngay trong ứng dụng quay phim mặc định của máy. Nếu điện thoại của bạn có sẵn tính năng này thì hãy sử dụng chúng, còn nếu không bạn có thể tìm và tải rất nhiều các phần mềm chuyên dụng trên kho ứng dụng của bạn.
7. Sử dụng phụ kiện để quay phim tốt hơn
Một điều hiển nhiên là máy ảnh trên điện thoại thông minh không tốt như các máy ảnh chuyên nghiệp. Điều này chủ yếu là vì kích thước cảm biến nhỏ, hạn chế về ống kính.
Bạn không thể thay đổi kích thước cảm biến nhưng việc sắm thêm một ống kính hỗ trợ bạn quay phim là hoàn toàn có thể.
Có rất nhiều ống kính với những hiệu ứng tiêu cự khác nhau dành cho điện thoại. Sử dụng chúng để quay phim là một cách hiệu quả mà bạn nên thử. Với ống kính tele, để đạt được hiệu quả thì bạn nên dùng thêm chân máy.
8. Chỉnh sửa và biên tập lại
Sau khi quay một video chất lượng với những lưu trên, kết quả đôi khi vẫn chưa đúng ý bạn, lúc này bạn nên chỉnh sửa và biên tập lại video của mình. Tất nhiên chính chiếc Smartphones của bạn cũng có thể làm điều đó.
Vì vậy, hãy chau chuốt video của bạn một lần cuối, công đoạn này chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng hơn với video của mình.
Theo Nghe Nhìn