Taiwan TV News dẫn báo cáo từ Trung tâm hiến máu ở Đài Loan cho thấy lượng cholesterol và chất béo trung tính quá cao đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe người trung niên.
Tiến sĩ Lu Wan-an từ Viện Y học cổ truyền thuộc Đại học Y Yang-Ming, Đài Loan đã gợi ý việc điều chỉnh chế độ ăn uống có thể hạ lipid (mỡ) máu một cách an toàn dưới đây.
1. Ăn một bát cháo yến mạch cho bữa sáng
Theo Tiến sĩ Lu Wan-an, ăn một bát bột yến mạch vào bữa sáng mỗi ngày trong 8 tuần có thể làm giảm nồng độ cholesterol xấu trong máu. Ăn yến mạch thường xuyên có thể kiểm soát cân nặng, giúp giảm cân hiệu quả, thúc đẩy lượng mỡ trong máu cao trở về mức bình thường. Nó cũng phù hợp để chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho bệnh nhân béo phì, tăng lipid máu, bệnh tim mạch vành và người khỏe mạnh.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng ghi rõ trên bao bì bột yến mạch: Tiêu thụ bột yến mạch là một phương pháp ăn kiêng để cải thiện lipid máu, có thể giảm nguy cơ xơ cứng động mạch vành và bệnh tim.
Lời khuyên: Khi nấu cháo yến mạch, bạn nên cho thêm một ít nước. Sau khi cháo sôi, đun nhỏ lửa khoảng 10 phút. Bạn cũng có thể thêm sữa hoặc một ít thịt nạc băm vào cháo yến mạch. Cách nấu này không chỉ ngon miệng mà còn làm giảm mỡ máu và bổ sung đạm, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
2. Ăn nửa bát đậu cho bữa trưa
Các sản phẩm từ đậu nành cung cấp protein thực vật chất lượng cao và là lựa chọn hàng đầu cho bữa trưa. Đậu cũng là thực phẩm giảm béo rẻ tiền, an toàn và hiệu quả. Ăn nửa bát đậu vào buổi trưa mỗi ngày, bạn có thể giảm nồng độ cholesterol xấu trong vòng 8 tuần. Ngay cả những người có mức cholesterol bình thường cũng có thể được hưởng lợi từ việc ăn nhiều sản phẩm đậu nành hơn, có thể làm tăng mức cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) và giảm sự xuất hiện của bệnh tim mạch.
Lời khuyên: Một số người có thể cảm thấy khó chịu ở đường tiêu hóa sau khi ăn đậu, chẳng hạn như tăng khí trong ruột hoặc đầy hơi. Hãy ngâm đậu thật kỹ trước khi nấu để phân hủy một số loại đường trong thực phẩm này và giảm những phản ứng bất lợi cho hệ tiêu hóa.
3. Ba tép tỏi cho bữa tối
Tiến sĩ Lu cho hay ăn tỏi dù sống hay nấu chín đều có tác dụng tốt. Các chất dinh dưỡng như allicin trong tỏi có thể làm giảm sự kết tập tiểu cầu và ngăn ngừa hình thành huyết khối. Do đó, ăn tỏi thường xuyên có thể ngăn ngừa và điều trị chứng tăng lipid máu, bệnh tim mạch vành và tăng huyết áp.
Những người ăn tỏi trong thời gian dài có cặn bám trên thành mạch máu nhẹ hơn nhiều so với những người không ăn tỏi - nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch.
Lời khuyên: Bạn có thể uống nước ép tỏi và củ cải có tác dụng hạ mỡ máu. Nguyên liệu gồm 3 tép tỏi, 100 g củ cải trắng. Đầu tiên, băm tỏi và giã nhuyễn lấy nước. Củ cải loại bỏ rễ, rửa sạch, cắt thành từng miếng nhỏ, xay nhuyễn để lấy nước, lọc bằng gạc sạch. Trộn đều nước ép củ cải trắng và nước tỏi. Uống hai lần vào buổi sáng và buổi tối.
4. Ăn nửa củ hành tây mỗi ngày
Hành tây hầu như không chứa chất béo nhưng lại có prostaglandin A, diallyl disulfide và axit amin lưu huỳnh. Prostaglandin A là thuốc hạ lipid máu và ngăn ngừa huyết khối.
Lời khuyên: Ngâm hành tây trong giấm và dùng để giảm mỡ, giảm cân. Rửa sạch hành tây, gọt vỏ và cắt thành từng lát mỏng, đun nóng trong lò vi sóng khoảng 2-3 phút; cho hành tây vào hộp, thêm năm thìa giấm, sau đó để trong tủ lạnh và ăn vào sáng hôm sau.
5. Ăn cá biển hấp hai lần/tuần
Chất béo của cá chủ yếu bao gồm các axit béo không bão hòa. Có sự khác biệt lớn về hàm lượng chất béo và chất dinh dưỡng của cá biển và cá nước ngọt. Axit béo không bão hòa trong thịt cá biển chiếm từ 70% đến 80% trọng lượng cá, có thể làm giảm lipid máu, cải thiện cơ chế đông máu và giảm huyết khối. Hầu hết các loại cá biển còn chứa thành phần ức chế kết tập tiểu cầu nên những người có cholesterol cao có thể ăn nhiều cá biển.
Lời khuyên: Hấp và hầm là phương pháp chế biến tốt nhất để đảm bảo tất cả chất dinh dưỡng trong cá không bị mất đi, giữ hương vị thơm ngon. Trước khi ăn, bạn nhớ rửa sạch, loại bỏ vảy, mang và nội tạng. Đối với cá không có vảy, bạn có thể dùng dao cạo sạch những phần da bẩn vì những phần này thường tập trung các chất ô nhiễm.
6. Ăn một bát canh chứa gừng mỗi tuần
Thành phần chính của gừng là dầu dễ bay hơi, gingerol, chất nhựa dầu và tinh bột. Nó có ba chức năng chính là làm đổ mồ hôi, làm dịu da, ấm dạ dày, giúp ngừng nôn mửa và giải độc. Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, uống một bát súp gừng nóng khi bụng đói vào buổi sáng và buổi tối, một đến hai lần một tuần, có thể bổ sung khí, làm sảng khoái và cải thiện giấc ngủ.
Lời khuyên: Nếu bạn ở trong phòng máy lạnh lâu, vai và lưng dễ bị tấn công bởi gió, lạnh, ẩm ướt... Để cải thiện tình trạng này, hãy thêm một chút muối và giấm vào nước gừng nóng, sau đó dùng khăn nhúng nước ấm đắp ở khu vực bị đau, lặp lại nhiều lần.
7. Ăn cơm gạo men đỏ
Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, gạo men đỏ có vị ngọt, tính ấm, giúp điều hòa lipid máu một cách toàn diện, giảm cholesterol toàn phần, cholesterol lipoprotein mật độ thấp, triglycerid, tăng cholesterol lipoprotein mật độ cao, kích hoạt tuần hoàn máu, loại bỏ cục máu đông và ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Nó cũng có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim và huyết khối não.
>> Xem thêm 10 loại thực phẩm và trà giúp trị mất ngủ hiệu quả
Hằng Trần (Theo CNTV)