1. Ngồi nhiều
Thường xuyên ngồi lâu một chỗ đồng nghĩa với việc ít vận động, tiêu hao ít calo, dễ dư thừa năng lượng, tạo thành mỡ. Bạn nên tạo dựng thói quen tập thể dục, chăm vận động giúp cơ thể linh hoạt, bớt trì trệ đồng thời tăng mức độ trao đổi chất, nhờ đó giảm mỡ thừa, tăng cường sức khỏe. Nếu tính chất công việc buộc bạn phải ngồi nhiều, hãy cố gắng đi lại hoặc tập vài động tác nhẹ nhàng sau 1-2 tiếng, giúp thư giãn cơ bắp, đốt cháy calo.
2. Uống nước ngọt
Thói quen uống các thức uống chứa nhiều đường sữa trong ngày hoặc uống nước ngọt khi ăn cũng khiến bạn nạp vào cơ thể một lượng calo không tưởng. Lâu ngày, cơ thể có xu hướng quen dần với việc được uống các món đồ đó, dễ gây "nghiện" và khiến bạn khó "bóp mồm, bóp miệng". Ngoài các thức uống như trà sữa, nước có gas,... nước ép trái cây cũng chứa một lượng đường nhất định. Nếu đang đặt mục tiêu giảm cân, tốt nhất hãy uống nhiều nước lọc trong ngày, nên thay thế các thức uống nhiều calo bằng trà, cà phê đen, sinh tố rau kèm trái cây ít đường.
3. Ăn nhiều đồ ngọt
Tương tự như nước ngọt, bánh kẹo ngọt càng ăn sẽ càng có cảm giác thèm, muốn ăn nhiều hơn nữa. Bạn tiêu thụ càng ít nhóm thực phẩm này càng tốt. Nó không chỉ ảnh hưởng đến cân nặng mà còn khiến da nhanh lão hóa, không có lợi cho sức khỏe thể chất nói chung.
4. Nhịn đói để giảm cân
Nhịn đói, bỏ bữa là một trong những sai lầm nhiều người mắc phải khi giảm cân. Nhịn ăn hoặc ăn quá ít có thể khiến bạn giảm cân nhanh chóng nhưng cũng đồng nghĩa có thể tăng cân trở lại rất nhanh và ảnh hưởng nhiều đến tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Thói quen này lâu ngày có thể dẫn đến các chứng rối loạn ăn uống, khó kiểm soát cân nặng hơn.
5. Thức khuya
Thức khuya, thiếu ngủ, ngủ không ngon trong thời gian dài ảnh hưởng rất nhiều đến hormone. Thiếu ngủ làm tăng lượng ghrelin - hormone tạo tín hiệu đói, khiến cơ thể có xu hướng muốn ăn vặt nhiều hơn, từ đó nạp vào lượng calo lớn, khó giảm cân. Quá trình sản sinh hormone leptin cũng bị ảnh hưởng khi cơ thể không được ngủ đủ giấc. Leptin tạo tín hiệu báo no cho cơ thể nên khi có quá ít hormone này cũng khiến bạn thấy thèm ăn, muốn ăn nhiều hơn.
Khi thức khuya, hầu hết mọi người có xu hướng đói, muốn ăn đêm. Thời điểm này, các món ăn lành mạnh cũng hiếm khi được mọi người lựa chọn, thay vào đó là mì gói hoặc những món chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, gia vị, dễ gây dư thừa năng lượng, tích tụ mỡ bụng.
6. Uống bia rượu
Thường xuyên uống bia, rượu cũng khiến bạn tăng cân, tích tụ nhiều mỡ bụng và mỡ nội tạng do hai thức uống này đều chứa lượng calo cao. Bên cạnh đó, khi uống bia rượu, bạn dễ tiêu thụ nhiều thức ăn kém lành mạnh hơn so với bình thường nên càng nạp vào cơ thể lượng calo lớn càng không có lợi cho cả vóc dáng lẫn sức khỏe. Ngoài ra, đồ uống có cồn cũng làm ảnh hưởng đến hormone trong cơ thể, khiến trao đổi chất kém, cản trở quá trình đốt mỡ.
7. Tiêu thụ đồ ăn nhanh
Ăn đồ chiên rán, đóng hộp hơn ba lần một tuần được coi là tần suất kém lành mạnh. Hàm lượng dầu mỡ cao làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể. Bên cạnh đó, những món đồ ăn này cũng rất khó kiểm soát gia vị, chất lượng thực phẩm cũng như có lượng calo lớn, làm tăng sự tích tụ của các tế bào mỡ.
Duk Sun (Theo ETToday)