Trái cây là thực phẩm tự nhiên, lành mạnh, cung cấp những dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể như các loại vitamin, chất xơ, glucose... Trái cây có trong thực đơn hàng ngày của mỗi gia đình nhưng không phải ai cũng ăn trái cây đúng cách để tối đa hóa lợi ích. Một số sai lầm thường gặp khi ăn trái cây được chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ, Subah Jain Saraf, chỉ ra dưới đây.
1. Ngâm trái cây trong nước muối để làm sạch
Nhiều người có thói quen rửa trái cây bằng nước muối vì nghĩ rằng sẽ làm sạch được hết hóa chất, bụi bẩn. Tuy nhiên, nước muối chỉ có tác dụng sát khuẩn, không thể loại bỏ hóa chất. Chưa kể, ngâm hoa quả trong nước muối đậm đặc quá lâu có thể gây mất chất, làm hoa quả mất ngon, thậm chí, làm chất bẩn thẩm thấu ngược lại.
Trái cây sau khi mua về là có thể ngâm trong chậu nước muối pha loãng hoặc nước vo gạo khoảng 10-15 phút. Sau đó, bạn vớt trái cây ra, rửa lại với nước sạch và để ráo. Cách này giúp loại bỏ được một lượng bụi bẩn và hóa chất bám trên bề mặt hoa quả.
2. Ăn trái cây khi bụng rỗng
Trái cây có rất nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ và các vitamin giúp cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, giảm nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, không phải loại trái cây nào cũng có thể ăn khi bụng rỗng. Ăn quả hồng, chuối, cam, quýt, táo gai... lúc đói bụng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày, gây đau bụng, đầy hơi.
3. Ăn trái cây ngay sau bữa chính
Thói quen dùng trái cây tráng miệng ngay sau khi bữa ăn chính kết thúc cũng gây hại dạ dày. Bởi trái cây là thức ăn tiêu hóa nhanh, ăn ngay sau bữa ăn sẽ dẫn đến việc chúng được tiêu hóa trước, tạo phản ứng, lên men, ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn trước đó. Ngoài ra, một số loại quả kết hợp với thực phẩm có thể tạo ra độc tố có hại cho cơ thể.
Thêm vào đó, chuyên gia Saraf chỉ ra, trái cây chứa lượng calo trung bình nhiều gấp ba lần các loại rau củ trong bữa ăn. Ăn trái cây ngay sau bữa ăn có thể làm tổng lượng calo của bữa ăn tăng lên đáng kể, gây ảnh hưởng đến quá trình giảm cân. Thời gian tốt nhất để ăn trái cây là 30-60 phút sau bữa chính.
4. Uống nước ép trái cây thay vì ăn miếng
Nước ép trái cây có thể là một lựa chọn để giải khát nhưng chúng không mang đến giá trị dinh dưỡng cao như khi ăn trực tiếp. Một số loại trái cây sẽ bị mất đi rất nhiều chất dinh dưỡng khi bị ép thành nước. Bạn có thể thay đổi khẩu vị bằng cách ép một vài loại hoa quả cùng nhau nhưng tốt hơn hết là nên ăn trái cây trực tiếp.
5. Ăn trái cây thay bữa chính để giảm cân
Một số người chọn ăn trái cây thay thế cho bữa ăn chính trong ngày với mục đích giảm cân. Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, đây là thói quen đi ngược lại quy tắc giảm cân lành mạnh. Thứ nhất, trái cây thiếu protein và axit béo thiết yếu cho cơ thể. Thiếu protein khiến cơ bắp không thể phục hồi và tái tạo. Thiếu axit béo thiết yếu có thể cản trở quá trình hấp thu dinh dưỡng, gây suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chức năng tim mạch. Thứ hai, trái cây chứa lượng đường cao hơn một số loại thịt và rau thường dùng trong bữa chính. Ăn quá nhiều trái cây có thể gây dư thừa đường, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đẩy nhanh quá trình lão hóa và làm ảnh hưởng đến kết quả giảm cân. Người có lượng đường trong máu bình thường được khuyến nghị tiêu thụ 200-350 g trái cây tươi mỗi ngày. Nếu có lượng đường trong máu cao, không nên ăn quá 200 g trái cây một ngày.
6. Chỉ ăn một loại trái cây trong thời gian dài
Nhiều người chỉ thích một vài loại trái cây nên ăn liên tục trong thời gian dài. Thói quen này dễ gây thừa và thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định. Chuyên gia khuyến cáo nên ăn nhiều loại trái cây cùng nhau để tối đa hóa lợi ích của chúng. Ăn trái cây tươi và ăn một cách khoa học sẽ mang đến hiệu quả cao hơn chỉ ăn một loại trái cây nhất định.
7. Gọt sẵn trái cây để trong tủ lạnh
Một số loại trái cây như táo, cam, bưởi... cần giữ lớp vỏ nguyên vẹn để bảo toàn dinh dưỡng. Vitamin C, folate... trong trái cây sẽ mất dần dưới tác động của ánh sáng, không khí và nhiệt độ. Quá trình này sẽ tăng nhanh hơn khi vỏ bọc bên ngoài của trái cây bị phá vỡ. Bề mặt tiếp xúc với không khí của trái cây sẽ tăng lên khi bị cắt nhỏ ra. Do đó, nên thưởng thức trái cây ngay sau khi gọt và cắt miếng để nhận được nhiều chất dinh dưỡng nhất. Gọt vỏ, cắt sẵn trái cây để trong tủ lạnh có thể làm cho quá trình oxy hóa và nhiễm khuẩn diễn ra nhanh hơn.
Cách ăn trái cây khoa học
Ăn hỗn hợp trái cây
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích ăn 2-3 loại trái cây theo mùa cùng lúc để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Tốt nhất là nên chọn các loại trái cây có màu sắc khác nhau, ăn hàng ngày để tăng cường miễn dịch, cải thiện sức khỏe tổng thể.
Không gọt vỏ
Một số loại trái cây nên ăn cả vỏ vì phần vỏ chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và chất chống oxy hóa hơn cả phần ruột. Lê, đào và mận, táo, kiwi... đều có thể ăn cả vỏ. Lưu ý, nên rửa sạch trước khi ăn và tốt nhất là chọn các loại quả hữu cơ, không dùng thuốc trừ sâu và hóa chất để đảm bảo sức khỏe.
Ăn trái cây thay vì ép nước
Quá trình ép trái cây làm giảm lượng chất xơ và vitamin. Sau khi ép, một số người thêm đường hoặc sữa để làm sinh tố, điều này tăng lượng đường trong máu, dễ gây tăng cân. Tốt nhất, nên ăn trái cây trực tiếp để thu được tối đa dinh dưỡng.
Ăn trái cây kèm protein
Một số loại trái cây có lượng đường khá cao, khiến lượng đường trong máu tăng cao sau khi ăn. Vì vậy, có thể ăn trái cây với một số thực phẩm giàu protein, chất béo lành mạnh để làm giảm chỉ số đường huyết. Có thể ăn một ít hạt giàu protein như hạnh nhân, hạt chia, hạt lanh, sữa chua, yến mạch cùng trái cây.
Vienne (theo Times of India, Health Shots)