1. Ngủ nướng vào ban ngày
Nghiên cứu chỉ ra những người có thói quen ngủ nướng vào ban ngày thường dễ cảm thấy đói và có nhu cầu ăn nhiều hơn. Đó là do khi ngủ, cơ thể tiết ra hormone ghrelin - hormone kích thích cảm giác đói, khiến bạn dễ cảm thấy đói ngay sau khi thức dậy. Để kiểm soát hormone thèm ăn, bạn cần duy trì lịch sinh hoạt khoa học, ngủ sớm vào buổi tối và dậy sớm vào buổi sáng. Buổi trưa, chỉ nên ngủ khoảng 30 phút để cơ thể nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng.
2. Thường xuyên bỏ bữa sáng
Bỏ bữa sáng là thói quen không tốt cho sức khỏe và khiến bạn khó giảm cân. Khi không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể sau một giấc ngủ dài, quá trình trao đổi chất sẽ chậm lại, cơ thể sẽ hạn chế tiêu hao calo, khiến bạn dễ tích mỡ thừa hơn. Bỏ bữa sáng còn khiến bạn có xu hướng ăn nhiều hơn vào bữa tiếp theo. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ chỉ ra những người thường xuyên bỏ bữa sáng có thể tăng 4,5 lần nguy cơ mắc bệnh béo phì.
3. Không quản lý lượng calo nạp vào hàng ngày
Giống như quản lý tài chính, bạn cũng cần quản lý lượng calo nạp vào mỗi ngày để kiểm soát cân nặng, giảm cân hiệu quả. Tính toán lượng calo nạp vào giúp bạn đặt mục tiêu giảm cân phù hợp, xác định lượng thực phẩm cần ăn hoặc không nên ăn trong thời gian giảm cân.
4. Thường xuyên đặt đồ ăn bên ngoài
Các loại đồ ăn, thức uống bên ngoài đều chứa nhiều calo, muối, đường hơn mức cần thiết, đặc biệt là với những người có nhu cầu giảm cân. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Hoa Kỳ chỉ ra thực phẩm chế biến ở nhà hàng cung cấp mức năng lượng tương tự thức ăn nhanh. Để giảm cân, bạn nên tự chuẩn bị thức ăn tại nhà.
5. Nhai vội, nuốt nhanh
Những người có thói quen nhai vội, nuốt nhanh khó giảm cân hơn những người ăn chậm, nhai kỹ vì khi ăn quá nhanh, bạn dễ ăn nhiều hơn so với nhu cầu thực của cơ thể. Ăn chậm giúp no lâu, tiêu hóa tốt hơn, hạn chế tích tụ mỡ thừa. Nghiên cứu được thực hiện tại London, Anh cho thấy những người ăn chậm tiêu thụ ít hơn 66 calo mỗi bữa so với những người ăn nhanh.
6. Loại hoàn toàn chất béo ra khỏi thực đơn
Nhiều người nghĩ rằng chất béo là nguyên nhân gây tăng cân, tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp, tim mạch... nên loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi chế độ ăn. Tuy nhiên, không phải chất béo nào cũng xấu. Chất béo lành mạnh là thành phần dinh dưỡng rất quan trọng giúp cơ thể hấp thu vitamin từ chế độ ăn, tăng cảm giác no, hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích tiêu thụ một khẩu phần chất béo mỗi bữa ăn. Các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh gồm dầu ô liu, dầu dừa, quả bơ, các loại hạt...
Vienne (Theo Healthline)