Men gan (AST, ALT, GGT) là các enzyme trong tế bào gan. Khi gan bị tổn thương do viêm, nhiễm độc, rượu bia hoặc thuốc, men gan sẽ "rò rỉ" vào máu, làm tăng chỉ số xét nghiệm. Tình trạng men gan cao kéo dài có thể dẫn đến xơ gan, thậm chí ung thư gan. Chuyên gia y học chức năng người Mỹ, Dr. Andrew Weil, cho biết: "Gan là cơ quan duy nhất có thể tái sinh. Hãy cho nó cơ hội phục hồi bằng dinh dưỡng đúng đắn".
1. Rau cải xanh (cải bó xôi, cải xoăn, cải bẹ xanh)
Tác dụng nổi bật: Giải độc gan, trung hòa độc tố
Các loại rau họ cải chứa glucosinolate - hợp chất chuyển hóa thành isothiocyanate, có khả năng kích thích enzyme giải độc giai đoạn 2 của gan. Theo nghiên cứu trên World Journal of Gastroenterology (2015), chất sulforaphane trong cải xanh giúp tăng cường chức năng gan và giảm men ALT, AST ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ. Dr. Taz Bhatia, bác sĩ y học tích hợp tại Mỹ nói "rau cải nên được hấp hoặc xào nhẹ để giữ tối đa lượng hoạt chất có lợi cho gan".
2. Atisô (Artichoke)

Uống trà atiso hàng ngày là cách đơn giản để thải độc, hạ men gan.
Tác dụng nổi bật: Bảo vệ tế bào gan, giảm viêm
Chiết xuất từ atisô giàu cynarin và silymarin - hai chất giúp hạ men gan và tái tạo tế bào gan. Nghiên cứu từ Journal of Clinical Biochemistry and Nutrition (2010) cho thấy atisô giúp giảm đáng kể ALT và GGT ở người bị gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Nên dùng atisô nấu nước uống, hầm cùng xương hoặc chế biến thành trà thảo dược.
3. Bông cải xanh
Tác dụng nổi bật: Ngăn ngừa gan nhiễm mỡ, giảm viêm
Bông cải xanh kích hoạt enzyme giải độc trong gan nhờ chứa indole-3-carbinol và sulforaphane. Theo nghiên cứu đăng trên Journal of Nutrition (2016), bổ sung bông cải xanh trong khẩu phần ăn giúp ngăn chặn sự phát triển của gan nhiễm mỡ và làm giảm men gan ở chuột. Dr. Michael Greger, chuyên gia dinh dưỡng y học lâm sàng Mỹ, cho biết: "Nên ăn bông cải hấp hoặc luộc trong 3-5 phút để giữ hoạt chất".
4. Tỏi

Nên ăn 1-2 tép tỏi sống mỗi ngày để hạ men gan.
Tác dụng nổi bật: Giảm mỡ gan, kháng viêm
Tỏi chứa allicin và selenium - hai chất có khả năng giải độc gan, giảm gốc tự do. Một nghiên cứu tại Advanced Biomedical Research (2016) cho thấy người sử dụng tỏi thường xuyên có chỉ số men gan thấp hơn so với nhóm đối chứng. Nên ăn 1-2 tép tỏi sống hàng ngày ngày hoặc dùng tỏi ngâm mật ong, tỏi đen.
5. Cà rốt
Tác dụng nổi bật: Bảo vệ gan khỏi stress oxy hóa
Cà rốt giàu beta-carotene - một dạng tiền vitamin A có khả năng trung hòa gốc tự do trong gan. Thí nghiệm tại Journal of Medicinal Food (2011) cho thấy chiết xuất cà rốt giúp giảm tổn thương gan và cải thiện chỉ số ALT, AST rõ rệt. Nên dùng cà rốt ép tươi hoặc ăn sống để giữ vitamin A nguyên vẹn.
6. Rau má

Uống nước rau má hàng ngày có tác dụng thải độc, hạ men gan.
Tác dụng nổi bật: Giải độc, làm mát gan
Theo y học cổ truyền, rau má có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, tiêu độc. Nghiên cứu hiện đại cũng ghi nhận rau má có khả năng làm giảm men gan và chống viêm do rượu, thuốc hoặc hóa chất. Nên uống 100-150 ml nước rau má tươi mỗi ngày, không dùng quá nhiều gây lạnh bụng.
Lưu ý khi sử dụng rau củ để hạ men gan
- Không lạm dụng: Ăn rau củ cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng cân bằng, không thể thay thế thuốc.
- Chế biến đúng cách: Ưu tiên hấp, luộc, ép tươi thay vì chiên xào.
- Kết hợp vận động, ngưng rượu bia: Gan sẽ phục hồi nhanh hơn nếu ngưng các tác nhân gây hại.
Vienne (Theo Healthline, PubMed Central)