1. Quản lý căng thẳng
Nghiên cứu chỉ ra mức độ hormone căng thẳng cortisol tăng cao không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe mà còn khiến bạn tăng cân, tăng mỡ thừa tích tụ ở vùng bụng. Do đó, để giảm cân, ngăn ngừa béo phì, bạn nên học cách quản lý căng thẳng. Tập yoga, thiền định, dành thời gian thư giãn tinh thần sẽ giúp đẩy lùi stress.
2. Ngủ đủ giấc
Ngủ là khoảng thời gian để cơ thể phục hồi và tái tạo. Ngủ đủ giấc giúp bạn tỉnh táo hơn, hạn chế cảm giác thèm ăn, đồng thời có thể tăng cường hoạt động thể chất ban ngày, giúp giảm cân hiệu quả hơn. Những người thiếu ngủ có xu hướng ngại vận động, thèm ăn vặt, đặc biệt là thực phẩm chứa nhiều đường khiến việc giảm cân gặp khó khăn.
3. Tăng cường bài tập sức mạnh
Các bài tập sức mạnh giúp tăng tỷ lệ trao đổi chất cơ bản. Tỷ lệ trao đổi chất cơ bản cao đồng nghĩa với việc cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn ngay cả khi không tập thể dục. Nhờ đó, bạn có thể giảm cân hiệu quả hơn.
4. Ăn đủ đạm
Đạm là nguồn dinh dưỡng thiết yếu giúp no lâu, tăng tốc độ phục hồi và phát triển cơ bắp, tăng tốc độ đốt cháy mỡ thừa. Tăng cường đạm trong thực đơn giúp giảm trọng lượng cơ thể mà vẫn duy trì được khối lượng cơ nạc. Các nguồn đạm được khuyến khích trong chế độ ăn kiêng là thịt ức gà, cá, protein từ thực vật.
5. Tăng cường chất xơ
Chất xơ giúp tăng cảm giác no, giảm cảm giác thèm ăn ăn, tăng cường tiêu hóa, giúp cơ thể đào thải độc tố, chất béo dư thừa hiệu quả hơn. Tăng cường chất xơ giúp tăng hiệu quả giảm cân. Lượng chất xơ khuyến nghị cho người trưởng thành là 18-20 g mỗi ngày.
Vienne (Theo Healthline)