Sủi cảo
Theo truyền thống từ nghìn đời, cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới đều quây quần gói sủi cảo vào những ngày cuối năm giống như người Việt có phong tục gói bánh chưng. Sủi cảo ngày Tết sẽ không được gói theo cách thông thường mà được tạo hình như một nén vàng, tượng trưng cho sự giàu có, dồi dào của cải. Ngoài ra, sủi cảo dịp Tết còn khác ngày thường ở chỗ phải có nếp gấp ở đầu thay vì để phẳng để tránh ý nghĩa nghèo đói, khó khăn.
Có rất nhiều loại sủi cảo như nhân thịt lợn, nhân tôm, cá, thịt bò, gà và cả rau. Bánh có thể được hấp, luộc hoặc rán chín đều được. Ở một số nơi, người làm sủi cảo còn lén cho sợi chỉ hoặc đồng xu vào trong nhân. Ai may mắn ăn trúng chiếc bánh có nhân độc đáo sẽ gặp may mắn, thịnh vượng cả năm. Khi dọn sủi cảo ra, bánh được xếp theo chiều dọc với hàm ý cuộc đời thăng tiến, suôn sẻ, tránh xếp vòng tròn bởi sẽ mang ý nghĩa luẩn quẩn, không phát triển.
Cá
Trên bàn tiệc năm mới của người Hoa truyền thống thường hiếm khi thiếu được món cá. Người xưa cho rằng chính bởi tên gọi của nó mà món ăn này giúp đem lại may mắn cho năm mới. Trong tiếng Trung, cá được đọc là yu, đồng âm với từ "dư thừa" nên hứa hẹn mang lại tiền tài, phước lộc, sung túc, đủ đầy, làm ăn phát đạt.
Vì là món ăn lấy may nên cá ngày Tết cũng phải tuân theo một số quy tắc. Khi dọn cá ra bàn, phần đầu cá hướng về người lớn tuổi nhất. Sau đó phải chờ người này động đũa trước thì cả bàn mới bắt đầu khai tiệc, thể hiện sự kính lão đắc thọ - truyền thống từ ngàn đời của người Hoa. Hai người ngồi ngay vị trí đầu cá và đuôi cá phải uống với nhau một ly vì điều này sẽ mang lại may mắn cả năm.
Mì trường thọ
Giống như tên gọi, mì trường thọ là loại món ăn được tin rằng sẽ mang lại tuổi thọ và sức khỏe dồi dào cho người ăn. Món này thường xuất hiện trên bàn tiệc sinh nhật hoặc ngày đầu năm mới. Người lớn tuổi trong nhà sẽ là người ăn đầu tiên tượng trưng cho lời chúc sống thọ của con cháu. Sợi mì trường thọ thường để rất dài, đặc biệt là không cắt, với ý nghĩa chúc cho tuổi thọ ngày càng tăng. Mì trường thọ có thể ăn nước hoặc ăn khô, phổ biến nhất là mì bò trường thọ.
Chè trôi nước
Người Hoa không chỉ chuộng món ăn ngon, đẹp mà ngay cái tên của nó cũng phải "phong thủy" thì mới được xuất hiện trên bàn tiệc đầu năm. Món chè trôi nước cũng vậy. Theo tiếng Trung, món ăn có cách phát âm là "tangyuan" gần giống với từ "đoàn viên", "sum vầy". Hình ảnh nhiều viên trôi nước nhỏ đặt trong chiếc bát cũng là hình ảnh ẩn dụ của một gia đình nhiều thành viên, đoàn tụ ngày đầu năm
Bánh tổ
Bánh tổ cũng là một món ăn truyền thống ngày Tết ở Trung Quốc. Món bánh có tên gọi là "niên cao" ngụ ý chỉ sự thịnh vượng, tiến bộ. Theo tiếng Trung, "cao" là bánh, "niên" là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng sẽ luôn kết dính, gắn bó với nhau hòa thuận. Bánh tổ được làm từ gạo nếp loại tốt để đảm bảo độ dẻo thơm cho bột bánh, đường nếp được thắng kỹ để loại bỏ tạp chất. Cuối cùng là một chút gừng tươi, phần nguyên liệu quan trọng này giúp mang lại hương vị đặc trưng cho chiếc bánh.
Người dân mỗi vùng lại biến tấu và thưởng thức bánh tổ theo một cách khác nhau, có nơi được cắt nhỏ cho vào món canh, xào; nơi lại làm bánh tổ ngọt hoặc làm loại hấp hoặc rán. Người Bắc Kinh thường có táo tàu trên bánh dùng bột gạo nếp trắng hoặc gạo nếp non. Người Phúc Kiến lại làm bánh từ bột gạo và khoai môn, họ cắt bánh nhỏ ra trước khi ăn hoặc tẩm bột ngô, nhúng qua trứng gà rồi rán lên...
Theo China Highlights