Để thăng tiến trong sự nghiệp, làm công việc của bạn thôi chưa đủ. Bạn cũng cần học cách quản lý các mối quan hệ với đồng nghiệp. Nguyên nhân là do những người đồng nghiệp có sức ảnh hưởng có thể giúp bạn thực hiện hoặc phá vỡ ý tưởng của bạn. Họ có thể nói giúp bạn với sếp để tán thành các ý kiến của bạn, hoặc có thể cản trở, thậm chí ngăn cản bạn gặp cấp trên.
Do có nhiều dạng ảnh hưởng khác nhau nên điều quan trọng là phải xác định những kiểu người có thể làm đồng minh tiềm năng, hoặc kẻ thù, khi bạn gia nhập một tổ chức mới.
"Khá dễ dàng để tìm ra cấp độ thẩm quyền của ai đó trong một tổ chức; bạn chỉ cần nhìn vào chức danh công việc của họ", Gorick Ng, cố vấn nghề nghiệp tại Đại học Harvard và là tác giả của cuốn Quy tắc bất thành văn: Bí mật để bắt đầu sự nghiệp của bạn ngay lập tức, nói. "Tuy nhiên, việc tìm ra mức độ ảnh hưởng của ai đó trong một tổ chức không dễ dàng như vậy. Không ai đi quanh văn phòng với bảng tên ghi: 'Xin chào! Tôi là người gác cổng. Hãy nói chuyện với tôi".
Theo các chuyên gia, ngoài những người ngồi ở khu vực góc văn phòng, nhóm người nắm giữ quyền lực thể chế rõ ràng, dưới đây là 5 kiểu người có ảnh hưởng mà bạn nên kết bạn tại nơi làm việc.
1. Những người có thâm niên (Veterans)
Đây là những người làm việc lâu năm, đã trải qua các đợt cải cách và sa thải của công ty. Họ giống như những nhà sử học nắm rõ kiến thức về bộ máy làm việc và những vị trí có khả năng thay đổi. Năng lực chuyên môn của họ có thể vô giá, đặc biệt khi bạn là nhân viên mới.
Ng mô tả các veterans "là những người đã làm việc trong công ty lâu nhất và có thể giúp bạn tìm hiểu cách điều hướng hệ thống hiệu quả dựa trên những gì đã thành công và chưa thành công trước đây".
Lawrese Brown, người sáng lập công ty giáo dục tại nơi làm việc C-Track Training, lưu ý rằng những người thâm niên rất có giá trị vì họ đã làm việc tại công ty đủ lâu để hiểu lãnh đạo quan tâm điều gì.
"Nếu bạn làm chủ một công ty, nơi các nhân viên có xu hướng nghỉ việc sau một năm và có một người đã làm ở đây ba năm, họ có thể nói với bạn rằng: 'Nghe này, đây là nguyên nhân gây ra sự xáo trộn. Đây là điều thực sự khẩn cấp hoặc cần được xử lý ngay", Brown nói.
2. Người quảng giao (Socialites)
Ng mô tả các socialites là "những người được biết đến và được tôn trọng trong công ty". Ngoài ra, họ có thể giới thiệu bạn với những nhân vật quan trọng tại nơi làm việc cũng như định hình ấn tượng của người khác về bạn.
Tuy nhiên, Brown lưu ý rằng những người giao thiệp rộng này chỉ thích mọi người hòa thuận với nhau, vì vậy đừng mong đợi họ sẽ đối đầu hay đứng lên che chở bạn.
"Sức ảnh hưởng của họ khiến người khác giải quyết hộ những trở ngại, để họ có thể giữ được danh tiếng cho mình. Họ sẽ rất giỏi trong việc chỉ cho bạn cách hoàn thành công việc mà không cần giải quyết trực tiếp", Brown nói.
Trong khi đó, Lauren Appio, nhà tâm lý học kiêm huấn luyện viên điều hành, nói rằng: "Những người được yêu quý nhiều ở chỗ làm thường có sức hút về mặt xã hội. Dù họ không nắm vị trí lãnh đạo, mọi người vẫn sẽ xuất hiện ở các sự kiện họ tham gia cũng như quan tâm đến quyết định của họ trong các đầu việc quan trọng. Họ thường được ưu tiên hàng đầu về các cơ hội nghề nghiệp trong và ngoài công ty".
Theo Appio, làm bạn với người quảng giao có thể giúp bạn học hỏi nhiều. Các socialites cũng có thể trở nên mạnh dạn và sáng tạo hơn vì được tạo điều kiện để tự do hơn trong công việc. "Thực hiện các dự án cùng những người quảng giao có thể giúp bạn tiếp cận được khả năng này", Appio nói.
3. Người gác cổng (Gatekeepers)
Gatekeepers là ví dụ cho sức ảnh hưởng tinh tế. Theo chuyên gia Ng, những người gác cổng ở văn phòng thường là những trợ lý "làm việc chặt chẽ với các lãnh đạo cấp cao, nhờ vậy họ có thể tác động đến cơ hội gặp gỡ cấp trên cũng như ấn tượng của sếp về bạn".
Người gác cổng có thể giúp bạn ghi tên trong lịch trình làm việc của sếp một cách nhanh chóng, hoặc khiến bạn phải chờ đợi hàng tuần. "Họ biết các yếu tố cần thiết để giúp bạn nhận được cái gật đầu từ cấp trên cũng như hỗ trợ bạn tiếp cận nguồn tài nguyên hữu ích để đạt được nó", Brown nói thêm.
4. Người chính trị (Politicians)
Các politician ở công sở thường hiểu rằng chỉ làm việc thôi là chưa đủ để thăng tiến. Họ là chuyên gia trong việc điều hướng chính sách văn phòng với tư cách là những chiến lược gia tự tin, sẵn sàng lên tiếng để người ra quyết định biết đến thành tích của họ. Theo Brown, họ là những người thích quyền lực.
"Nếu muốn nâng vị trí của mình ở công ty, bạn có thể học hỏi từ những người này. Sức ảnh hưởng của họ đến từ khả năng thấu hiểu cách được tài trợ. Họ biết làm thế nào để được thăng tiến và con đường dẫn đến chức vụ tiếp theo trong công việc", Brown nhận định.
Khi kết bạn với một đồng nghiệp chính trị, bạn nên nói rõ họ sẽ được lợi như thế nào trong thời gian ngắn từ mối quan hệ hoặc sự hợp tác cùng bạn.
"Nếu bạn đang trao đổi, bàn bạc với một chính trị gia ở công ty, hãy chú ý đến giao dịch đôi bên. Họ không có xu hướng duy trì các mối quan hệ lâu dài, trừ khi đối tác là một người nào đó vượt trội hơn họ", Brown nói.
5. Người hòa giải (Mediators)
Mediators có năng lực giải quyết vấn đề. Thông thường, các nhân viên cấp cao sẽ tìm đến những người dàn xếp, hòa giải này khi gặp bế tắc, bởi họ biết sẽ nhận được một thứ hiếm có ở nơi làm việc: Sự công bằng.
Brown mô tả người hòa giải là những người mà đồng nghiệp tin tưởng để lắng nghe họ nói một cách khách quan về một tình huống. "Các mediator thường khá nguyên tắc. Họ sẽ không chỉ nói những gì bạn muốn nghe. Họ sẽ nói một cách thẳng thắn về việc một điều gì đó sẽ được mọi người ủng hộ hoặc chống lại ra sao", chuyên gia nhận định.
Làm thế nào để kết bạn với những người có ảnh hưởng này?
Theo Appio, mở rộng các mối quan hệ ở văn phòng có thể gây bất lợi nếu bạn không chân thành và có phần giả tạo.
Để tìm ra phương thức hình thành mối quan hệ thực sự của bạn với đồng nghiệp, Appio khuyên bạn hãy tự hỏi bản thân xem muốn làm quen với mọi người theo cách nào: Từng người một hay theo nhóm? Trong bối cảnh trang trọng hay thoải mái? Bạn quan tâm điều gì khi làm quen với người mới? Bạn muốn biết gì về họ và muốn chia sẻ gì về bản thân với họ?
"Sau khi đã xác định những tiêu chí này, hãy quan sát hoặc hỏi đồng nghiệp về các quy tắc tổ chức để mở rộng quan hệ ở công ty. Một số người có thể sẵn sàng tư vấn khi bạn qua bàn của họ, hẹn gặp họ hay trò chuyện với họ tại sự kiện", Appio nói.
Brown chỉ ra rằng những người gác cổng (gatekeeper) có xu hướng thích những người được giới thiệu hơn khi kết bạn, vì họ sẽ không giúp đỡ và dành sự ưu ái cho bất kỳ ai.
"Nhìn chung, bạn không bao giờ có thể mắc sai lầm nếu thể hiện sự ham học hỏi và nhiệt tình của mình", Ng nói. "Điều quan trọng là tiếp cận người khác vào đúng thời điểm, khi họ không có vẻ bận rộn, cùng thái độ 'Tôi ở đây để học hỏi và phát triển'. Trừ khi mọi người đang rất bận bịu, họ thường sẵn sàng chia sẻ".
Hướng Dương (Theo Huffpost)