1. Đừng cắt giảm thời gian ngủ
Ngủ giúp giữ cho não bộ minh mẫn, ngăn ngừa các bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ sau này. Nếu buổi sáng, bạn thấy mình đang vật lộn để có được sự tập trung sau một đêm ngủ không ngon, điều đó là do não không được nghỉ ngơi đủ.
Thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến khả năng xử lý và ghi nhớ thông tin. "Ngủ đủ giấc là từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm và ngon giấc", Amy Gorin, một chuyên gia dinh dưỡng của Mỹ, cho hay. Đừng nghĩ có thể cắt giảm thời gian ngủ trong tuần và bù đắp vào cuối tuần. Bộ não của bạn cần giấc ngủ ngon mỗi đêm để có thể tự thiết lập lại. "Tạo môi trường ngủ lành mạnh bằng cách giảm thiểu tiếng ồn xung quanh, đảm bảo nhiệt độ dễ chịu và chặn ánh sáng bên ngoài", Gorin khuyến nghị.
2. Ngừng ăn quá nhiều đường
Quá nhiều đồ ngọt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến não và cả trí nhớ. Lượng đường dư thừa có thể làm tăng tình trạng viêm ở não và cũng có thể dẫn đến những thay đổi ở hồi hải mã - phần não kiểm soát khả năng học tập và trí nhớ.
Điều này không có nghĩa là cần tránh đường hoàn toàn. Một chút đường trong tách cà phê buổi sáng hoặc thỉnh thoảng ăn bánh quy không phải vấn đề. Nhưng đường bổ sung có thể nhanh chóng làm hại cơ thể nếu ăn nhiều thực phẩm đóng gói hoặc uống đồ ngọt. Cố gắng giữ tổng lượng đường bổ sung nạp vào cơ thể dưới 24 g (6 thìa cà phê) mỗi ngày với phụ nữ hoặc dưới 36 g (9 thìa cà phê) mỗi ngày với nam giới để có sức khỏe não bộ và quá trình lão hóa khỏe mạnh nói chung.
3. Ngừng cắt bỏ tất cả carbohydrate
Mỗi ngày, não sử dụng tới 25% tổng năng lượng mà bạn tiêu thụ mỗi ngày. Trong đó, carbohydrate là nguồn năng lượng chính cho não bộ.
Vì vậy, chế độ ăn ít carbohydrate có thể làm tâm trạng tồi tệ hơn và trí nhớ suy giảm. Nhưng lượng đường trong máu cao, có thể là tác dụng phụ của chế độ ăn quá nhiều carbohydrate tinh chế và đường cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe não bộ.
Để giữ cho lượng đường trong máu ổn định và cung cấp cho não năng lượng cần thiết từ carbohydrate, hãy chọn carbohydrate giàu chất xơ. Điều đó có nghĩa nên bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, đậu, trái cây và rau quả làm nguồn carbohydrate chính trong chế độ ăn uống; thi thoảng mới ăn đồ ngọt và carbohydrate tinh chế.
4. Tránh để bản thân căng thẳng quá nhiều
Căng thẳng mãn tính gây nên suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng không tốt tới khả năng học tập ở người lớn và trẻ em, tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, có thể liên quan đến những thay đổi về cấu trúc trong não. Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn căng thẳng khỏi cuộc sống, việc học cách đối phó và quản lý căng thẳng hiệu quả là chìa khóa cho sức khỏe não bộ lâu dài.
Nhiều thứ có thể giúp tăng cường sức khỏe não bộ như tập thể dục và thiền định. Kelly Page, huấn luyện viên sức khỏe người Mỹ, khuyên nên tránh suy nghĩ tiêu cực. "Theo dõi suy nghĩ có thể giúp bảo vệ sức khỏe não bộ rất nhiều", Page nói.
5. Tránh sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều
"Khi tương tác giữa người với người bị ảnh hưởng bởi thời gian sử dụng thiết bị điện tử, não sẽ bị ảnh hưởng. Thói quen dành quá nhiều thời gian sử dụng thiết bị điện tử có thể ảnh hưởng lớn đến trí nhớ và nhận thức tổng thể, tạo ra cảm giác cô đơn và trầm cảm, đồng thời làm suy yếu sức khỏe cảm xúc", Beth Stark, chuyên gia dinh dưỡng có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ cho biết.
Ngay cả một việc đơn giản như đi bộ đến bàn làm việc của đồng nghiệp thay vì sử dụng chức năng nhắn tin của công ty hoặc gặp gỡ bạn bè để đi dạo cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. "Chỉ cần 10 phút tương tác xã hội trực tiếp mỗi ngày có thể chống lại những tác động tiêu cực của việc sử dụng thiết bị điện tử, cải thiện hiệu suất trí tuệ và cho phép não tạo ra các kết nối xã hội tốt hơn", Stark nói.
Ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử bao gồm điện thoại, TV, máy tính hoặc bất kỳ thiết bị nào khác cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ, vì vậy hãy cất chúng đi ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.
>> Ăn trứng hàng ngày suốt một năm, người phụ nữ khiến bác sĩ bất ngờ
Hằng Trần (Theo Eating Well)