Có người cho rằng đi giày cao gót, để râu nghĩa là trưởng thành; có người cho rằng cứ lớn tuổi và có dày dặn kinh nghiệm nghĩa là chững chạc. Thực ra, sự trưởng thành hay chững chạc không liên quan gì đến tuổi tác, sự giàu có, ngoại hình hay trình độ học vấn. Mặc dù nhiều người bề ngoài trông giống người lớn, bên trong họ vẫn là những đứa trẻ.
Một người có trưởng thành về mặt tâm lý hay không chủ yếu phụ thuộc vào thái độ của người đó với mọi người và sự việc. Nhìn chung người chững chạc sẽ có những dấu hiệu sau:
1. Ổn định về mặt cảm xúc
Một người trưởng thành về mặt tinh thần có thể làm chủ được cảm xúc của mình, có thể chấp nhận và thừa nhận mọi cảm xúc tốt và xấu trong cuộc sống, chuyển hóa chúng một cách hợp lý và phản ứng theo hướng tích cực.
Khi tiếp xúc với mọi người, chúng ta không thể tránh khỏi những rắc rối, người chưa trưởng thành sẽ có xu hướng ích kỷ, đổ lỗi, chọc giận người khác vô cớ hoặc để những cảm xúc không tốt truyền sang người khác, trong khi người trưởng thành về mặt tâm lý sẽ không làm như vậy. Họ điều chỉnh kịp thời và không để sự bốc đồng lấn át. Những cảm xúc sinh ra sẽ có hại cho người khác và các mối quan hệ. Họ cố gắng tạo ra một bầu không khí thoải mái hoặc tích cực cho cuộc đối thoại.
2. Đối mặt trực diện với khó khăn, không trốn tránh trách nhiệm và nỗi đau
Ai cũng ít nhiều bị choáng ngợp trước những khó khăn, lo toan của cuộc sống và công việc. Trước thử thách, có người sẽ chọn cách né tránh và trốn thoát, có người sẽ dùng rượu, các cách giải trí để tạm thoát khỏi khó khăn.
Tuy nhiên, những người trưởng thành về mặt tinh thần sẽ chọn cách chịu đựng, đối mặt với những khó khăn đó cho đến khi họ suy nghĩ được sáng suốt, làm rõ trách nhiệm, sứ mệnh của mình. Các nhà tâm lý học gọi khả năng này là sức chịu đựng về mặt cảm xúc. Cách chuyển thất bại thành chiến thắng khi đối mặt với thử thách và áp lực là thước đo sự trưởng thành của một con người.
Để đánh giá sự trưởng thành của một người không phụ thuộc vào tuổi tác mà phụ thuộc vào mức độ trách nhiệm mà họ có thể gánh vác. Một người thường xuyên đổ lỗi trong cuộc sống hay ở nơi làm việc khó có thể gọi là người trưởng thành.
3. Biết ơn, luôn có lòng nhân ái và khiêm tốn
Những người từng trải trong cuộc sống đều hiểu một sự thật: mọi người đều gắn kết với nhau và không ai có thể tự mình thành công. Thành tựu của chính bạn không thể tách rời khỏi sự hỗ trợ và cống hiến của những người xung quanh. Người trưởng thành về mặt tinh thần biết ơn, đối xử tôn trọng với những người có địa vị thấp, vì họ biết rằng mọi người đều bình đẳng bất kể nghèo khó hay giàu có.
Con người có khả năng phân biệt cảm xúc từ khi còn rất nhỏ và có thể đọc được nỗi buồn, niềm vui trên khuôn mặt người khác. Nhưng thời gian trôi qua, sự buồn chán, lười biếng, thờ ơ khiến nhiều người mất đi khả năng này.
Những người chững chạc về mặt tâm lý thường có lòng nhân ái và sự tỉnh táo, dễ quan tâm đến cảm xúc của người khác và thông cảm với những khó khăn, hoàn cảnh của họ. Người trưởng thành thực sự có sự đồng cảm và khiêm tốn, không bướng bỉnh, ít phê phán người khác, không tùy tiện phán xét người khác. Ngược lại, người có tâm lý non nớt lại thích tranh luận, chỉ trích, coi thường người khác.
4. Xác định bản thân và trở thành người mình thích
Người trưởng thành về mặt tâm lý có thể hiểu được sự khác biệt giữa con người với nhau, nhìn thấy khuyết điểm của bản thân, giá trị của mình, không kiêu ngạo cũng không coi thường bản thân.
Martin Seligman, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, từng nói: "Bạn phải biết rõ khía cạnh nào của bản thân có thể thay đổi, khía cạnh nào không thể thay đổi và phải được chấp nhận". Việc tự nhận thức chính mình là dấu hiệu của sự trưởng thành. Chấp nhận cơ thể và ngoại hình của chính mình, không phô trương ưu điểm hay che đậy khuyết điểm, phát huy hết tiềm năng của mình. Học cách phát huy điểm mạnh, tránh điểm yếu.
5. Độc lập và có mục tiêu rõ ràng khi thực hiện mọi việc
Người chững chạc rất độc lập trong suy nghĩ và hành động, cố gắng khách quan khi nhìn mọi người và mọi việc. Họ có thể tự giải quyết những khó khăn, vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Trưởng thành là hiểu biết thế giới, hiểu những quy luật bất thành văn của xã hội nhưng không lợi dụng, dựa vào khả năng của bản thân để đạt được điều mình mong muốn.
Người trưởng thành yêu đời mà không mất đi vẻ đáng yêu. Dù bề ngoài có bị mài mòn bởi thời gian, bên trong họ vẫn chính trực và luôn tỉnh táo. Họ có điểm mấu chốt, ranh giới và nguyên tắc giá trị trong cuộc sống lẫn mọi thứ họ làm.
Hằng Trần (Theo DZNG)