Siêu mẫu Ngọc Thạch và chú rể thiếu gia Hà Thành "mạnh tay" chi hàng tỷ đồng cho đám cưới diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội chiều 29/9. Nhưng đằng sau chi phí gây sốc, khách mời cũng phải công nhận đám cưới được đầu tư xứng đáng với không gian ấn tượng và lộng lẫy như một cung điện.
1. Biến một hội trường cưới bình thường thành cung điện trắng tráng lệ
Concept của đám cưới là "Thác nước" và toàn bộ trang trí trong đám cưới đều xoay quanh ý tưởng này. Ngay từ cửa vào, khách mời sẽ nhìn thấy một đài phun nước bằng đá cẩm thạch với dòng nước chảy không ngừng suốt buổi tiệc. Trong sảnh tiệc cưới, chủ đề về thác nước được thể hiện rõ ở những chùm đèn ánh vàng ánh bạc chảy dài từ trên trần cao và tập trung ở sân khấu như nơi hội tụ ánh sáng.
Trả lời Ngoisao.net, chị Misa Vũ, wedding planner của hôn lễ cho biết, đôi uyên ương Ngọc Thạch và Đại Dương bắt đầu lên ý tưởng cho đám cưới từ đầu năm 2013. Dựa theo sở thích cũng như yêu cầu của cô dâu chú rể, chuyên gia tổ chức tiệc cưới đã tạo dựng nên một concept riêng với sự kết hợp hài hòa của âm thanh, ánh sáng.
Theo kế hoạch ban đầu, nhà tổ chức dự định chọn khách sạn Melia (Hà Nội) làm nơi cử hành hôn lễ. Nhưng khi khảo sát thực tế, khách sạn không thể đáp ứng được cho số lượng khách mời lớn từ 1.000 - 2.000 người nên chú rể Bình Dương đã gợi ý tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Phương án cuối cùng được quyết định vào tháng 5, cô dâu chú rể sẽ cử hành hôn lễ trong cả ba sảnh tiệc lớn tại Cung văn hóa.
Tìm được địa điểm rộng, có bãi đỗ xe lớn để phục vụ cho dàn "siêu xe" của gia đình nhà trai, nhưng không gian nơi tổ chức lại gây khó khăn nhiều cho ê-kíp tổ chức. Theo tổng đạo diễn chương trình, ba sảnh tiệc của Cung văn hóa vốn cũ kỹ, không gian lại có nhiều khung sắt thép không đẹp nên để tạo ra đám cưới hoàn hảo tới từng chi tiết, chuyên gia tổ chức tiệc cưới phải cải tạo lại toàn bộ không gian cũ.
Nhiều dải lụa trắng được dựng lên để che đi khiếm khuyết của trần và làm sáng không gian vốn rộng nhưng tối. Vì trần của sảnh tiệc quá cao, nên chuyên gia thiết kế đã chọn cách treo những dải lụa rủ từ trên trần, nhưng lụa phải hơi chùng để tạo sự mềm mại. Khi lụa kết hợp cùng các thác nước vàng bạc đổ xuống sân khấu, không gian giữa trần nhà và sân khấu sẽ được kéo gần lại, giảm bớt độ loãng cho sảnh tiệc.
Nhà tổ chức muốn chăm chút từng chi tiết, nên ngay cả thảm đỏ trong hội trường cũng được bỏ đi, thay bằng thảm màu ghi sáng. Tất cả diện tích đãi tiệc, đón khách ngoài cửa đều được trải thảm ghi để che đi gạch cũ.
Với không gian đón khách ngoài trời, nhà thiết kế cũng sử dụng lụa trắng để tạo sự tách biệt không gian đám cưới với bãi để xe ngay trước cửa sảnh tiệc. Hàng chục khung sắt được dựng lên, treo lụa mềm mại tạo thành nhà bạt lớn. Khi cô dâu chú rể đứng ở nơi đón khách, hay khách mời chụp ảnh tại đây, lụa sẽ là phông nền đẹp, che đi mảng sân xi măng xấu hay những hàng rào của bãi để xe.
Dàn đèn của nơi tổ chức được thay thế hoàn toàn bằng hệ thống ánh sáng tập trung, màu sắc đẹp và hoạt động theo sự chỉ huy của đạo diễn. Âm thanh và nhạc trong đám cưới cũng được ê-kíp chuẩn bị riêng và sẵn sàng trước hôn lễ.
Điều đặc biệt và có thể tiêu tốn nhất trong đám cưới là toàn bộ phụ kiện, trang trí từ nhỏ tới lớn đều được wedding planner vận chuyển từ TP HCM ra Hà Nội. Ngay cả đội ngũ trang trí hay trang điểm, làm tóc, lo liệu váy cưới cho cô dâu cũng đến từ TP HCM.
2. Sân khấu như sàn catwalk
Khi đã có thiết kế tổng thể về không gian cưới, wedding planner bắt tay vào chăm chút cho từng chi tiết trong tiệc cưới. Vì Ngọc Thạch là siêu mẫu, từng tham gia nhiều buổi diễn thời trang lớn nên chuyên gia tổ chức tiệc cưới đã dựng một sân khấu theo kiểu sàn catwalk hình chữ T bằng kính lớn, chiếm trọn nửa sảnh tiệc chính trong số ba sảnh tiệc của Cung văn hóa.
Sàn catwalk này được làm mới hoàn toàn, kính được đặt riêng, khung chắc chắn với chiều dài sàn 20m, còn tổng chiều rộng ở cả hai cánh khoảng 36m, chiếm trọn cả sảnh tiệc chính. Khi bước đi trên sàn catwalk này, Ngọc Thạch sẽ như được hồi tưởng lại khoảnh khắc đứng trong các buổi biểu diễn lớn và đây là chi tiết ghi dấu ấn cá nhân đậm nét nhất trong tiệc.
Với sàn sân khấu bằng kính, hiệu ứng ánh sáng và nến lung linh càng được sử dụng tối đa. Hàng nghìn ngọn nến lung linh soi bóng và phản chiếu xuống, tạo nên một không gian tiệc cưới ấn tượng và thu hút sự chú ý toàn bộ khách mời. Cũng vì điểm nhấn sân khấu mạnh mẽ, nên wedding planner không sử dụng thiết kế hoa hoành tráng ở bàn tiệc, để tránh rối mắt, rườm rà.
Ê-kíp quay phim và chụp ảnh trong tiệc đều là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực cưới ở TP HCM. Thiết bị, máy quay, máy ảnh đều là loại cao cấp và chuyên nghiệp và ê-kíp chịu trách nhiệm ghi lại toàn bộ các khoảnh khắc trong tiệc. Sáng sớm ngày tổ chức hôn lễ, cô dâu chú rể còn thuê khách sạn 5 sao để quay một clip về ngày cưới. Trước đó, album ảnh của của Ngọc Thạch và chú rể Bình Dương được thực hiện tại đảo ngọc Maldives xinh đẹp.
3. 1 triệu bông hồng trắng
Sau đám cưới của siêu mẫu Ngọc Thạch, wedding planner cho biết, ước tính tổng số hoa trang trí khoảng 1 triệu bông hồng trắng, ngoài ra chưa kể tới các loại hoa cắm đệm xung quanh. Tất cả hoa đều được vận chuyển từ TP HCM bằng đường hàng không, vì theo chuyên gia tổ chức, số lượng hoa ở Hà Nội không đủ đáp ứng và khó đồng đều để đảm bảo một đám cưới hoàn hảo.
4. 1.000 quả pháo hoa làm rực rỡ hôn lễ
Trong đám cưới của Ngọc Thạch, sau những nghi lễ cưới truyền thống là màn bắn pháo hoa lộng lẫy. Pháo được đặt ở dưới chân của sân khấu và đặt thành dàn ở trên trần cao cũng như hai bên cánh sân khấu. Theo tổng đạo diễn của chương trình, có khoảng 1.000 quả pháo được sử dụng chỉ cho vài chục phút cô dâu Ngọc Thạch và chú rể Bình Dương xuất hiện trên sân khấu làm lễ.
Để có được màn pháo hoa đẹp, đúng lúc, đạo diễn đã lên kế hoạch trước nhiều ngày. Thời điểm bắn pháo phải khớp với thời điểm ánh sáng chiếu rọi và cường độ bắn cũng phải phù hợp với nhạc chào đón cô dâu chú rể. Tất cả mọi bộ phận âm thanh, ánh sáng, pháo hoa đều được chỉ đạo ăn khớp và nhuần nhuyễn như một chương trình lớn.
5. Rượu vang tuyệt hảo
Chuyên gia tổ chức tiệc cưới chọn một công ty đối tác với Cung văn hóa để đặt tiệc. Tiệc cưới khá đơn giản, phù hợp với phần đông quan khách và phong cách của người miền Bắc. Giá mỗi bàn tiệc trung bình từ 7 - 8 triệu đồng cho bàn tiệc 12 người. Tuy không có nhiều đột phá về món ăn, phần rượu lại được gia đình cô dâu chú rể chăm chút. Tất cả rượu vang sử dụng trong tiệc đều được gia đình tự lựa chọn kỹ lưỡng và không hạn chế về số lượng. Với khoảng 300 bàn tiệc, mỗi bàn tiệc 12 khách, thì chi phí cho phần cỗ cưới cũng được dự đoán ngang với chi phí trang trí vài tỷ đồng.
Linh Linh
Ảnh: Ucbu